Đông Nam Á hướng tới năng lượng hạt nhân để thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng
Nhà máy điện hạt nhân duy nhất của Đông Nam Á, được hoàn thành cách đây bốn thập kỷ ở Bataan, cách thủ đô Manila của Philippines khoảng 40 dặm, được xây dựng vào những năm 1970 nhưng bị bỏ hoang do lo ngại về an toàn và tham nhũng. Tính đến hiện tại, nhà máy chưa từng sản xuất một watt năng lượng nào.
Philippines và các quốc gia khác ở Đông Nam Á hiện đang đẩy mạnh phát triển năng lượng hạt nhân nhằm tìm kiếm nguồn năng lượng sạch và đáng tin cậy. Năng lượng hạt nhân được phe ủng hộ xem như một giải pháp cho khí hậu vì các lò phản ứng không phát thải khí nhà kính như việc đốt than, khí đốt hay dầu mỏ. Những tiến bộ trong công nghệ đã giúp giảm rủi ro từ bức xạ, khiến các nhà máy hạt nhân trở nên an toàn, tiết kiệm chi phí xây dựng và nhỏ gọn.
"Chúng tôi nhận thấy nhiều dấu hiệu của một kỷ nguyên mới trong năng lượng hạt nhân trên toàn thế giới", ông Faith Birol, Giám đốc điều hành Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết, đồng thời thêm rằng họ dự đoán năm 2025 sẽ là cột mốc lịch sử về điện năng do năng lượng hạt nhân sản xuất nhờ vào các nhà máy mới, các kế hoạch quốc gia mới và sự quan tâm đến các lò phản ứng hạt nhân quy mô nhỏ.
Năng lượng hạt nhân đã được sử dụng trong hàng thập kỷ qua ở các quốc gia giàu có như Mỹ, Pháp và Nhật Bản. Nó sản xuất khoảng 10% tổng lượng điện năng trên toàn cầu, với công suất 413 gigawatt hoạt động ở 32 quốc gia, theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Con số này nhiều hơn tổng công suất phát điện của cả châu Phi. IEA cho biết việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới cần phải "tăng tốc đáng kể" trong thập kỷ này để đạt được các mục tiêu toàn cầu về việc chấm dứt phát thải khí nhà kính.
Đông Nam Á sẽ chiếm một phần tư mức tăng trưởng nhu cầu năng lượng toàn cầu từ nay đến năm 2035, và nhiên liệu hóa thạch chiếm phần lớn công suất năng lượng của khu vực. Nhiều quốc gia trong khu vực đang thể hiện sự quan tâm trong việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân - mỗi nhà máy thường sản xuất một gigawatt công suất, nhằm giúp làm sạch bầu không khí và tăng cường công suất.
Indonesia có kế hoạch xây dựng 20 nhà máy điện hạt nhân. Một doanh nghiệp Hàn Quốc đang đánh giá khả năng khôi phục nhà máy điện hạt nhân bị ngừng hoạt động ở Philippines. Việt Nam đã hồi sinh các kế hoạch năng lượng hạt nhân, và các kế hoạch tương lai của Malaysia cũng bao gồm năng lượng hạt nhân. Singapore đã ký thỏa thuận hợp tác về năng lượng hạt nhân với Mỹ vào năm ngoái, và Thái Lan, Lào, Campuchia, Myanmar cũng đã bày tỏ sự quan tâm đến năng lượng hạt nhân.
Tuy nhiên, các nhà máy điện hạt nhân rất tốn kém, mất nhiều năm để xây dựng và cần thời gian dài để có thể mang lại lợi nhuận. Việt Nam đã tạm dừng một dự án hạt nhân vào năm 2016 sau khi chi phí tăng vọt lên 18 tỷ USD, nhưng vào ngày 14 tháng 1 vừa qua, Việt Nam đã ký thỏa thuận hợp tác về năng lượng hạt nhân với Nga.
Tài trợ quốc tế cho năng lượng hạt nhân đang ngày càng dễ tiếp cận, ông Henry Preston, Giám đốc truyền thông của Hiệp hội Năng lượng Hạt nhân Thế giới có trụ sở tại Vương quốc Anh cho biết, đồng thời lưu ý rằng 14 tổ chức tài chính lớn đã ủng hộ mục tiêu tăng gấp ba công suất năng lượng hạt nhân toàn cầu vào năm 2050 tại Tuần lễ Khí hậu NYC.
Tuy nhiên, các nguồn tài trợ vẫn còn hạn chế. Ngân hàng Thế giới không tài trợ cho bất kỳ dự án phát triển năng lượng hạt nhân nào.
"Chúng tôi nghe thấy lời kêu gọi từ một số bên liên quan để phát triển năng lượng hạt nhân nhằm giảm lượng carbon và cải thiện độ tin cậy về nguồn cung năng lượng", một phát ngôn viên của Ngân hàng Thế giới cho biết trong một phản hồi bằng văn bản cho câu hỏi của hãng thông tấn Associated Press. "Chúng tôi tiếp tục có các cuộc trao đổi với hội đồng quản trị, ban giám đốc và các bên liên quan để hiểu rõ hơn về các sự kiện. Việc xem xét đều sẽ thuộc quyết định của các quốc gia thành viên".
Việc phát triển các chính sách và quy định về năng lượng hạt nhân, hiện còn thiếu ở nhiều quốc gia, có thể thúc đẩy nhiều nguồn tài trợ bằng cách trấn an các nhà đầu tư, ông Preston cho biết.
Các tiến bộ công nghệ đang giúp năng lượng hạt nhân trở nên hợp lý hơn về chi phí, các chuyên gia cho biết.
Các lò phản ứng mô-đun nhỏ, mà những người ủng hộ cho rằng có thể sản xuất lượng điện lên đến khoảng một phần ba so với các lò phản ứng truyền thống, có thể được xây dựng nhanh chóng với chi phí thấp hơn so với các lò phản ứng điện lớn, và có thể điều chỉnh kích thước phù hợp với nhu cầu của từng địa phương. Những người ủng hộ cho rằng chúng an toàn hơn nhờ thiết kế đơn giản, công suất lõi thấp và nhiều chất làm mát hơn, giúp các vận hành viên có thêm thời gian để ứng phó trong trường hợp có sự cố.
Tuy nhiên, những người chỉ trích đặt câu hỏi về mức độ tiết kiệm chi phí của công nghệ này, vì các lò phản ứng nhỏ vẫn chưa được triển khai rộng rãi, ông Putra Adhiguna từ Viện Năng lượng Shift có trụ sở tại Jakarta cho biết.
Các lò phản ứng mô-đun nhỏ hiện đang hoạt động đều do các đơn vị thuộc sở hữu nhà nước điều hành, nhưng không công khai về hiệu suất hoặc chi phí. Chi phí của lò phản ứng đầu tiên dự định được triển khai thương mại tại Mỹ đã tăng gần gấp rưỡi trước khi bị hủy bỏ, ông cho biết. Dự án ở Idaho có mục tiêu cung cấp điện trong 40 năm với giá 55 USD mỗi megawatt-giờ, nhưng chi phí dự án đã tăng lên 89 USD mỗi MWh, theo báo cáo của Viện Kinh tế Năng lượng và Phân tích Tài chính.
Các thảm họa hạt nhân đã làm phai mờ sự hứng khởi dành cho năng lượng hạt nhân ở Đông Nam Á. Thảm họa Chernobyl năm 1986 ở Ukraine là một yếu tố góp phần vào quyết định hoãn dự án ở Philippines. Các vụ tan chảy lõi tại nhà máy điện hạt nhân Dai-ichi ở Fukushima, Nhật Bản, vào năm 2011 sau trận động đất và sóng thần thảm khốc cũng đã làm dấy lên lo ngại, dẫn đến việc Thái Lan ngừng các kế hoạch năng lượng hạt nhân. Vào năm 2018, Thủ tướng Malaysia khi đó, ông Mahathir Mohamad, đã trích dẫn các thảm họa này khi quyết định không sử dụng năng lượng hạt nhân.
Vẫn còn một số thách thức khác. Thị trường công nghệ hạt nhân hiện vẫn tập trung ở một vài quốc gia, Nga kiểm soát khoảng 40% nguồn cung uranium làm giàu của thế giới và đây là "yếu tố rủi ro cho tương lai", theo một báo cáo của IEA. Báo cáo cũng cho biết việc xử lý an toàn nhiên liệu đã qua sử dụng và các chất thải phóng xạ khác là rất quan trọng để công chúng chấp nhận năng lượng hạt nhân.
Đối với các quốc gia như Việt Nam, thiếu hụt kỹ sư và nhà khoa học được đào tạo bài bản là một trở ngại lớn. Việt Nam ước tính sẽ cần khoảng 2.400 nhân sự được đào tạo để khôi phục lại chương trình năng lượng hạt nhân. "Đây không chỉ là vấn đề của chương trình mà còn là xây dựng một hệ sinh thái năng lượng hạt nhân và công nghệ cho tương lai", Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết.