Đồng Tháp phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu kiến thức pháp luật năm 2024
Chiều ngày 20/9, Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp phối hợp Đoàn TNCS HCM, Liên đoàn Lao động, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh tổ chức Lễ phát động Cuộc thi trực tuyến Tìm hiểu kiến thức pháp luật năm 2024.
Cuộc thi năm 2024 được tổ chức qua 2 vòng thi: Vòng thi tuần và vòng chung kết. Vòng thi tuần bao gồm 3 tuần thi, diễn ra từ ngày 20/9 – 5/10/2024. Các cá nhân thi trực tuyến trên website timhieuphapluat2024.com.vn. Sau vòng thi tuần, Ban Tổ chức chọn mỗi cụm 2 đội để tham dự vòng chung kết với 2 phần thi trắc nghiệm và xử lý tình huống. Cuộc thi tập trung vào các nội dung: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Luật Thanh niên, Luật Căn cước, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình…
Cuộc thi hướng đến tăng cường năng lực tiếp cận pháp luật cho đoàn viên, hội viên và thanh niên. Đồng thời, cuộc thi cung cấp kiến thức pháp luật mới, bồi dưỡng kỹ năng xử lý tình huống, xây dựng thói quen chủ động học tập, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật trong các tầng lớp nhân dân.
Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Thị Hồng Phượng, Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp, Trưởng Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: Cuộc thi trực tuyến tìm hiểu pháp luật là hình thức PBGDPL thiết thực và mang lại hiệu quả tích cực. Đây là lần thứ 7 Sở phối hợp tổ chức hội thi. Sáu lần thi trước, cuộc thi nhận được sự hưởng ứng tích cực của các tầng lớp nhân dân đồng thời lan tỏa tinh thần tìm hiểu, học tập, cập nhật và nhân cao ý thức pháp luật của người dân.
Theo bà Phượng, đây không đơn thuần là cuộc thi mà là sân chơi lành mạnh, bổ ích, tạo điều kiện cho cán bộ, đoàn viên, hội viên, thanh thiếu niên và nhân dân. Thông qua phần thi trực tuyến sẽ thôi thúc tinh thần tự giác nghiên cứu tìm hiểu kiến thức pháp luật của người dân. Từ đó, giúp người dân biết, hiểu và sống tuân thủ đúng pháp luật. Đặc biệt, Cuộc thi năm nay được đổi mới hơn với phần thi đối đầu, hùng biện qua các phần xử lý tình huống của vòng chung kết.
Qua đó, góp phần khơi dậy tính sáng tạo, nhạy bén, rèn luyện kỹ năng trong việc xử lý các tình huống pháp luật, giảm thiểu vi phạm pháp luật và các hành vi lệch chuẩn xã hội. “Tôi mong rằng mỗi thí sinh tham gia dự thi sẽ là một tuyên truyền viên, tư vấn viên, "cánh tay nối dài" giúp tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và người dân để cùng chấp hành theo pháp luật, giúp công dân có thể tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình”, bà Phượng nhấn mạnh.