Đồng Tháp công bố Đề án Bảo tồn Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim
Ngày 12/12, tại huyện Tam Nông, UBND tỉnh Đồng Tháp long trọng tổ chức Chương trình công bố Đề án “Bảo tồn và Phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 - 2032”. Tham dự có các đồng chí: Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Lê Quốc Phong - Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; Phan Văn Thắng - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh; Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy; lãnh đạo cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh và đông đảo người dân, các em học sinh trên địa bàn huyện Tam Nông...
Sự kiện có sự tham dự của đại diện lãnh đạo Bộ Ngoại giao Thái Lan, Đại sứ quán Thái Lan tại Việt Nam, các chuyên gia chuyên chăm sóc Sếu đầu đỏ, nghệ nhân Thái Lan.
Phát biểu chào mừng đại biểu, đồng chí Phạm Thiện Nghĩa - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, Sếu đầu đỏ có tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống của người dân Đồng Tháp. Sếu đầu đỏ không chỉ là loài chim chỉ thị về môi trường trong lành, sự phục hồi các giá trị sinh học tự nhiên mà còn là biểu tượng về văn hóa, tâm linh trong đời sống tinh thần của người dân. Những năm qua, do tác động của biến đổi khí hậu toàn cầu, sự thay đổi chế độ thủy văn và các tác động từ nhiều nguyên nhân khiến cho hệ sinh thái Tràm Chim bị thay đổi, ảnh hưởng đến nguồn thức ăn và môi trường sinh sống của Sếu đầu đỏ. Hiện nay, việc canh tác nông nghiệp quá mức cũng phần nào làm thu hẹp môi trường sinh sống của Sếu đầu đỏ, dẫn đến quần thể sếu về Tràm Chim ngày càng ít dần. Vì vậy, việc nghiên cứu, hợp tác chuyển giao, nuôi dưỡng và bảo tồn Sếu đầu đỏ là yêu cầu cấp bách.
Để hiện thực hóa ước mơ “Đưa đàn Sếu trở về”, tỉnh Đồng Tháp xây dựng và phê duyệt “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”, thời gian qua, tỉnh Đồng Tháp được sự giúp sức, chung tay của các tổ chức, cá nhân có tâm huyết trong và ngoài nước hỗ trợ tỉnh cùng xây dựng Đề án bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ. Bước đầu, “Đề án Bảo tồn và phát triển Sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032” đã triển khai một số bước đi cụ thể, gồm: Ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giữa các bên và ký kết Biên bản thỏa thuận các hoạt động với đối tác của Thái Lan; triển khai một số Chương trình phục hồi hệ sinh thái trong Vườn Quốc gia Tràm Chim; triển khai mô hình canh tác lúa sinh thái hướng đến nền nông nghiệp hữu cơ xung quanh vùng đệm; xây dựng cơ sở vật chất chuồng trại phục vụ nuôi Sếu đầu đỏ và thực hiện các hoạt động công tác truyền thông; tập huấn chuyên môn kỹ thuật cho cán bộ chăm sóc.
Dự kiến trong 10 năm triển khai Đề án, tỉnh Đồng Tháp sẽ có khoảng 100 cá thể Sếu đầu đỏ được nuôi và thả ra tự nhiên và có 50 cá thể có khả năng sinh sống trong môi trường tự nhiên. Đề án Sếu đầu đỏ sẽ giúp cho người dân và bạn bè gần xa khi đến với Đồng Tháp có thể tận mắt quan sát, tìm hiểu môi trường sinh sống, đặc tính sinh trưởng của Sếu đầu đỏ để người dân càng yêu quý hơn loài chim này.
Sau thời gian tích cực triển khai nhiều giải pháp phục hồi, năm 2024, hệ sinh thái tại Vườn Quốc gia Tràm Chim dần phục hồi theo đúng bản chất, đặc trưng của hệ sinh thái vùng đất ngập nước tự nhiên. Nhiều loài chim đến trú ngụ với số lượng lớn, các loài thực vật quan trọng như: năng kim, lúa ma cũng bắt đầu hồi phục, tạo môi trường sinh sống và nguồn thức ăn phong phú cho Sếu đầu đỏ.
Trong thời gian tới, tỉnh Đồng Tháp sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền rộng rãi cho người dân về mục đích, ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn Sếu đầu đỏ. Mỗi người dân đều phải có trách nhiệm cùng chung tay thực hiện, hình thành nét văn hóa trân trọng thiên nhiên, yêu quý và xem Sếu đấu đỏ như những người bạn, góp phần tạo môi trường sống tốt cho loài chim này.
Tại buổi lễ, đồng chí Nguyễn Quốc Trị - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, để thực hiện thành công Đề án cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước hết, tỉnh Đồng Tháp cần có quy hoạch vùng đất ngập nước chi tiết, phục hồi hệ sinh thái và đảm bảo nguồn thức ăn cho Sếu đầu đỏ. Bên cạnh đó, việc hỗ trợ người dân chuyển đổi mô hình kinh tế, phát triển du lịch sinh thái và áp dụng nông nghiệp bền vững cũng rất quan trọng. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, giáo dục cộng đồng, siết chặt quản lý và hợp tác quốc tế để bảo vệ loài chim quý hiếm này.
Tại chương trình, các tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên, doanh nghiệp, người dân Đồng Tháp đều bày tỏ sự phấn khởi và đồng tình khi tỉnh nhà có sự quyết liệt vào cuộc mạnh mẽ trong triển khai thực hiện “Đề án Bảo tồn và phát triển sếu đầu đỏ tại Vườn Quốc gia Tràm Chim giai đoạn 2022 – 2032”.