Đồng Tháp dành nhiều chính sách phát triển các khu, cụm công nghiệp

ĐTO - Xác định thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển là một trong những đòn bẩy đưa nền kinh tế của tỉnh nhà phát triển mạnh mẽ, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp quan tâm chỉ đạo, dành nhiều chính sách phù hợp để thúc đẩy các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh phát triển. Với việc thúc đẩy ngành công nghiệp phát triển theo chiều sâu góp phần cho Đồng Tháp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; đồng thời tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển.

Doanh nghiệp đầu tư nhà máy ở Cụm công nghiệp - Dịch vụ thương mại Trường Xuân, huyện Tháp Mười

Doanh nghiệp đầu tư nhà máy ở Cụm công nghiệp - Dịch vụ thương mại Trường Xuân, huyện Tháp Mười

Những năm qua, lĩnh vực công nghiệp của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào tăng trưởng GRDP chung của tỉnh. Theo đó, giá trị sản xuất ngành công nghiệp có sự tăng trưởng qua từng năm, giai đoạn 2016 - 2020 đạt 6,86%/năm. Toàn tỉnh có hơn 15.000 cơ sở sản xuất công nghiệp, thu hút vốn đầu tư gần 19.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 50.000 lao động. Qua đó, cho thấy sự hình thành và phát triển các Khu công nghiệp (KCN) và Cụm công nghiệp (CCN) có ý nghĩa quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh, giúp chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng của ngành công nghiệp và dịch vụ.

Tính đến nay, toàn tỉnh có 4 KCN được thành lập với tổng diện tích khoảng 400ha. Hiện có 3 KCN đang hoạt động, có 61 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh trong KCN, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 11.561 tỷ đồng. Trong đó, có 12 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, với tổng vốn đầu tư đăng ký là 232,02 triệu USD, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đang hoạt động đạt khoảng 90%, tạo việc làm cho khoảng 13.700 lao động.

Đặc biệt, Đồng Tháp đang triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KCN Tân Kiều, huyện Tháp Mười. Dự kiến trong năm 2025, dự án KCN Tân Kiều sẽ hoàn thành, có thể mời gọi đầu tư dự án sản xuất, kinh doanh. Khi tham gia đầu tư dự án tại KCN Tân Kiều, ngoài được hưởng các chính sách ưu đãi theo Nghị định số 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013 của Chính phủ; Thông tư số 83/2016/TT-BTC ngày 17/06/2016 của Bộ Tài chính; Nghị định số 134/2016/NĐ-CP ngày 1/9/2016 của Chính phủ, các chủ đầu tư còn được chính quyền tỉnh Đồng Tháp đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi giúp cho các chủ đầu tư trong việc thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận nhanh mặt bằng, sớm triển khai các dự án đầu tư và hỗ trợ đào tạo lao động, xúc tiến thương mại...

Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh hiện đã thành lập 15 CCN, với tổng diện tích khoảng 536ha. Đến nay, đã có 12 CCN đi vào hoạt động, với tổng diện tích 393,5ha, diện tích đất công nghiệp đã cho thuê là 187,22ha, đạt tỷ lệ lấp đầy khoảng 85,29%; thu hút được 62 dự án của 45 doanh nghiệp đăng ký đầu tư, với tổng vốn đầu tư gần 15.400 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 16.200 lao động; thu hút các ngành nghề: chế biến thủy sản, chế biến thức ăn chăn nuôi, chế biến phụ phẩm, xay xát, lau bóng gạo, thực phẩm, may mặc, dược...

Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khi đầu tư tại các CCN, ngoài các chính sách của Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh Đồng Tháp còn ban hành Nghị quyết số 231/2019/NQ-HĐND ngày 2/4/2019 phê duyệt Chương trình hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật CCN trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Bên cạnh việc tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế chính sách, Đồng Tháp còn đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư tiếp cận nhanh về đất đai, sớm triển khai các dự án đầu tư, đồng thời hỗ trợ đào tạo lao động, xúc tiến thương mại, hỗ trợ đầu tư hạ tầng một số CCN trọng điểm...

Qua 25 năm hình thành và phát triển, các KCCN trên địa bàn tỉnh có nhiều đóng góp to lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Vì vậy, với việc quy hoạch và phát triển các KCCN của Đồng Tháp trong giai đoạn sắp tới được kỳ vọng góp phần mở ra hướng phát triển đột phá, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh nhà tăng trưởng theo hướng công nghiệp, hiện đại.

Theo đó, về qui hoạch phát triển KCN hiện đã tích hợp vào Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 theo Quyết định 39/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Cụ thể theo quy hoạch trên địa bàn tỉnh sẽ quy hoạch 12 KCN, diện tích 4.654ha.

Trong giai đoạn năm 2020, Đồng Tháp đã thành lập 4 KCN, với diện tích 400ha. Trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030, Đồng Tháp sẽ thành lập mới 5 KCN, diện tích 866ha. Khi có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và phê duyệt của các cấp thẩm quyền, tỉnh sẽ tiếp tục thành lập 3 KCN mới và mở rộng 4 KCN, với diện tích 3.388ha. Và 3 KCN, với diện tích 1.800ha, trong Khu Kinh tế (không tính chung với quỹ đất KCN được Chính phủ giao) gồm: KCN Thường Phước 1.000ha, KCN Bình Thạnh 300ha và KCN Dinh Bà 500ha.

Về quy hoạch phát triển CCN đã tích hợp vào quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Đồng Tháp thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 theo Quyết định 39/QĐ-TTg ngày 11/1/2024 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp phát triển 32 CCN, với tổng diện tích 1.623ha, gồm: 13 CCN hiện hữu đến năm 2020, diện tích 443ha. Tỉnh sẽ phát triển 19 CCN mới đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tổng diện tích 1.180ha.

Mỹ Lý

Nguồn Đồng Tháp: https://baodongthap.vn/kinh-te/dong-thap-danh-nhieu-chinh-sach-phat-trien-cac-khu-cum-cong-nghiep-124764.aspx
Zalo