Đồng Tháp xây dựng môi trường không khói thuốc
ĐTO - Trong những năm qua, công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại tỉnh Đồng Tháp ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực, nhất là trong việc xây dựng môi trường không khói thuốc tại các cơ sở y tế, trường học và nơi công cộng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít khó khăn đặt ra trong quá trình duy trì và mở rộng hiệu quả hoạt động này.

Một trường học thực hiện tốt việc xây dựng môi trường không khói thuốc
Theo báo cáo nghiên cứu mới nhất của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đồng Tháp, 100% bệnh viện, trạm y tế và trường học từ Mầm non đến THPT được giám sát trên địa bàn tỉnh đã thực hiện nghiêm quy định cấm hút thuốc. Nhiều cơ sở được ghi nhận duy trì môi trường làm việc, học tập và khám chữa bệnh trong lành, không khói thuốc. Đây là kết quả từ sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, ngành y tế và các đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền, giám sát. Bên cạnh đó, nhiều nhà hàng, khách sạn cũng chấp hành tốt quy định này, với tỷ lệ tuân thủ lên đến hơn 95%. Điều này cho thấy, nhận thức của người dân và doanh nghiệp về tác hại của khói thuốc đang dần được nâng cao.
Tuy nhiên, dù có nhiều cải thiện nhưng tình trạng hút thuốc lá tại tỉnh Đồng Tháp vẫn ở mức cao, đặc biệt ở nam giới với tỷ lệ 35,1%, nữ giới 0,7%. Đáng chú ý, tỷ lệ hút thuốc thụ động (hít phải khói thuốc từ người khác) vẫn còn phổ biến, với 43,6% người dân bị ảnh hưởng tại nhà và 38,4% tại nơi làm việc; 82,3% người dân nhận thấy dấu hiệu hút thuốc lá tại nhà hàng, 60% tại quán cà phê và 50% tại khách sạn. Tỷ lệ này thấp hơn tại các cơ quan nhà nước là 25,5% và cơ sở y tế là 28,2%. Điều này cho thấy, nhiều người vẫn chưa ý thức được tác hại của việc hút thuốc nơi công cộng hoặc trong gia đình.

Các trường học gắn bảng “cấm hút thuốc” lá nhằm góp phần tuyên truyền và xây dựng môi trường không khói thuốc
Hiện nay, một trong những thách thức lớn nhất là thiếu nguồn lực để triển khai các biện pháp giám sát và tuyên truyền. Nhiều địa phương chưa có đủ kinh phí, nhân sự để triển khai hoạt động kiểm tra thường xuyên, khiến việc thực thi quy định chưa đồng đều. Bên cạnh đó, chế tài xử phạt còn hạn chế, chưa đủ sức răn đe đối với các hành vi vi phạm.
Để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, đặc biệt hướng đến các nhóm đối tượng có nguy cơ cao như: thanh thiếu niên, công nhân lao động. Công tác giám sát cần được thực hiện thường xuyên hơn tại các khu vực công cộng như: nhà hàng, bến xe, chợ, công viên và quan trọng hơn là sự tham gia chủ động của người dân. Người hút thuốc cần có ý thức tôn trọng không gian chung, trong khi người không hút thuốc nên mạnh dạn nhắc nhở khi thấy hành vi vi phạm. Sự chung tay của cộng đồng sẽ là yếu tố then chốt giúp chúng ta tiến gần hơn tới mục tiêu xây dựng hiệu quả môi trường sống và làm việc không khói thuốc.