Đồng Nai vượt 4,3 ngàn ca bệnh sởi, Sở Y tế chỉ đạo tăng cường điều trị nhằm hạn chế số ca tử vong
Chiều 10-12, Phó giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Bình cho biết, tính đến ngày 9-12, toàn tỉnh đã ghi nhận hơn 4,3 ngàn ca bệnh sởi, 2 trường hợp tử vong.
Thành phố Biên Hòa, Trảng Bom, Nhơn Trạch là những địa phương có số ca mắc sởi chiếm tỷ lệ cao.
Nhằm hạn chế tình trạng quá tải đối với các bệnh viện tuyến trên, Giám đốc Sở Y tế giao giám đốc các bệnh viện đa khoa khu vực, trung tâm y tế các huyện, thành phố có giường bệnh, các bệnh viện tư nhân tập trung nguồn lực, bố trí các khu vực khám, cách ly, điều trị đối với người nghi nhiễm, nhiễm sởi, nhất là người bệnh sởi có biến chứng nhẹ và vừa.
Bảo đảm đầy đủ các phương tiện phòng hộ cá nhân cần thiết cho nhân viên y tế khám, điều trị, chăm sóc trực tiếp cho các ca nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi. Ghi chép đầy đủ các thông tin về diễn biến lâm sàng, các kết quả xét nghiệm, các phương pháp điều trị và các thuốc đã sử dụng. Tuân thủ nghiêm các biện pháp kiểm soát lây nhiễm sởi.
Các đơn vị khẩn trương rà soát nhu cầu thuốc, vật tư xét nghiệm, hóa chất, thiết bị y tế để đảm bảo công tác điều trị. Nếu dự báo thiếu thuốc, vật tư, hóa chất, phải chủ động mua sắm theo quy định. Hạn chế vận chuyển người bệnh vượt tuyến, trừ trường hợp vượt quá khả năng điều trị.
Thực hiện chế độ tham vấn của tuyến trên, hội chẩn liên khoa, liên viện để giải quyết các trường hợp khó, các trường hợp chuyển viện. Bố trí đầy đủ về phương tiện, thiết bị y tế trong quá trình chuyển viện, bố trí nhân viên y tế thường xuyên theo dõi sát, đảm bảo an toàn cho người bệnh và hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong trên đường chuyển viện.
Các đơn vị phối hợp, điều chuyển tạm thời một số thiết bị y tế như monitor, bơm tiêm điện, máy thở… để hỗ trợ Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai điều trị những ca sởi biến chứng nặng.
Lãnh đạo Sở Y tế giao Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai, Bệnh viện Đa khoa Thống Nhất tập trung nguồn lực tổ chức thu dung và điều trị người bệnh mắc sởi nặng có biến chứng vượt quá khả năng xử lý của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh.
Đối với các ca bệnh khó, chủ động hội chẩn từ xa với Tổ chuyên gia điều trị bệnh sởi của Thành phố Hồ Chí Minh để có phương án điều trị kịp thời cho người bệnh.
Đối với trường hợp bệnh nặng, nguy kịch cần thiết phải chuyển viện thì phải thông báo và hội chẩn với các bệnh viện tuyến trên trước khi chuyển để đảm bảo sẵn sàng các điều kiện tiếp nhận người bệnh. Bố trí đầy đủ về phương tiện, thiết bị y tế trong quá trình chuyển viện, bố trí nhân viên y tế thường xuyên theo dõi sát, đảm bảo an toàn cho người bệnh và hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong trên đường chuyển viện.
Lãnh đạo Sở Y tế giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Trung tâm y tế các huyện, thành phố phối hợp với các bệnh viện tiếp tục tăng cường tiêm vaccine phòng bệnh sởi; hỗ trợ nhân viên y tế, người bệnh có tiếp xúc với trường hợp nhiễm hoặc nghi nhiễm sởi để đánh giá tình trạng miễn dịch và tiêm phòng đầy đủ.
Tăng cường thực hiện các biện pháp truyền thông về phòng ngừa lây nhiễm, cách phát hiện và xử trí khi có người nghi nhiễm sởi cho nhân viên y tế, người dân tại cộng đồng và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.