Đồng Tháp: Giảm thiểu sử dụng cát sông san lấp cho công trình xây dựng

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp Phạm Thiện Nghĩa vừa ký ban hành Chỉ thị số 05/CT-UBND thực hiện giải pháp giảm thiểu sử dụng cát sông san lấp cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh Đồng Tháp yêu cầu giảm nhu cầu sử dụng cát sông dùng để san lấp mặt bằng, làm nền đường, tôn nền.

Khai thác cát ở Đồng Tháp.

Khai thác cát ở Đồng Tháp.

Chỉ thị UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: Trong những năm qua, vốn đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp ngày càng tăng (tăng trung bình trên 18%/năm), nhiều công trình xây dựng hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đã phát huy hiệu quả, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho tỉnh Đồng Tháp. Tuy nhiên, vốn đầu tư xây dựng cơ bản tăng đã kéo theo nhu cầu sử dụng cát san lấp cho các công trình xây dựng tăng cao, trong khi đó nguồn cung ứng cát san lấp ngày càng khan hiếm.

Mặt khác, giải pháp về quy hoạch, giải pháp thiết kế các công trình trong thời gian qua có phần lạm dụng, chỉ tập trung việc sử dụng cát san lấp. Do đó, đã góp phần làm tăng nhu cầu sử dụng cát san lấp, làm cho tình hình khan hiếm cát ngày càng nghiêm trọng, điển hình như: Xác định cao độ nền chưa hợp lý (công trình xây dựng sau thường cao hơn công trình xây dựng trước), chưa khoa học, chưa quan tâm đến việc cân bằng giữa khối lượng đào và khối lượng đắp; chọn cao trình thiết kế các công trình giao thông (bao gồm giao thông nông thôn), các khu đô thị, khu dân cư, khu cụm công nghiệp, khu cây xanh, công viên, thể dục thể thao đều cao hơn đỉnh lũ năm 2000 từ 0,5m trở lên là chưa phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng; thiết kế cao trình đỉnh đường trong cùng khu vực xã, phường, thị trấn nhưng có sự chênh cao rất lớn; hoặc thiết kế đào đất ở lòng đường để đắp lề và sau đó bù cát san lấp vào…

Ngoài ra, việc triển khai kế hoạch khai thác cát sau khi Quy hoạch tỉnh được duyệt còn chậm, nhiều thủ tục, ảnh hưởng đến tiến độ thi công, giải ngân vốn trên địa bàn tỉnh. Do đó, để giảm thiểu sử dụng cát sông san lấp cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố thực hiện đồng bộ các giải pháp sau:

Nhóm giải pháp giảm nhu cầu sử dụng cát sông dùng để san lấp mặt bằng, làm nền đường, tôn nền

Theo đó, Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công Thương; UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan xây dựng, cập nhật và tổ chức thực hiện Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH); thực hiện việc lồng ghép nội dung BĐKH trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên địa bàn tỉnh; xây dựng các giải pháp ứng phó với BĐKH trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý.

Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy trình, thủ tục pháp lý có liên quan đến việc khai thác đất để phục vụ đắp nền đường, san lấp mặt bằng, tôn nền theo quy định. Tham mưu UBND tỉnh đẩy nhanh công tác đấu giá quyền khai thác khoáng sản để tạo nguồn cung ứng cát cho các công trình (bao gồm công trình đầu tư công, công trình dân sinh, công trình sử dụng vốn khác).

Sở Xây dựng: Tổ chức hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch đô thị, nông thôn. Theo đó, ngoài việc phải đảm bảo theo quy định của pháp luật về quy hoạch và pháp luật khác có liên quan mà còn phải tôn trọng, phát huy tối đa lợi thế tự nhiên như: Ao hồ, kênh, rạch; tổ chức không gian hợp lý cho các hoạt động của đô thị, trong đó có kết hợp với phương án, kế hoạch phòng, chống thiên tai, thích ứng với BĐKH và mực nước biển dâng (MNBD) của tỉnh; quy hoạch cao độ san lấp, tôn nền hợp lý, khoa học nhằm giảm thiểu việc sử dụng cát sông để san lấp, tôn nền nhưng vẫn đảm bảo không ngập úng; tăng cường phát triển các điểm dân cư tập trung, nhà cao tầng vì có điều kiện thuận lợi để phát triển hạ tầng dùng chung và sử dụng hiệu quả diện tích đất đã được san lấp; tăng diện tích hồ điều hòa, hồ trữ nước ngọt một cách hợp lý nhằm tăng cường năng lực cung cấp và tiêu thoát nước, bên cạnh đó còn tận dụng phần đất đào để san lấp...

Tổ chức rà soát, đánh giá hiệu quả Đề án chuẩn hóa cao độ trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đề xuất giải pháp thực hiện các bước tiếp theo của Đề án nhằm khắc phục tình trạng cao độ thiết kế san nền, đỉnh đường trong cùng khu vực nhưng có độ chênh cao lớn hoặc tình trạng cao độ thiết kế san nền, đỉnh đường tại một số khu đô thị hình thành sau cao hơn đô thị hình thành trước nên làm gia tăng nhu cầu sử dụng cát san lấp cho những công trình này.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phối hợp với các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thuộc lĩnh vực thủy lợi theo hướng đa mục tiêu, bảo đảm tính đồng bộ có xem xét đến điều kiện thích ứng với BĐKH và MNBD.

Trong đó, phương án triển khai, thiết kế phải gắn với phát triển giao thông thủy, giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, sắp xếp phân bố dân cư, tạo cảnh quan phục vụ du lịch, bảo vệ môi trường...; nghiên cứu giảm diện tích đất sản xuất lúa vụ 3 một cách hợp lý thông qua việc luân phiên sản xuất lúa vụ 3 nhằm tăng cường lấy phù sa, rửa độc, cải tạo đất, đồng thời tăng khả năng tiêu, thoát lũ, hạn chế mực nước sông dâng cao làm ngập tại các đô thị, công trình giao thông, khu công nghiệp, vườn cây ăn trái trong mùa lũ.

Tổ chức rà soát, đề xuất quy hoạch sông Tiền, sông Hậu đảm bảo thực hiện tốt chức năng cung cấp nước tưới tiêu, đặc biệt là chức năng thoát lũ, đảm bảo không gây sạt lở bờ, bảo vệ an toàn khu dân cư, cơ sở sản xuất và cơ sở hạ tầng ven sông trong điều kiện BĐKH và MNBD.

Ưu tiên xây dựng công trình bảo vệ bờ sông, chỉnh trị sông kết hợp với tôn tạo cảnh quan, môi trường để phục vụ đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương, đặc biệt là phát triển dịch vụ, du lịch; phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Giao thông vận tải đề xuất phương án khai thác cát sông, bãi bồi, cồn nổi phải kết hợp với chỉnh trị dòng chảy sông để tạo lòng dẫn sông ổn định, tránh tạo thành các dòng chảy xiên, xoáy nguy hiểm, uy hiếp an toàn cho các công trình xây dựng trên sông, không gây khó khăn cho hoạt động giao thông vận tải thủy.

Tham mưu UBND tỉnh phương án, kế hoạch phòng chống thiên tai, thích ứng với BĐKH và MNBD theo kịch bản BĐKH trong Kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH do Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện để làm cơ sở quy hoạch, đầu tư xây dựng.

Sở Giao thông vận tải: Phối hợp với Sở, ngành, UBND huyện, thành phố tham mưu UBND tỉnh kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh thuộc lĩnh vực giao thông vận tải bảo đảm tính đồng bộ có xem xét đến điều kiện thích ứng với BĐKH và MNBD. Trong đó, phương án triển khai, thiết kế hạ tầng giao thông phải đảm bảo không xung đột với hệ thống thủy lợi, không làm cản trở việc cung cấp, tiêu thoát nước.

Bên cạnh đó, tận dụng lợi thế địa hình sông nước để nâng cấp và phát huy tối đa hệ thống giao thông thủy, bến cảng trên sông Tiền, sông Hậu nhằm giảm áp lực vận chuyển hàng hóa lên hệ thống giao thông bộ; phát huy vai trò của hệ thống giao thông bộ trong bảo vệ hệ thống công trình hạ tầng cơ sở, bảo vệ các thị trấn, thị tứ, khu công nghiệp không bị ngập trong mùa lũ.

Căn cứ Quy hoạch quốc gia, Quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phối hợp với các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố đề xuất danh mục kêu gọi đầu tư hệ thống cảng biển, cảng thủy nội địa trên sông Tiền, sông Hậu; tham mưu UBND tỉnh phối hợp với Bộ Giao thông vận tải đầu tư nâng cấp tuyến kênh Mương Khai - Đốc Phủ Hiền… nhằm tận dụng lợi thế địa hình sông nước, giảm áp lực vận chuyển hàng hóa lên hệ thống giao thông bộ và tận dụng đất đào để san lấp, đắp cho công trình; Tổ chức rà soát, hướng dẫn các đơn vị liên quan trong việc thực hiện tuân thủ cao độ thiết kế đường phù hợp với loại, cấp đường theo Tiêu chuẩn TCVN 4054-05 Đường ô tô - yêu cầu thiết kế nhằm bảo đảm chiều cao san lấp phù hợp với quy định đối với các công trình giao thông đi theo tuyến.

UBND các huyện, thành phố: Tổ chức rà soát, quy hoạch đô thị, nông thôn đảm bảo theo quy định của pháp luật về quy hoạch và các quy định khác có liên quan. Đồng thời, thực hiện nội dung hướng dẫn của các Sở. Tăng cường kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật có liên quan đến quy hoạch, nhất là quản lý tốt cao độ thiết kế san nền, tôn nền, đỉnh đường và quản lý tốt việc vận hành hệ thống thoát nước mưa, nước thải nhằm hạn chế tình trạng ngập úng cục bộ; xử lý nghiêm đối với cán bộ, công chức được giao nhiệm vụ quản lý quy hoạch nhưng không tuân thủ theo quy định của pháp luật có liên quan; xử lý nghiêm đối với tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định có liên quan đến quy hoạch, xây dựng công trình không đúng quy định và nhất là vi phạm về cao độ thiết kế san nền, tôn nền.

Giải pháp về thiết kế

Giao Sở Xây dựng nghiên cứu, hướng dẫn, thiết kế một số mẫu kiến trúc công trình, nhà ở đảm bảo yêu cầu sử dụng và thích ứng với BĐKH để các chủ đầu tư, người dân tham khảo áp dụng, cụ thể như: Công trình trường học, nhà văn hóa, nhà ở... theo truyền thống Nam bộ với mô hình nhà sàn vượt lũ, vừa ít tốn cát sông để san lấp, tôn nền và vừa sử dụng được không gian bên dưới sàn trong mùa khô...

Giao Sở Giao thông vận tải nghiên cứu, hướng dẫn giải pháp thiết kế, sử dụng vật liệu thay thế để là nền đường có thể hạn chế việc sử dụng cát sông san lấp. Trong đó, tổ chức nghiên cứu, đánh giá khả năng ứng dụng giải pháp xây dựng cầu cạn cho một số công trình giao thông xây dựng trên địa bàn tỉnh.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, hướng dẫn giải pháp thiết kế công trình thủy lợi, công trình nông nghiệp phát triển nông thôn hạn chế việc sử dụng cát sông san lấp, nhất là việc sử dụng cát sông để lấp hố xoáy ở sông Tiền, sông Hậu.

Các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân, nhà đầu tư, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn thiết kế hiểu để đồng hành và thực hiện tốt những giải pháp nhằm hạn chế sử dụng cát sông dùng để san lấp mặt bằng, tôn nền cho công trình xây dựng như: sử dụng vật liệu thay thế cát sông dùng để san lấp nêu tại Phần II của Chỉ thị này; không tôn nền nhà, công trình cao hơn so với quy định; sử dụng mẫu nhà, công trình giảm thiểu sử dụng cát sông để san lấp, nhất là các công trình được xây dựng tại vùng thượng nguồn của tỉnh…

Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp giao những đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện các giải pháp phải hoàn thành trước năm 2026 để làm cơ sở áp dụng cho các công trình và nhất là các công trình trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Nhóm giải pháp tăng nguồn cung cấp vật liệu dùng để san lấp mặt bằng, làm nền đường, tôn nền

Tăng cường nhập khẩu cát: Giao Cục Hải quan tỉnh phối hợp với Sở Xây dựng và các Sở, ngành, UBND huyện, thành phố để hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về quy trình, thủ tục nhập khẩu cát san lấp về Đồng Tháp nhằm tăng nguồn cung ứng cát cho công trình.

Tăng cường tận dụng xà bần từ bê tông, xi măng, gạch vỡ dùng để san lấp mặt bằng: Yêu cầu các tổ chức được giao nhiệm vụ chuẩn bị dự án hoặc chủ đầu tư yêu cầu đơn vị tư vấn thiết kế nghiên cứu giải pháp tận dụng xà bần từ việc phá dỡ các công trình cũ như: Bê tông, xi măng, gạch vỡ... dùng để san lấp mặt bằng, tôn nền trên cơ sở đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và kinh tế.

Tận dụng vật chất (đất, cát) từ dự án nạo vét bãi bồi, cồn nổi, kênh, mương; đất dư do người dân cải tạo đất ruộng, đào ao nuôi cá theo quy hoạch nuôi trồng thủy sản; đất bạc màu dùng để đắp, san lấp cho công trình.

Giao Sở Giao thông vận tải khẩn trương tổ chức rà soát, hoàn thành các thủ tục để sớm đưa các dự án nạo vét duy tu luồng đường thủy nội địa có kết hợp thu hồi sản phẩm do Sở chịu trách nhiệm thực hiện nhằm bổ sung nguồn cung cấp vật liệu đắp, san lấp cho công trình.

Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các đơn vị có liên quan triển khai khảo sát, đánh giá và đề xuất thực hiện các dự án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy, hạn chế sạt lở và có kết hợp thu hồi sản phẩm nhằm bổ sung nguồn cung cấp vật liệu đắp, san lấp cho công trình.

Giao UBND các huyện, thành phố: Khẩn trương tổ chức khảo sát, đánh giá và đề xuất UBND tỉnh thực hiện các dự án nạo vét luồng, lạch, bãi bồi, kênh, mương… có kết hợp thu hồi sản phẩm do địa phương quản lý nhằm bổ sung nguồn cung cấp vật liệu đắp, san lấp cho công trình.

Đề xuất, quy hoạch các khu vực đất để làm bãi chứa các vật chất nạo vét trong trường hợp không thể đưa trực tiếp các vật chất nạo vét này vào san lấp hoặc đắp cho công trình (chờ cố kết); tổ chức triển khai, thực hiện việc khai thác đất bạc màu đã được tích hợp vào Quy hoạch tỉnh theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 39/QĐ-TTg ngày 11/01/2024 để đắp, san lấp cho công trình.

Yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ thực hiện dự án nạo vét nghiên cứu, tính toán và xây dựng phương án tận dụng hiệu quả khối lượng bùn, đất, cát… từ dự án nạo vét bãi bồi, cồn nổi, kênh, mương... trước khi triển khai thực hiện các dự án.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức hướng dẫn các quy trình, thủ tục pháp lý có liên quan đến việc khai thác đất bạc màu, đất dư do người dân cải tạo đất ruộng, đào ao nuôi cá dùng để đắp, san lấp cho công trình trên cơ sở đảm bảo đúng theo thẩm quyền, chuyên môn được quy định trong Luật Khoáng sản, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường và các quy định khác có liên quan.

Giao Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi, đề xuất Bộ Khoa học và Công nghệ sớm tổ chức nghiên cứu Đề tài “Giải pháp giảm thiểu sử dụng cát sông san lấp cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp, giai đoạn 2025-2030 và tầm nhìn đến năm 2040” để làm cơ sở áp dụng cho các công trình trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026-2030.

Giao Sở Xây dựng theo dõi, đôn đốc các đơn vị thực hiện tốt Chỉ thị này, làm đầu mối tổng hợp thông tin, các vướng mắc (nếu có), định kỳ trong tháng 12 hàng năm báo cáo UBND tỉnh kết quả thực hiện và đề xuất các nội dung có liên quan, phù hợp theo tình hình thực tế.

Huỳnh Biển

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dong-thap-giam-thieu-su-dung-cat-song-san-lap-cho-cong-trinh-xay-dung-383613.html
Zalo