Dòng tiền bất động sản dịch chuyển vào khu vực phía Nam
Có đến 66% người Hà Nội được hỏi quan tâm đến bất động sản (BĐS) phía Nam. Các khu vực vùng ven, thị trường vệ tinh TPHCM cũng đang nằm trong mối quan tâm của người tìm kiếm BĐS đến từ Hà Nội. Phân khúc BĐS được người tiêu dùng Hà Nội quan tâm nhất trong xu hướng Nam tiến là chung cư với 75% lựa chọn.
Giới đầu tư bắt đầu "nam tiến" trở lại
Trước đây, việc nhà đầu tư miền Bắc “Nam tiến” khá phổ biến và thường tập trung vào phân khúc bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Phan Thiết (tỉnh Bình Thuận), Bà Rịa - Vũng Tàu, TPHCM, Long An, Bình Dương...
Tuy nhiên từ giữa năm 2024, trong bối cảnh căn hộ chung cư là phân khúc có tỷ lệ tăng trưởng và giao dịch sôi động nhất, các nhà đầu tư bắt đầu tìm kiếm căn hộ cho thuê tạo dòng tiền tại các tỉnh thành có nền kinh tế sôi động.
Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cho thấy, lượng người Hà Nội tìm kiếm bất động sản tại TPHCM vào tháng 11/2024 đã tăng 7% so với tháng 1/2024. Ngược lại, lượng người TPHCM tìm kiếm bất động sản Hà Nội giảm 12% trong cùng giai đoạn.
Khảo sát này cũng chỉ ra, 66% người Hà Nội được hỏi quan tâm đến bất động sản phía Nam. Ngoài ra, các khu vực vùng ven, các thị trường vệ tinh TPHCM cũng đang nằm trong mối quan tâm của người tìm kiếm bất động sản đến từ Hà Nội. Các thị trường này là Bình Dương, Long An, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu…
Các loại hình bất động sản được người tiêu dùng Hà Nội quan tâm nhất trong xu hướng Nam tiến là chung cư với 75% người tiêu dùng Hà Nội lựa chọn loại hình này khi Nam tiến. Kế đó là nhà phố/shophouse với 53%, đất nền 53%, nhà riêng/nhà thổ cư 39%, biệt thự 29%, bất động sản nghỉ dưỡng 28%.
Ông Đinh Minh Tuấn - Giám đốc kinh doanh PropertyGuru Việt Nam nhận định, thị trường bất động sản tại Hà Nội và TPHCM có sự phân hóa rõ rệt trong hai năm vừa qua. Không chỉ người Hà Nội, các nhà đầu tư tại TPHCM cũng đang đẩy mạnh tìm kiếm cơ hội tại chính thị trường TPHCM. Đây là một sự dịch chuyển đáng chú ý. “Dòng tiền từ Hà Nội dịch chuyển vào TPHCM rất rõ ràng trong quý IV/2024”, ông Tuấn nói.
Cũng theo ông Đinh Minh Tuấn, động lực để giới đầu tư Hà Nội chuyển hướng các thị trường phía Nam đến từ các nguyên nhân là thị trường bất động sản ở đây giàu tiềm năng, giá đang ở mức khá tốt, thị trường có dự án bất động sản mới chất lượng tốt và giá bất động sản tại khu vực đang sống là Hà Nội và các khu vực giáp ranh Hà Nội đang quá cao.
Dự báo về thị trường bất động sản 2025 của Dat Xanh Services cũng cho thấy, năm nay nguồn cung phía Nam đã bắt đầu phục hồi và lấy lại ưu thế. Cụ thể, trong hơn 43.000 sản phẩm nhà ở mở bán mới năm nay, TPHCM và các tỉnh phía Nam chiếm 36,2%, miền Bắc và miền Trung chiếm lần lượt 31,5% và 20,7%. Nguồn cung gia tăng sẽ kéo thanh khoản phục hồi với mức hấp thụ các tỉnh phía Nam dự báo tăng 15-20% so với năm trước.
Điểm thu hút dòng tiền
Trong báo cáo về triển vọng ngành bất động sản nhà ở năm 2025 của Chứng khoán Vietcombank (VCBS) nhận định, khu vực TPHCM và lân cận dự báo sẽ thu hút dòng tiền tốt và sẽ là điểm sáng đầu tư trong năm 2025.
VCBS cho rằng, trong năm 2025, khu vực này sẽ đón nhận dòng tiền mua nhà dồi dào hơn. Các hoạt động kinh tế trọng yếu của khu vực phía Nam dần hồi phục, bao gồm các lĩnh vực tiêu dùng, dịch vụ, xuất nhập khẩu… Kỳ vọng dòng tiền đầu tư dịch chuyển từ miền Bắc (ngược lại với xu hướng năm 2023 - 2024) để tìm kiếm cơ hội đầu tư trong bối cảnh mặt bằng giá tại Hà Nội đã khá cao.
Sau giai đoạn trầm lắng, nhiều dự án của chủ đầu lớn khu vực phía Nam dần được tháo gỡ pháp lý và tạo điều kiện tái khởi động, dự kiến bắt đầu công bố giỏ hàng và xúc tiến bán hàng trong năm 2025. Điều này mang đến hiệu ứng tốt cho thị trường, đặc biệt khi các chủ đầu tư, đại lý bất động sản cũng thường là đơn vị tích cực tạo ra sự sôi nổi của thị trường trong giai đoạn mở bán.
Bên cạnh đó, mặt bằng giá sản phẩm tại TPHCM hiện tại đã ngang (thậm chí thấp hơn tại một số khu vực) so với Hà Nội, dù sở hữu sự vượt trội hơn về áp lực dân số, mặt bằng thu nhập, cơ hội việc làm và tiện ích đô thị. Dư địa tăng giá tốt trong giai đoạn tới, tạo điều kiện thu hút dòng tiền của nhà đầu tư lẫn chủ đầu tư dự án.
VCBS cho rằng, kể từ nửa sau của chu kỳ đầu tư công 2021 - 2025, khu vực phía Nam lại trở thành trọng điểm phát triển hạ tầng sau gần một thập kỷ không được cải thiện nhiều về hệ thống giao thông kết nối. Cơ chế đặc thù cho TPHCM (Nghị quyết 98/2023/QH15) kỳ vọng mở đường cho sự đột phá của hạ tầng thành phố trong thời gian tới. Một số công trình quan trọng sẽ bắt đầu khai thác từ 2025 - 2026 và thúc đẩy tích cực thị trường bất động sản.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Võ Hồng Thắng, Phó tổng giám đốc DKRA Group cho rằng, sức cầu của thị trường bất động sản phía Nam đang có nhiều tín hiệu tích cực. Nhiều dự án căn hộ, nhà phố và đất nền mở bán đầu năm nay ở TPHCM, Bình Dương, Long An đang ghi nhận tỷ lệ hấp thụ lên đến 80 - 90%, trong đó có bóng dáng của nhiều nhà đầu tư phía Bắc. Điều này cho thấy sức mua bất động sản phía Nam đang phục hồi.
“Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực sớm gỡ vướng pháp lý đã đeo đẳng nhiều năm khiến nguồn cung của TPHCM và nhiều tỉnh lân cận dự báo bứt phá. Trung ương và địa phương đang chung tay đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ khó khăn, mang lại niềm tin cho mọi chủ thể tham gia thời gian tới”, ông Thắng nói.