Tô Lịch là một trong những con sông nổi tiếng bậc nhất Hà Nội. Con sông chảy xuyên qua trung tâm Hà Nội gắn liền với lịch sử mảnh đất kinh kỳ. Tuy nhiên, dòng sông này cũng được biết đến là “dòng sông chết” khi luôn trong tình trạng ô nhiễm nghiêm trọng.
Màu nước của con sông luôn trong tình trạng đen kịt khi nước thải sinh hoạt từ đô thị xả trực tiếp xuống dòng sông.
Việc hồi sinh sông Tô Lịch là mong muốn của người dân Hà Nội, các nhà khoa học và lãnh đạo Đảng, Nhà nước.
Năm 2019, Tổ chức xúc tiến Thương mại-Môi trường Nhật Bản thí điểm xử lý một đoạn sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật. Việc thí điểm này thu hút sự quan tâm rất lớn từ truyền thông vào thời điểm đó khi tổ chức thí điểm thả cá koi vào đoạn sông thực hiện thí điểm. Tuy nhiên, việc thí điểm này sau đó cũng không “tới đâu”.
Một công ty sau đó đề xuất phương án cải tạo sông Tô Lịch thành hầm ngầm chống ngập kết hợp xây dựng công viên lịch sử - văn hóa - tâm linh. Ý tưởng này thu hút sự quan tâm của nhiều học giả, kiến trúc sư, nhà sử học... Nhưng cũng chỉ dừng ở mức ý tưởng.
Để xử lý tình trạng xả nước thải sinh hoạt ra sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và một phần sông Nhuệ, Hà Nội đã xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với hệ thống thu gom nước thải dọc sông Tô Lịch. Điều này tạo ra kỳ vọng giảm thải ô nhiễm cho dòng sông này.
Tuy nhiên, nhiều cống xả nước thải vẫn hoạt động khiến sông Tô Lịch phủ một màu đen kịt, dòng sông như cái ao tù chứa nước bẩn.
Thật khó để các sinh vật có thể tìm kiếm sự sống dưới dòng sông này.
Dù đã có nhiều nỗ lực nhằm cải tạo sông Tô Lịch, các phương án thực hiện đến nay vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong đợi.
Phương án xả nước từ hồ Tây vào sông Tô Lịch để làm sạch con sông này cũng được Hà Nội thử nghiệm nhưng không mấy khả quan. Mới đây, Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã yêu cầu các đơn vị liên quan tập trung vào phương án xây dựng đường ống ngầm dẫn nước sông Hồng để cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch.
Ngay sau đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho xây dựng công trình khẩn cấp bổ cập nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch, tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 550 tỷ đồng. Trong ảnh là tuyến đường ven sông Tô Lịch dành riêng cho người dân đi bộ và đạp xe.
Đến ngày 10/1, Văn phòng UBND TP Hà Nội đã ban hành chỉ đạo của Chủ tịch Trần Sỹ Thanh về việc triển khai dự án dẫn nước từ sông Hồng vào sông Tô Lịch để cải thiện ô nhiễm nguồn nước.
Theo phương án đề xuất, đường ống dẫn nước sẽ đi xuyên qua đê, chạy dọc theo vỉa hè đường Võ Chí Công đưa nước vào đầu sông Tô Lịch tại vị trí nút giao Hoàng Quốc Việt. Từ đê đến điểm đầu sông Tô Lịch dài khoảng 5,3 km.
Bà Nguyễn Thị Hằng (Cầu Giấy, Hà Nội) người dân sống ven sông Tô Lịch, mong chờ thành phố sớm có giải pháp xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước.
"Tôi thực sự mong muốn sông Tô Lịch được hồi sinh. Nếu mặt nước trong xanh và không còn mùi hôi thối, sông sẽ trở thành một cảnh quan tuyệt đẹp, là điểm nhấn giữa lòng Hà Nội", bà Hằng nói.
Cùng quan điểm, ông Bùi Xuân Huy (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ việc hồi sinh sông Tô Lịch sẽ mang lại không gian xanh mát cho Hà Nội. Ông Huy rất mong nhìn thấy sông Tô Lịch trở thành nơi thư giãn, giải trí cho người dân và du khách. "Tôi kỳ vọng phương án dẫn nước từ sông Hồng vào là giải pháp căn bản để cải thiện chất lượng nước và trả lại một dòng sông xanh, sạch, đẹp cho Hà Nội", ông Huy nói.
Trước đó, cuối tháng 11/2024, tại buổi làm việc với Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh công tác quy hoạch, giao thông công cộng, môi trường, xử lý nước, xử lý rác thải, không khí… là vấn đề nhân dân quan tâm. Tổng bí thư đề nghị Hà Nội cần phải làm tốt hơn nữa việc đầu tư cải tạo, nâng cấp cảnh quan dọc 2 bờ sông để thời gian tới, môi trường, cảnh quan sông Tô Lịch có chuyển biến tích cực, bảo vệ sức khỏe của nhân dân Thủ đô.
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ 5 Hội đồng điều phối vùng Đồng bằng sông Hồng hôm 14/1 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, môi trường các dòng sông là những vấn đề cấp bách.
Thủ tướng yêu cầu Hà Nội và các địa phương xây dựng và triển khai ngay các đề án, dự án để huy động nguồn lực xử lý ô nhiễm không khí, ùn tắc giao thông tại Hà Nội, làm sống lại các dòng sông chết.
Quỳnh An
Đình Huy