Đồng Nai yêu cầu tăng cường phòng bệnh dịch tả heo châu Phi
UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 15318/UBND-KTN về triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Đồng Nai đã phát hiện 7 ổ dịch bệnh dịch tả heo châu Phi tại 5 huyện gồm: Trảng Bom, Vĩnh Cửu, Cẩm Mỹ, Nhơn Trạch, Định Quán; tiêu hủy 167 con heo bệnh, chết.
Trước nguy cơ dịch bệnh tiếp tục gia tăng mạnh thời gian tới, UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thành phố Long Khánh và Biên Hòa chỉ đạo, huy động các nguồn lực của địa phương để tổ chức xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để phát sinh ổ dịch mới; tổ chức xử lý tiêu hủy heo mắc bệnh, nghi mắc bệnh, heo chết.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chủ động triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ người chăn nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh theo đúng quy định của pháp luật.
Một nội dung quan trọng là phải kịp thời phát hiện, ngăn chặn và kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp mua bán, vận chuyển heo bệnh, vứt xác heo chết làm lây lan dịch bệnh, ô nhiễm môi trường. Tổ chức triển khai thực hiện nghiêm ngặt công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là tại những nơi đang có dịch hoặc có nguy cơ xuất hiện dịch.
Xử lý nghiêm các trường hợp giấu dịch, chậm báo cáo làm lây lan dịch bệnh. Tăng cường kiểm tra và truy xuất nguồn gốc đối với động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép tiêu thụ trên địa bàn. Rà soát, thống kê cụ thể, chính xác tổng đàn heo và số lượng đàn heo thịt đã được tiêm vaccine phòng bệnh dịch tả heo châu Phi.
Công tác thông tin, tuyên truyền cần được tăng cường, nhân rộng bằng nhiều hình thức về tính chất nguy hiểm của dịch bệnh này; nguy cơ dịch bệnh tái phát, lây lan, các biện pháp phòng dịch bệnh và sử dụng vaccine... Xem xét xử lý trách nhiệm người đứng đầu nếu chủ quan, lơ là trong lãnh đạo, chỉ đạo để xảy ra bùng phát dịch trên địa bàn quản lý.
Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn được giao chủ trì; tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, theo dõi, chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh gia súc, gia cầm, đặc biệt là bệnh dịch tả heo châu Phi, nhất là tại các nơi đang có dịch hoặc nguy cơ xuất hiện dịch bệnh. Xây dựng các chuỗi, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh và thực hiện đồng loạt các giải phòng, chống dịch.