Động thái mới của Toyota trong cuộc đua xe điện

Toyota bắt đầu mở rộng hoạt động sản xuất pin xe điện, với Mỹ và Trung Quốc là trọng tâm.

Nhà máy pin đầu tiên của Toyota tại Mỹ chính thức đi vào hoạt động

Sau hơn ba năm xây dựng, nhà máy sản xuất pin Toyota Bắc Carolina đã chính thức vận hành với tổng vốn đầu tư gần 14 tỷ USD (khoảng 354 nghìn tỷ đồng).

Đây là cơ sở sản xuất đầu tiên của Toyota bên ngoài Nhật Bản và là nhà máy thứ 11 của hãng tại Mỹ. Nhà máy này sẽ chuyên sản xuất các khối pin cho xe hybrid (HEV), hybrid cắm sạc (PHEV) và xe thuần điện (BEV), góp phần quan trọng vào chiến lược điện khí hóa của Toyota tại thị trường Bắc Mỹ.

Nhà máy pin đầu tiên của Toyota tại Mỹ

Nhà máy pin đầu tiên của Toyota tại Mỹ

Cơ sở sản xuất pin mới là một phần trong chiến lược "best-in-town" của Toyota, nhằm tạo ra những dòng xe năng lượng mới phù hợp với từng khu vực, đồng thời đóng góp vào nền kinh tế địa phương. Chính sách này không chỉ giúp Toyota gia tăng lợi thế cạnh tranh mà còn nâng cao uy tín của hãng với chính quyền sở tại.

Tại Mỹ, Toyota đang kinh doanh nhiều mẫu xe điện hóa như Prius, Camry, RAV4 hay Highlander. Nhờ các dòng xe này, doanh số Toyota tại thị trường Mỹ đã tăng trưởng 3,7% trong thời gian qua, đặc biệt là sự đóng góp mạnh mẽ từ phiên bản hybrid của Camry và RAV4.

Toyota tăng tốc cuộc đua xe điện tại Trung Quốc

Không chỉ tập trung vào Mỹ, Toyota cũng đẩy mạnh chiến lược điện khí hóa tại Trung Quốc. Đầu tháng 2/2024, hãng xe Nhật Bản công bố kế hoạch hợp tác toàn diện với chính quyền thành phố Thượng Hải nhằm thúc đẩy mục tiêu trung hòa carbon.

Trong thỏa thuận này, Toyota sẽ thành lập một công ty mới để sản xuất pin và phát triển một mẫu ô tô thuần điện dưới thương hiệu Lexus. Mẫu xe này dự kiến đi vào sản xuất từ năm 2027 với công suất ban đầu khoảng 100.000 xe mỗi năm.

Đây là bước đi chiến lược của Toyota trong bối cảnh hãng đang gặp nhiều thách thức tại Trung Quốc, nơi các đối thủ nội địa như BYD, Nio và XPeng đang chiếm lĩnh thị phần.

Trước đây, Toyota từng hợp tác với nhiều doanh nghiệp Trung Quốc như China FAW Group hay Guangzhou Automobile Group (GAC). Tuy nhiên, các liên doanh này chưa tạo được đột phá, khiến Toyota chịu áp lực lớn từ các hãng xe nội địa.

Chiến lược đa chiều: Không đặt cược hoàn toàn vào xe điện

Thay vì chạy đua hoàn toàn theo xu hướng xe thuần điện, Toyota tiếp tục theo đuổi chiến lược đa dạng hóa sản phẩm, bao gồm xe điện, xe hybrid và xe sử dụng nhiên liệu sinh học. Theo Toyota, mục tiêu cuối cùng không phải là loại bỏ động cơ đốt trong mà là hướng đến việc giảm hoặc không phát thải carbon.

Tại Việt Nam, Toyota cũng đang tích cực mở rộng danh mục xe điện hóa. Trong năm 2024, Innova Cross đã trở thành mẫu xe hybrid bán chạy nhất tại thị trường trong nước. Đại diện Toyota cho biết hãng sẽ ra mắt xe thuần điện khi điều kiện thị trường trở nên phù hợp.

Bất chấp sự cạnh tranh gay gắt từ các hãng xe Trung Quốc, Toyota vẫn duy trì vị trí nhà sản xuất ô tô số một thế giới trong năm 2024, với 10,8 triệu xe bán ra trên toàn cầu.

Đây là năm thứ năm liên tiếp Toyota dẫn đầu thị trường nhưng cũng là giai đoạn hãng phải đối mặt với nhiều thách thức từ sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp xe điện.

Việc đầu tư vào nhà máy pin tại Mỹ và thành lập công ty mới tại Trung Quốc được xem là những bước đi cần thiết để Toyota tiếp tục duy trì lợi thế cạnh tranh trong tương lai.

Theo Nông thôn và Phát triển

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kinh-doanh-va-tieu-dung/dong-thai-moi-cua-toyota-trong-cuoc-dua-xe-dien/20250216023838186
Zalo