Đột ngột co cứng chân tay, người đàn ông phát hiện bị viêm màng não nguy hiểm

Vừa qua, Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả tiếp nhận bệnh nhân T.A.T (40 tuổi, Quảng Ninh) trong tình trạng nguy hiểm do bị viêm màng não.

Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử suy thượng thận, vảy nến, đái tháo đường typ 2. Vào buổi chiều tại nhà, bệnh nhân đột ngột co cứng tay chân, sùi bọt mép khoảng 5 phút rồi tỉnh lại và không nhớ gì hết. Trước đó khoảng 02 ngày, người bệnh có đau đầu và sốt nhẹ, gia đình lo lắng nên đưa đến bệnh viện khám.

Người bệnh nhập vào khoa Nội điều trị với chẩn đoán: Cơn động kinh/viêm xoang/suy thượng thận/ tăng huyết áp/đái tháo đường typ 2/hạ kali máu/vảy nến; tỉnh táo và không có cơn co giật. Sau 7 ngày vào viện, người bệnh đột ngột xuất hiện 1 co giật trở lại, co giật toàn thân, kết quả chụp CT sọ não chưa phát hiện dấu hiệu bất thường.

Bệnh nhân được chuyển lên Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo để theo dõi và điều trị tiếp. Tại đây, người bệnh được chọc dịch não tủy và nuôi cấy, kết quả nuôi cấy không thấy vi khuẩn.

 Ekip phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Ekip phẫu thuật điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn liên chuyên khoa trong bệnh viện và hội chẩn với Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương thống nhất bệnh nhân bị viêm màng não, tiếp tục thực hiện theo kế hoạch điều trị của Bệnh viện Đa khoa khu vực Cẩm Phả đã đề ra. Tuy nhiên, những ngày sau bệnh nhân vẫn sốt liên tục, tình trạng lâm sàng chậm cải thiện, ekip bác sĩ tiến hành đổi kháng sinh để điều trị tiếp.

Đến ngày 25.11, kết quả xét nghiệm PCR đa mồi dịch não tủy dương tính với virus EBV, kết quả chụp MRI cho thấy hình ảnh viêm não, áp xe màng não. Bệnh viện thực hiện hội chẩn liên khoa, xem xét tất cả quá trình điều trị và các yếu tố diễn biến mới, khẳng định bệnh nhân cần can thiệp phẫu thuật ngay.

Ngay lập tức, kíp phẫu thuật gồm BS.CKII Phạm Công Đoàn - Trưởng khoa Ngoại, BS.CKII Đỗ Ngọc Lâm - Trưởng khoa Phẫu thuật - Gây mê, hồi sức đã tiến hành phẫu thuật bơm rửa, làm sạch mủ trong não đến khi dịch rửa trong, dẫn lưu áp xe dịch mủ. Qua phẫu thuật, bệnh nhân tỉnh, tình trạng lâm sàng dần tốt lên. Sau hơn 1 tháng điều trị tích cực, tình hình sức khỏe của bệnh nhân tiến triển tốt, hồi phục nhanh, dự kiến sẽ được xuất viện trong tuần tới.

BS.CKI Nguyễn Văn Phái, Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc - Thận nhân tạo cho biết, viêm màng não do virus EBV rất hiếm gặp. Đối với trường hợp này, bệnh nhân mắc nhiều bệnh nền nên diễn biến bất thường, gây khó khăn cho việc điều trị. Vì vậy, các bác sĩ đã luôn theo sát của người bệnh để có phác đồ phù hợp.

 Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Bác sĩ điều trị cho bệnh nhân (Ảnh: BVCC)

Theo BS.CKII Đỗ Huy Đính, Phó Giám đốc - Chủ tịch Hội đồng khoa học bệnh viện, đây là một ca bệnh nhân nặng, nguy cơ cao, diễn biến bệnh có nhiều bất thường - ca bệnh viêm màng não nặng nhất từ trước đến nay tại bệnh viện. Tuy nhiên, ekip điều trị đã phối hợp tích cực trong việc theo dõi diến biến bệnh; đồng thời thường xuyên trao đổi, hội chẩn chuyên môn với các bệnh viện tuyến trên đã chẩn đoán đúng, kịp thời can thiệp phẫu thuật, cứu sống người bệnh.

Bác sĩ lưu ý, nếu chẳng may tiếp xúc gần với người bị nhiễm vi trùng não mô cầu, thì mọi người cần dùng thuốc kháng sinh phòng ngừa để giảm khả năng mắc bệnh. Ngoài ra, tiêm phòng là biện pháp hữu hiệu giúp hạn chế mắc một số loại viêm màng não do vi trùng.

Xuân Quý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dot-ngot-co-cung-chan-tay-nguoi-dan-ong-phat-hien-bi-viem-mang-nao-nguy-hiem-post399454.html
Zalo