Dòng tiền hờ hững, thanh khoản xuống đáy 6 tháng, cổ phiếu lao dốc

Nhà đầu tư kiên quyết không mua giá cao trong phiên sáng nay khiến giá cổ phiếu từ từ suy yếu. VN-Index chỉ có vài phút nhích qua tham chiếu và chốt phiên sáng ở mức thấp nhất, giảm 4,21 điểm (-0,33%). Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE giảm tới 28% so với sáng hôm qua...

Nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sáng nay vẫn nghiêng về phía giảm nhiều hơn.

Nhóm cổ phiếu thanh khoản tốt nhất sáng nay vẫn nghiêng về phía giảm nhiều hơn.

Nhà đầu tư kiên quyết không mua giá cao trong phiên sáng nay khiến giá cổ phiếu từ từ suy yếu. VN-Index chỉ có vài phút nhích qua tham chiếu và chốt phiên sáng ở mức thấp nhất, giảm 4,21 điểm (-0,33%). Thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE giảm tới 28% so với sáng hôm qua.

Chỉ số vẫn đang cao hơn ngưỡng 1250 điểm, nhưng dòng tiền không có chút gì hào hứng. Trái lại, lực cầu giá xanh hầu như không có và trọn phiên số cổ phiếu giảm giá luôn áp đảo số tăng. Độ rộng hiện đang có 128 mã tăng/244 mã đỏ, trong đó gần 100 mã giảm quá 1%.

Biên độ điều chỉnh này là khá mạnh và trên nền thanh khoản quá kém, lý do duy nhất là thiếu cầu đỡ. Nhóm blue-chips cũng cạn kiệt thanh khoản, giao dịch giảm 27%, chỉ đạt gần 2.361 tỷ đồng. Chỉ số VN30-Index chốt phiên sáng giảm 0,59% với 11 mã xanh và 18 mã đỏ.

May mắn là các trụ vẫn chỉ duy trì điều chỉnh nhỏ. VCB tăng 0,23%, BID tăng 0,11%, GAS tăng 0,39%, GVR tăng 0,28% là 4 trụ duy nhất trong top 10 vốn hóa còn tăng giá. Số giảm trừ VPB mất 1,32%, TCB giảm 2,71% thì 4 mã còn lại cũng không điều chỉnh nhiều. Thực ra rổ VN30 cũng có tới 6 mã đang giảm quá 1% nhưng trừ VPB, TCB, đều là các cổ phiếu vốn hóa trung bình: SSB giảm 3,31%, POW giảm 2,61%, PLX giảm 1,53%.

Sự giằng co yếu ớt trong nhóm trụ dù sao vẫn là một yếu tố nâng đỡ VN-Index. Chỉ số này giảm 0,33% sáng nay và lùi về mức 1.257,03 điểm, vẫn trên ngưỡng hỗ trợ tâm lý 1.250 điểm. Tuy nhiên cũng giống như phiên kéo hồi chiều qua, vấn đề nằm ở nhóm trụ. Chỉ cần các cổ phiếu lớn tạo sức ép, trong bối cảnh thanh khoản quá nhỏ như lúc này, biến động giá cũng sẽ rộng ra đáng kể. Ví dụ dư mua dư bán của VCB hay BID, GVR đều rất mỏng.

Nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng không đi ngược dòng rõ ràng trong điều kiện thị trường yếu như vậy. 52/138 mã đang tăng hơn 1% chỉ chiếm 14% tổng giá trị khớp của sàn HoSE. Chưa tới một phần ba số này đạt thanh khoản quá được 10 tỷ đồng. DCM tăng 1,49% giao dịch 132,9 tỷ; HDB tăng 1,32% với 130,4 tỷ; BVH tăng 4,36% với 80,6 tỷ; MSB tăng 1,4% với 58,5 tỷ là đáng kể nhất.

Nhóm giảm giá dĩ nhiên áp đảo, chỉ số Midcap cũng đang mất 0,7%, Smallcap mất 0,44%. 99 cổ phiếu giảm quá 1% đang chiếm xấp xỉ 29% tổng thanh khoản sàn HoSE và lực xả tập trung vào các blue-chips như TCB, POW, VPB, thêm HSG, DGC, HAH, VND, ACB cũng giao dịch khá nhiều.

Nhìn chung mức thanh khoản quá thấp sáng nay không đáng lo ngại vì tâm lý chờ đợi là điều bình thường. Nhà đầu tư không muốn mua vào mạnh và càng không muốn đuổi theo giá nên các nhịp tăng đều có thanh khoản rất thấp. Lực mua thụ động với các lệnh được treo giá thấp nên không có khả năng tạo thanh khoản, chỉ có bên bán quyết định giao dịch lớn hay nhỏ.

Từ góc độ đó, thanh khoản thấp cũng là một biểu hiện của sức ép bán ra không lớn. Chiều qua là phiên có lượng cổ phiếu bắt đáy về tài khoản rất lớn nhưng giá lại được kéo tăng. Tuy nhiên đó vẫn là một sức ép thường trực và sáng nay nhiều cổ phiếu T3 vẫn có lãi một chút. Chỉ số không giảm nhiều là nhờ các trụ, nhưng các cổ phiếu đơn lẻ sẽ chịu sức ép khác nhau vì nhà đầu tư là một đám đông không đồng nhất với các quan điểm trái ngược về lợi nhuận ngắn hạn cũng như rủi ro hiện tại.

Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng vẫn duy trì áp lực rút vốn, với khoảng -473,7 tỷ đồng ròng trên sàn HoSE. Không nhiều mã bị bán đột biến, lớn nhất là TCB -81,1 tỷ, FPT -65,3 tỷ, POW -52,7 tỷ, VND -32,3 tỷ, VNM -25,1 tỷ, VPB -22,6 tỷ. Bên mua chỉ có PC1, MBB, VCB, PAN là quanh 10 tỷ đồng ròng.

Kim Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/dong-tien-ho-hung-thanh-khoan-xuong-day-6-thang-co-phieu-lao-doc.htm
Zalo