Đồng Tháp tiếp tục mở rộng diện tích Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, phát thải thấp.
Giữa vùng đất trù phú của xã Mỹ Thành, cánh đồng lúa 50ha đang vươn lên xanh mướt trong vụ hè thu 2025. Điều đặc biệt, ở đây nông dân canh tác lúa theo phương thức giảm giống, nhẹ phân, ít thuốc, tiết kiệm nước và hạn chế tối đa phát thải. Đây là một trong nhiều cánh đồng đang thực hiện thí điểm Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” (gọi tắt là Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao) trên địa bàn tỉnh.

Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long lần đầu tiên được triển khai tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc (xã Mỹ Thành)
Lợi ích kép từ giảm giống, tiết kiệm nước.
Từng bước hiện thực hóa về nền nông nghiệp hiện đại, bền vững, năm 2025, tỉnh Đồng Tháp đặt ra mục tiêu phấn đấu toàn tỉnh đạt 75.000ha lúa tham gia Đề án Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao. Đến hiện tại, toàn tỉnh đã có trên 58.000ha diện tích lúa triển khai theo đề án. Đây không chỉ là những con số có ý nghĩa về mặt thống kê mà còn là bằng chứng sống động cho một cuộc chuyển mình mạnh mẽ trong canh tác lúa của nông dân Đồng Tháp.
Anh Nguyễn Minh Tuấn, 1 trong 39 hộ tham gia mô hình tại Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp (HTX DVNN) Mỹ Thành Bắc (xã Mỹ Thành) chia sẻ: “Tham gia mô hình, tôi được cán bộ ngành nông nghiệp hướng dẫn giảm lượng lúa giống gieo từ 10 kg/công xuống còn 8kg/công. Ban đầu lúa lưa thưa, tôi cũng lo lắm nhưng giờ hơn 30 ngày rồi, lúa nở giáp đồng, bụi to, rễ khỏe, lá xanh mướt, nhìn “ưng bụng” lắm. Tôi thích kỹ thuật canh tác của mô hình này, bởi không chỉ giảm chi phí, giảm sâu bệnh mà còn giúp giảm phát thải để lại tương lai cho con cháu mình sau này”. Với nhiều nông dân nơi đây, sự hài lòng không chỉ ở hiệu quả kinh tế mà còn ở giá trị đạo đức làm nông nghiệp là vẫn bảo vệ được môi trường sống.
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao không chỉ là chỉ tiêu sản lượng hay diện tích đơn thuần. Mô hình hướng đến thay đổi phương thức canh tác giảm giống, giảm phân, tiết kiệm nước, ít phun thuốc, giảm phát thải khí nhà kính từ đó giảm chi phí, tăng thu nhập cho nông dân.
Anh Nguyễn Văn Việt - Giám đốc HTX DVNN Mỹ Thành Bắc cho biết: “Nông dân ở đây đã quen với mô hình sản xuất lúa bền vững nhờ các chương trình như VnSAT trước đó. Trước kia, bà con sạ 15 - 17kg giống/công, giờ còn 8kg/công. Ban đầu ai cũng lo lúa thưa, nhưng nay thấy bụi nở to, rễ khỏe, cây vững bà con đều phấn khởi”.
Với những tín hiệu tích cực đó, nhiều nông dân sẵn sàng tiếp tục duy trì mô hình, xem đây là định hướng canh tác lâu dài. Tuy nhiên, thực tế việc triển khai cũng gặp không ít trở ngại. Do địa hình đất lúa xen canh cây ăn trái, việc đưa máy móc như máy cuộn rơm hay thiết bị vận chuyển ra khỏi đồng còn khó khăn. Một số nông dân đề nghị ngành chức năng sớm có giải pháp hỗ trợ khâu thu gom, vận chuyển, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho sản xuất bền vững.

Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI) hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Mỹ Thành Bắc (xã Mỹ Thành) lắp đặt thiết bị cảm biến (spot) để theo dõi mặt nước suốt mùa vụ nhằm kiểm điểm lượng khí nhà kính phát thải trong quá trình canh tác lúa
Nông dân đồng hành cùng công nghệ
Là một trong những tỉnh chủ động triển khai Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao, Đồng Tháp không dừng lại ở việc khuyến khích người dân thay đổi tập quán canh tác, ngành chuyên môn tỉnh còn thúc đẩy ứng dụng công nghệ cao, thiết bị cảm biến thông minh vào quản lý đồng ruộng.
Với sự hỗ trợ từ Viện nghiên cứu Lúa gạo quốc tế (IRRI), tại mô hình 50ha ở xã Mỹ Thành, 15 thiết bị cảm biến (spot) được lắp đặt để theo dõi mặt nước suốt mùa vụ. Ông Nguyễn Văn Hiếu - chuyên gia tư vấn IRRI chia sẻ: “Chúng tôi theo dõi số lần rút nước, tính toán phát thải để kiểm soát hiệu quả cao nhất. Nhờ vậy, cây lúa hạn chế đổ ngã so với cách canh tác cũ, giảm thất thoát khi thu hoạch”.
Trong công tác quy hoạch, Đồng Tháp xác định mở rộng diện tích canh tác lúa là việc làm tất yếu. Việc thực hiện chính quyền địa phương 2 cấp giúp tỉnh có thêm điều kiện kiểm soát, điều phối sản xuất. Hiện toàn tỉnh có hơn 243.000ha đất gieo trồng lúa - đây được xem là dư địa lý tưởng để nhanh chóng đạt và vượt mục tiêu 75.000ha vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo ông Lê Văn Chấn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp, đây cũng là thách thức không nhỏ. “Mỗi vùng có đặc điểm thổ nhưỡng, thói quen canh tác khác nhau. Chúng tôi sẽ triển khai thêm 21 mô hình để đánh giá phù hợp từng địa bàn. Đồng thời gắn cảm biến, chuyển đổi số, theo dõi điều tiết nước từ đó nhân rộng hiệu quả” - ông Lê Văn Chấn chia sẻ.
Từ những thửa ruộng đầu tiên ở xã Mỹ Thành, đến hàng chục ngàn hecta đang từng bước chuyển mình theo định hướng “xanh”, Đồng Tháp đang chứng minh rằng: Phát triển nông nghiệp không thể chỉ dựa vào sản lượng mà phải đi liền với sự phát triển bền vững.
Đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao không chỉ là kế hoạch mà là cam kết dài hạn về một nền nông nghiệp hiện đại, thân thiện môi trường và phù hợp với biến đổi khí hậu. Khi HTX phát huy vai trò để người dân hiểu và tin, chính quyền vào cuộc mạnh mẽ, mỗi cánh đồng không chỉ là nơi canh tác mà còn là nơi “gieo mầm” xây dựng nền nông nghiệp xanh tương lai.