Dòng vốn ngoại trở lại, giải ngân ròng 1.500 tỷ đồng sau 2 phiên
Khối ngoại giải ngân ròng hơn 1.500 tỷ đồng hai ngày gần đây. Cũng liên tục trong 4 phien vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán tín phiếu hút về tổng cộng 50.000 tỷ đồng, phần nào giúp kìm hãm đà mất giá của đồng nội tệ.
Sắc đỏ thắng thế và phủ rộng trên sàn chứng khoán Việt Nam. Chỉ trong bốn phiên, VN-Index giảm 88,15 điểm, “bốc hơi” 349.100 tỷ đồng (hơn 14,2 tỷ USD) vốn hóa. Chuỗi giảm sâu trên kéo chỉ số sàn HoSE giảm 7,32% từ đỉnh, cũng như xóa toàn bộ nỗ lực tăng điểm từ giữa tháng 7 trở lại đây và đâm thủng hàng loạt ngưỡng hỗ trợ. Phiên giảm điểm hôm nay còn được dự báo sẽ gây áp lực rất lớn khi khả năng call margin đã gia tăng đáng kể.
Các nhà đầu tư cá nhân bán ròng mạnh trong hai phiên. Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, các nhà đầu tư nước ngoài lại đảo chiều giao dịch khi có phiên thứ hai liên tiếp mua ròng. Đây cũng là điểm tích cực hiếm hoi của thị trường. Tổng cộng, khối ngoại giải ngân ròng hơn 1.500 tỷ đồng hai ngày đầu tuần, chấm dứt chuỗi bán ròng kéo dài tới 8 phiên. Giá trị mua trong phiên hôm nay cũng tăng vọt. Riêng trên HoSE, nhóm nhà đầu tư nước ngoài mua 2.181 tỷ đồng trong khi bán ra 1.532 tỷ đồng.
Trước đó, tính đến tháng 8, khối ngoại có tháng bán ròng thứ 5 liên tiếp, rút về 2.930 tỷ đồng. Trong hai tuần đầu tháng 9/2023, khối ngoại lần lượt bán ròng 1.266 tỷ đồng và 2.112 tỷ đồng trên ba sàn.
Động thái mua ròng trở lại nhằm cơ cấu danh mục và cũng khá tập trung khi chọn lọc một số cổ phiếu. Hai cổ phiếu được mua vào nhiều nhất những ngày qua đều là HPG và SSI – đại diện đầu ngành thép và chứng khoán. Lực cầu từ khối ngoại hôm nay với giá trị mua ròng lần lượt là 157 tỷ đồng và 134 tỷ đồng giúp cổ phiếu của Hòa Phát và SSI đều đóng cửa trong sắc xanh.
Quyết định đảo chiều mua ròng của khối ngoại diễn ra khi thị trường rơi sâu đẩy định giá P/E thị trường xuống thấp. Đồng thời, hiện, NHNN cũng đang liên tục hút đồng nội tệ thông qua hoạt động bán tín phiếu kỳ hạn 28 ngày.
Cập nhật trong phiên hôm nay, NHNN đã bán thành công 20.000 tỷ đồng tín phiếu cho 9 ngân hàng thương mại trong tổng số 11 nhà băng tham gia mua đấu giá. Lãi suất trúng thầu đã tăng đáng kể lên 0,58%/năm, từ mức 0,49%/năm hôm qua, nhưng vẫn thấp hơn nhiều lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn 1 tháng (1,15%/năm).
Như vậy, chỉ trong 4 ngày làm việc vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bán tín phiếu hút về tổng cộng 50.000 tỷ đồng, sau 6 tháng dừng hoạt động trên thị trường mở.
Động thái này được đánh giá sẽ giúp góp phần ổn định tỷ giá USD/VND – vốn đang chịu áp lực lớn do chỉ số DXY đo sức mạnh đồng bạc xanh đang tăng cao trong khi lãi suất VND kỳ hạn qua đêm duy trì ở mức thấp hơn 500 điểm cơ bản so với lãi suất USD.
Theo chuyên gia phân tích từ MBS, động thái hút VND của NHNN sẽ thúc đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng nhẹ đồng thời giảm áp lực tỷ giá. Đồng nội tệ mất giá cũng là một trong các yếu tố ảnh hưởng đến dòng vốn ngoại trên thị trường. Tỷ giá chính thức tại các ngân hàng đã vượt qua 24.000 đồng và liên tục xác lập mức cao mới từ đầu năm. Trong ba ngày gần đây, tỷ giá tại Vietcombank cũng như hầu hết các ngân hàng thương mại chỉ tăng 5 đồng mỗi phiên, "hạ nhiệt" đáng kể so với trước đó.
Dragon Capital: Nhịp giảm 5% đến 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp
Trước diễn biến giảm mạnh gần đây của VN-Index, đại diện Công ty Quản lý Quỹ Dragon Capital Việt Nam – quỹ ngoại hoạt động lâu năm tại Việt Nam cũng vừa đưa ra những đánh giá về tác động có thể đang ảnh hưởng đến thị trường.
Theo đó, áp lực từ các yếu tố vĩ mô toàn cầu bao gồm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) báo hiệu khả năng tăng lãi suất vào tháng 11, kinh tế của Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức… đã tạo ra tâm lý khá căng thẳng cho các nhà đầu tư. Còn về yếu tố vĩ mô trong nước, thông tin tỷ giá hối đoái tăng cùng với các biện pháp gần đây của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) liên quan đến việc phát hành tín phiếu điều tiết cung tiền trên thị trường đã khiến tâm lý thị trường trở nên không ổn định. Cùng đó, áp lực từ việc một số công ty chứng khoán thực hiện các biện pháp siết chặt đòn bẩy tài chính đã góp phần tạo ra một đợt bán tháo mạnh mẽ trong các phiên giao dịch gần đây.
Cũng theo đại diện từ Dragon Capital, các mô hình lịch sử cho thấy thị trường thường biến động mạnh vào các giai đoạn gần cuối của chu kỳ tăng lãi suất của Fed.
“Lần này cũng không ngoại lệ, và chúng tôi dự đoán sẽ có sự biến động ngắn hạn trong thời kỳ tiếp theo cho đến tháng 11”, phân tích từ quỹ ngoại này nêu ra. Còn về hoạt động cấp margin, tỷ lệ đòn bẩy tài chính tại một số công ty chứng khoán lớn đã giảm khoảng 11% so với đỉnh điểm. Theo quỹ này, trong các giai đoạn điều chỉnh giảm của thị trường trong một xu hướng tăng dài hạn, tỷ lệ đòn bẩy thường thông thường phải điều chỉnh sâu hơn, có lúc lên đến 20%.
“Sự biến động trong khoảng từ 5% đến 12% trong một chu kỳ tăng giá không phải là điều hiếm gặp”. Do đó, Dragon Capital nhận định rời khỏi thị trường tại thời điểm này có thể không phải là quyết định tốt.