Dòng sông chảy cùng lịch sử non sông
Dòng sông Thạch Hãn hiền hòa có nguồn nước mát lạnh từ non cao đổ về, chảy êm đềm như lời ru ngọt ngào của mẹ, nuôi dưỡng tâm hồn chân chất, thấm đẫm nghĩa tình của con người nơi đây. Tương truyền, dòng sông này còn có tên dân gian khác là Thạch Hàn - con sông lớn nhất của tỉnh Quảng Trị. Sông bắt nguồn từ dãy Trường Sơn hùng vĩ, len lỏi chảy qua nhiều thác ghềnh, đá núi, dòng nước được chắt lọc trở nên trong và mát lạnh khi đổ về xuôi.

Bến thả hoa ở bờ Bắc sông Thạch Hãn - Ảnh: LÊ TRƯỜNG
Chảy vào thiên tình sử Huyền Trân Công chúa
Ngược dòng lịch sử, sông Thạch Hãn ngày nay chính là biên giới phía Nam giữa nước Đại Việt với vương quốc Champa ngày xưa (1). Vào thời nhà Trần (1225 - 1400), bờ cõi phương Bắc và phương Nam Đại Việt thường bị ngoại bang quấy nhiễu. Bấy giờ, nhà Trần xây dựng được một đội quân rất hùng mạnh, trong khoảng 30 năm từ 1258 - 1287 đã 3 lần đánh thắng quân Mông - Nguyên xâm lược. Khí thế bách chiến bách thắng đó khiến vương quốc Champa ngày đêm bất an, lo sợ bị Đại Việt thôn tính hoặc Đại Việt cho nhà Nguyên mượn đường để tấn công. Champa đã cử sứ thần sang thương thuyết, bày tỏ mong muốn có mối bang giao hòa hiếu giữa hai dân tộc. Đáp lại, nhà Trần giữ thái độ ngoại giao mềm dẻo, cùng Champa xây dựng hai đất nước thái bình, thịnh trị, phát triển giao thương, gìn giữ bờ cõi, sát cánh cùng nhau trước đe dọa của quân Mông - Nguyên ở phương Bắc.
Năm 1301, Thượng hoàng Trần Nhân Tông rời Yên Tử thăm vương quốc Champa theo lời mời của nhà vua Champa là Chế Mân (Jaya Sinhavarman III). Là vị vua đa tình, biết nhà Trần có công chúa Huyền Trân trẻ trung, tài sắc vẹn toàn, Quốc vương Chế Mân ngỏ lời cầu hôn, xin “làm rể” nước Đại Việt. Ông đã đem dâng nhiều lễ vật, trong đó có vùng đất thuộc hai châu Ô và Lý (từ Nam sông Thạch Hãn đến bắc Quảng Nam ngày nay) rộng hơn ngàn dặm vuông làm sính lễ. Thượng hoàng Trần Nhân Tông đồng ý, hứa gả công chúa, vì cuộc hôn nhân thành thì có lợi cho giang sơn gấm vóc, tạo mối lương duyên giữa hai dân tộc.
Dù vậy, cũng phải đến năm 1306, sau bao nhiêu trắc trở, cuộc tình nợ duyên Huyền Trân - Chế Mân mới được hai triều đình đồng thuận. Quốc vương Chế Mân phong trần, dũng mãnh trên lưng ngựa đích thân ra tận vùng biên thùy rước công chúa Huyền Trân, cử hành hôn lễ long trọng và phong làm Hoàng hậu Paramecvari.
Quan quân triều đình Đại Việt tiễn đưa công chúa, vượt qua sông Thạch Hãn, tiếp quản hai châu Ô, Lý, xác lập chủ quyền giang sơn Đại Việt. Năm 1307, nhà Trần đổi tên thành châu Thuận, châu Hóa. Từ đó, dòng Thạch Hãn chảy vào lịch sử mở cõi của dân tộc, cuộc mở cõi không tốn binh đao nhưng đẫm lệ Huyền Trân Công chúa một thuở khi về với Chế Mân.
Người dân hai châu Thuận, Hóa khắc ghi công lao của Huyền Trân Công Chúa đã lập đền thờ bà tại làng Kim Đâu, xã Cam An, huyện Cam Lộ, bên bờ sông Hiếu - một nhánh của sông Thạch Hãn. Tại Huế, đền thờ bà ở phường An Tây - còn gọi là Trung tâm Văn hóa Huyền Trân.
Đôi bờ “Nối vòng tay lớn” (2)
Lịch sử thật không công bằng khi giao sứ mệnh đau thương cho những dòng sông nằm giữa đòn gánh nặng tình hai đầu đất nước.
Sau 9 năm kháng chiến chống Pháp, Hiệp định Giơ-ne-vơ (ngày 21/7/1954) về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Đông Dương được ký kết đã lấy sông Bến Hải (Quảng Trị) làm giới tuyến tạm thời, chờ đến ngày thống nhất đất nước. Nhưng Mỹ đã bội ước, xâm chiếm miền Nam bằng chính sách thực dân mới. Sông Bến Hải trở thành nơi chia cắt hai miền Nam - Bắc đằng đẵng suốt hơn 20 năm trời ròng rã. Cả dân tộc Việt Nam lại phải đứng lên tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ và khốc liệt nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc với khát khao cháy bỏng “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Rồi ngày đó cũng đã đến. Sau Chiến dịch Xuân - Hè năm 1972, 85% diện tích tỉnh Quảng Trị và một vùng rộng lớn khu vực miền Đông Nam Bộ được giải phóng, buộc các bên phải ký kết Hiệp định Paris (ngày 27/1/1973) chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, công nhận độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam. Nhưng dòng sông Thạch Hãn lại quặn thắt nỗi đau chia cắt thành miền giới tuyến quân sự tạm thời - cũng là nơi được chọn để trao trả tù binh chiến tranh theo một điều khoản của Hiệp định Paris.
Lịch sử ghi dấu đôi bờ dòng Thạch Hãn nối liền khi vùng đất cuối cùng của tỉnh Quảng Trị được giải phóng ngày 19/3/1975. Tiếp đó, cuộc Tổng tiến công nổi dậy mùa Xuân năm 1975 giành thắng lợi, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả dân tộc “Nối vòng tay lớn”, non sông liền một dải.
Hiện nay, tại bờ Bắc sông Thạch Hãn (giữa cầu Ga và cầu Thành Cổ, thuộc làng Nhan Biều) có đặt biểu tượng và văn bia ghi dấu sự kiện lịch sử 52 năm trước, vào tháng 3/1973, hàng ngàn chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, trong đó có ông Trương Tấn Sang, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam - được trao trả theo Hiệp định Paris. Họ đã trở về trong chiến thắng.
Tắm mát những cánh đồng vàng
Vượt qua khó khăn chồng chất để hàn gắn vết thương chiến tranh, những người con châu Thuận, châu Hóa ngày xưa không chịu đứng nhìn dòng sông xanh cứ vô tư mà chảy mãi qua sự nghèo khó của miền đất gió lào, cát trắng. Ý tưởng “thay trời làm mưa”, đưa dòng nước ngọt mát Thạch Hàn giải cơn khát cho những cánh đồng khô cằn, quanh năm chỉ canh tác được một vụ bắt đầu nhen nhóm.
Biến ước mơ thành hiện thực, đại dự án mang tên Đập Trấm ngăn dòng sông Thạch Hãn được tỉnh Bình - Trị - Thiên bấy giờ (nay là 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế) quyết định khởi công xây dựng đầu năm 1978. Thời đó sau chiến tranh, phương tiện thi công cơ giới rất ít, chủ yếu là lao động thủ công. Hơn 23.000 nhân công được huy động làm công trình. Lớp thanh niên trai tráng số thì lên đường nhập ngũ bảo vệ Tổ quốc, số còn lại vào lực lượng thanh niên xung phong đi làm thủy lợi với tinh thần tuổi trẻ sục sôi khí thế cách mạng.
Năm 1981 công trình hoàn thành, đưa dòng nước về tưới mát cho vùng quê rộng lớn phía Nam tỉnh Quảng Trị, biến hàng vạn héc ta đất ruộng cằn cỗi, hạn hán thành những cánh đồng màu mỡ, trù phú, năng suất tăng cao, canh tác nhiều vụ trong năm. Nước Thạch Hãn chảy đến đâu mang theo đến đó sức sống mới, niềm hạnh phúc mới và những mùa lúa vàng ấm no.
Một ngày đầu xuân, tôi ngược dòng lên bến đò Như Lệ quê mình. Đây rồi bến cũ, sông xưa nơi chứng kiến phút giây chia ly của những cô gái tiễn những chàng trai làng ra trận, vào chiến trường biên giới Tây - Nam hay ra biên giới phía Bắc đánh đuổi giặc xâm lược. Để rồi một ngày kia, cũng ở bến sông này chỉ còn bóng dáng cô thôn nữ ngồi nhìn dòng nước trôi mà sụt sùi, rưng rức vì người mình yêu đã không trở về! Những Ngô Hảo, Phan Giáp (3) ... và bao chàng trai trẻ đã ngã xuống trên chiến trường cho đất nước hôm nay bình yên.
Ngắm đôi bờ con sông đang ngời lên sức sống mới, lòng tôi nao nao ký ức xưa, thầm biết ơn vì trong huyết quản của mình có dòng sông quê mẹ nuôi dưỡng thành người. Dòng sông đã chảy vào lịch sử mở cõi, chảy mãi với khúc khải hoàn ca hòa hợp dân tộc, cho non song liền một dải, xanh tươi.