Dòng người đổ về Đền Cùng - Giếng Ngọc múc nước 'thần' cầu may

Những ngày đầu xuân năm mới, dòng người nô nức đến Đền Cùng - Giếng Ngọc ở TP Bắc Ninh để múc nước giếng uống hoặc rửa mặt… với hy vọng năm mới nhiều sức khỏe, bình an.

Theo ghi nhận của phóng viên VietNamNet trưa ngày 4/2, rất đông người dân đến Đền Cùng - Giếng Ngọc ở khu Viêm Xá, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh (còn gọi là làng Diềm) để cầu an, mong năm mới gia đình được bình an, mạnh khỏe.

Nhiều người dân đến Đền Cùng - Giếng Ngọc để cầu may những ngày đầu năm mới.

Nhiều người dân đến Đền Cùng - Giếng Ngọc để cầu may những ngày đầu năm mới.

Tại khu vực giếng cổ nằm trước cửa Đền Cùng có dòng nước ngọt lành nức tiếng, rất đông người dân xếp hàng lần lượt xuống xin nước mát để uống, rửa mặt, nhiều người còn lấy nước mang về để cầu mong sức khỏe, công danh sự nghiệp, cầu tình duyên và bình an.

Giếng Ngọc có hình bán nguyệt, rộng khoảng 20m2.

Giếng Ngọc có hình bán nguyệt, rộng khoảng 20m2.

Chị Nguyễn Kiều An, 28 tuổi (TP Bắc Ninh) cho biết, khi đến Đền Cùng - Giếng Ngọc đầu xuân, chị thấy bình yên. "Khoảng 10 năm nay, cứ dịp Tết tôi lại đến đây xin nước giếng uống và rửa mặt để cầu mong cho một năm an lành. Nước ở đây rất mát, trong sạch và có vị đặc biệt", chị Kiều An cho biết.

Nước mát múc lên để rửa mặt hoặc uống.

Nước mát múc lên để rửa mặt hoặc uống.

Anh Nguyễn Văn Thanh (người dân làng Diềm, phường Hòa Long, TP Bắc Ninh) từ khi còn bé đã theo mẹ ra giếng gánh nước về dùng trong sinh hoạt hàng ngày như nấu ăn, tắm giặt. Bây giờ, nhà nào cũng dùng nước sạch nhưng người dân trong làng vẫn giữ thói quen ra Giếng Ngọc lấy nước mang về pha trà, nấu cơm.

Nhiều người tranh thủ mang can lấy nước mang về.

Nhiều người tranh thủ mang can lấy nước mang về.

Nước múc lên từ giếng có thể uống trực tiếp.

Nước múc lên từ giếng có thể uống trực tiếp.

Về trưa du khách đến càng đông hơn.

Về trưa du khách đến càng đông hơn.

Khu vực viết sớ cầu may cũng chật kín.

Khu vực viết sớ cầu may cũng chật kín.

Đền Cùng - Giếng Ngọc là chốn địa linh, hiển ứng thờ Mẫu Tam Phủ từ ngàn xưa. Sự linh hiển của Đền Cùng nổi tiếng từ thời nhà Lý, Tiền Lê.

Ngày nay nơi đây thu hút đông đảo khách thập phương về thăm quan, cầu tình duyên, công danh sự nghiệp, gia đạo tốt lành.

Giếng Ngọc có hình bán nguyệt, rộng chừng 20m2, gồm 11 bậc gạch, 4 bậc đá và 1 bậc gỗ lim ở sát mép giếng. Dưới đáy giếng là lớp đá ong tự nhiên sâu khoảng 10m, nước giếng Ngọc màu xanh trong, có thể nhìn xuống tận đáy.

Để lấy nước, du khách phải để giày, dép trên bờ và đi chân trần xuống dưới. Theo người dân làng Diềm, do nguồn nước chảy từ trong núi, thấm qua tầng tầng lớp lớp đá ong đã tạo nên vị ngọt, mát hiếm có.

Người làng Diềm thường lấy nước giếng Ngọc về để pha trà đãi khách, nấu rượu trong các dịp trọng đại của gia đình và dòng họ. Với du khách đến tham quan và cúng lễ Đền Cùng, nước Giếng Ngọc không chỉ đơn thuần là giải khát mà còn tin rằng giúp khỏe mạnh, minh mẫn. Do đó, nhiều người mang theo cả bình đựng để xin nước giếng mang về với mong ước rước may mắn, tài lộc đến cho gia đình.

Dù được du khách và người dân trong vùng lấy về dùng nhiều nhưng từ trước đến nay, nước Giếng Ngọc chưa bao giờ cạn kể cả trong mùa hạn hán. Vào những ngày mực nước xuống thấp, du khách đến thăm viếng sẽ dễ dàng nhìn thấy 3 “cụ cá thần” bơi lội trong lòng giếng.

Bảo Khánh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dong-nguoi-do-ve-den-cung-gieng-ngoc-muc-nuoc-than-cau-may-2368306.html
Zalo