Đồng vợ đồng chồng khám phá hang động núi lửa

Tiến sĩ La Thế Phúc cùng vợ là chuyên gia di sản địa chất - văn hóa Lương Thị Tuất đã cùng nhau nghiên cứu và khám phá chuỗi hang động núi lửa kỳ thú ở Đắk Nông.

18 năm tâm huyết

Tiến sĩ La Thế Phúc sinh năm 1956, nguyên Giám đốc Bảo tàng Địa chất Việt Nam, hiện đang công tác tại Viện Nghiên cứu Địa chất và Khoáng sản Ứng dụng. Tình cờ gặp ông vào những ngày cuối năm khi tỉnh Đắk Nông tổ chức lễ đón nhận danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần thứ 2, năm 2024. Ấn tượng đầu tiên về ông không chỉ đến từ những thành tựu nổi bật mà ông đã đạt được, mà còn từ niềm đam mê và tâm huyết dành cho vùng đất Đắk Nông nói chung và Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông nói riêng.

 Vợ chồng Tiến sĩ La Thế Phúc - Lương Thị Tuất (đứng giữa) thám hiểm hang động núi lửa ở huyện Krông Nô

Vợ chồng Tiến sĩ La Thế Phúc - Lương Thị Tuất (đứng giữa) thám hiểm hang động núi lửa ở huyện Krông Nô

Ông là người đã kỳ công nghiên cứu, khám phá và khơi dậy những giá trị di sản thiên nhiên và văn hóa của chuỗi hang động núi lửa tại Đắk Nông. Dù đã ở tuổi xế chiều với mái tóc bạc trắng, Tiến sĩ La Thế Phúc vẫn không ngừng cống hiến tâm huyết cho việc nghiên cứu và bảo tồn vùng Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, với hy vọng gìn giữ những giá trị quý báu cho các thế hệ mai sau.

Chia sẻ về hành trình khám phá này, Tiến sĩ La Thế Phúc cho biết, năm 2007, ông thực hiện đề tài nghiên cứu: “Điều tra nghiên cứu di sản địa chất để xây dựng công viên địa chất và bảo vệ môi trường khu vực thác Trinh Nữ, huyện Cư Jút, Đắk Nông, Việt Nam” do UNESCO tài trợ. Quá trình khảo sát, ông nhận thấy nơi đây rất có khả năng hình thành hang động núi lửa. Ông đã hỏi thăm người dân địa phương và được một người dân dẫn vào hang động để khảo sát. Khi được đưa vào hang Dơi (hang C2 hiện nay), ông đã reo lên sung sướng: “Hang động núi lửa đây rồi!”.

Thông tin các phát hiện di sản địa chất cũng như hang động núi lửa của đề tài này đã được in ấn trên tờ rơi. Nhờ có thông tin trên tờ rơi, năm 2008-2009 và trong các hội nghị khoa học, Hội Hang động núi lửa Nhật Bản (VSS) đã cử cán bộ sang Việt Nam thẩm định thông tin về hang động núi lửa và sau đó đã lập kế hoạch thám hiểm hang động núi lửa ở Krông Nô từ năm 2010. Hợp tác thám hiểm và nghiên cứu hang động núi lửa ở Krông Nô giữa VSS và Bảo tàng Địa chất Việt Nam chính thức được thực hiện từ năm 2011-2015.

Kết quả hợp tác nghiên cứu đã xác lập: hệ thống hang động núi lửa ở Krông Nô có quy mô trên 50 hang, hang C7 dài 1.066m, tổng chiều dài các hang hơn 7.721m và có tính độc đáo bậc nhất khu vực Đông Nam Á (công bố năm 2015, 2018). Các nội thất của hang rất phong phú, đa dạng và độc đáo; phản ảnh rõ nét sự hình thành, lịch sự phát triển của hang cũng như các pha phun trào của núi lửa Chư B’Luk được ghi lại trong hang...

Ngoài ra, nhiều hang còn có sự hiện diện của các loài sinh vật mới và đặc hữu, đặc biệt là sự hiện diện của các di tích khảo cổ thời tiền sử thời đại đá mới, tạo nên di sản kép giữa thiên nhiên và văn hóa có giá trị nổi bật toàn cầu, rất hiếm gặp trong các hang động núi lửa trên thế giới.

Nhiều đóng góp giá trị văn hóa lịch sử

Bên cạnh Tiến sĩ La Thế Phúc, người đồng hành không thể thiếu trong hành trình này chính là vợ ông - bà Lương Thị Tuất. Bà là một chuyên gia di sản địa chất - văn hóa, đã sát cánh bên ông trong mọi cuộc khám phá hang động núi lửa. Cả hai cùng nhau vượt qua không ít khó khăn để phát hiện và nghiên cứu những giá trị di sản của hang động.

 Tiến sĩ La Thế Phúc đang ghi nhận về các cấu trúc địa chất của hang động núi lửa Ảnh: MAI CƯỜNG

Tiến sĩ La Thế Phúc đang ghi nhận về các cấu trúc địa chất của hang động núi lửa Ảnh: MAI CƯỜNG

Với niềm đam mê, nhiệt huyết nghiên cứu, vợ chồng Tiến sĩ La Thế Phúc - Lương Thị Tuất đã gặt hái được nhiều thành công: Năm 2007, phát hiện ra hang động núi lửa; 10 năm sau - năm 2017, phát hiện ra nhiều di tích tiền sử trong và ngoài hang động núi lửa có niên đại trong khoảng 7.000-3.000 năm cách ngày nay, góp phần xóa bỏ vùng trắng về khảo cổ tiền sử khu vực núi lửa Krông Nô.

Trong đó, hang C6.1 đã được khai quật theo hướng bảo tồn bảo tàng tại chỗ, phục vụ khai thác du lịch. Đây là hang động núi lửa duy nhất trên thế giới (cho đến thời điểm này) chứa di tích cư trú, di tích xương và di tích mộ táng (có di cốt người tiền sử).

Tiếp đó, năm 2020 vợ chồng Tiến sĩ Là Thế Phúc phát hiện thêm 2 hang động mới và loại hình di tích mới trong hang động núi lửa (có thể liên quan đến nghi lễ tôn giáo?). Năm 2023, họ phát hiện ra nhiều di tích tiền sử liên quan đến các thềm sông cổ, trong đó di tích thôn 7 (xã Đắk Drô, huyện Krông Nô) được khai quật tháng 4-2024 và khẳng định đây là di tích tiền sử có tuổi cổ nhất trên địa bàn Đắk Nông cũng như lưu vực sông Sêrêpốk.

Mới đây nhất, vợ chồng Tiến sĩ La Thế Phúc đã có một khám phá mới khi phát hiện thêm một hang động núi lửa nằm trong vùng Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông tại huyện Krông Nô. Đây là một hang động núi lửa nằm cách miệng núi lửa Chư B’Luk, xã Buôn Choah’ (huyện Krông Nô) khoảng 1.800m. Phát hiện này đã được tỉnh Đắk Nông công bố vào dịp lễ đón nhận danh hiệu Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông lần 2 vào tháng 12-2024 vừa qua.

Dù đã bước vào tuổi thất thập, nhưng Tiến sĩ Phúc và bà Tuất vẫn không ngừng nghỉ trong nghiên cứu khám phá về di sản địa chất, di sản địa - văn hóa. “Trong máu chúng tôi có đam mê khám phá, nghiên cứu; còn sức khỏe, còn minh mẫn là chúng tôi tiếp tục nghiên cứu và cống hiến. Chúng tôi hy vọng những đóng góp của mình sẽ mang lại những giá trị thực tiễn thiết thực cho Đắk Nông”, Tiến sĩ La Thế Phúc chia sẻ.

Tiến sĩ La Thế Phúc hy vọng, với những tiềm năng to lớn của Công viên Địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông sẽ tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tham gia vào công cuộc bảo tồn và khai thác bền vững các giá trị di sản cho du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dong-vo-dong-chong-kham-pha-hang-dong-nui-lua-post778340.html
Zalo