Đồng Nai tìm giải pháp nâng cao sức cạnh tranh ngành công nghiệp

Ngày 2-7, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo Thực trạng và giải pháp chuyển đổi công nghệ, nâng cao sức cạnh tranh công nghiệp Đồng Nai nhằm tìm ra các giải pháp, kinh nghiệm phát triển công nghiệp hiện đại.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thăm một dự án tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành). Ảnh: V.THẾ

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh và Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng thăm một dự án tại Khu công nghiệp Lộc An - Bình Sơn (huyện Long Thành). Ảnh: V.THẾ

Tham dự hội thảo có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh; Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng; lãnh đạo các sở, ngành, địa phương; đại diện các chuyên gia, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài tỉnh.

Tầm nhìn của Đồng Nai

Đi trước trong phát triển công nghiệp và tạo nhiều dấu ấn cho nền kinh tế nhưng bức tranh công nghiệp Đồng Nai đang gặp những hạn chế nhất định. Một trong số đó là yêu cầu cấp thiết của việc chuyển đổi công nghệ, nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm công nghiệp địa phương, phù hợp với quy hoạch phát triển bền vững mà tỉnh đang hướng tới.

Phó giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Trần Vũ Hoài Hạ chia sẻ, nền tảng cho ngành công nghiệp Đồng Nai bứt phá trong thời kỳ quy hoạch đến năm 2050 là các bước tiến trong khoa học kỹ thuật. Trong lộ trình đến năm 2050 thì giai đoạn 2022-2025 là thời kỳ đẩy mạnh việc chọn lọc thu hút các ngành nghề, lĩnh vực ưu tiên đầu tư. Trong đó, chú trọng thu hút các ngành công nghiệp hỗ trợ, các ngành công nghiệp công nghệ cao và bước đầu hình thành các khu công nghiệp (KCN) hỗ trợ, KCN công nghệ cao trên địa bàn. Giai đoạn 2025-2030, Đồng Nai phấn đấu là trung tâm công nghiệp hỗ trợ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Cùng với đó là đẩy nhanh việc hoàn thiện hạ tầng các trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển, đào tạo nghề nghiệp hiện đại.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy NGUYỄN HỒNG LĨNH cho rằng, cần có chế tài đối với những DN hết vòng đời dự án, công nghệ lạc hậu, vi phạm quy chuẩn. Tỉnh cần bắt buộc DN đó phải ngừng hoạt động, có chính sách hỗ trợ họ chuyển đổi. Song song đó, tiếp tục chọn lọc trong thu hút đầu tư, đặt mục tiêu từ nay đến năm 2030 để quyết tâm chuyển đổi cơ cấu, chất lượng công nghiệp địa phương.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh đánh giá, ít có địa phương nào nhận được lợi thế lớn như Đồng Nai. Trục trung tâm phát triển hiện nay đang dịch chuyển về Cái Mép - Thị Vải và Long Thành. Với vị trí đắc địa, tỉnh sẽ không chấp nhận công nghiệp công nghệ lạc hậu. Đồng Nai từng tự hào đi sớm về công nghiệp nhưng nếu không chuyển đổi sẽ ngày càng tụt hậu. Công nghiệp hàm lượng công nghệ thấp sẽ không thể cạnh tranh nổi trên thị trường. Những điều đó đang ngày càng tạo áp lực lên nền kinh tế, không cách nào khác, từng doanh nghiệp (DN) và toàn ngành phải tích cực chuyển đổi công nghệ.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh nhấn mạnh, tỉnh phải đánh giá thực trạng hơn 1,6 ngàn DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và hàng chục ngàn DN trong nước, bao nhiêu là sử dụng công nghệ lạc hậu... Đánh giá cụ thể, nhìn nhận thực trạng và yêu cầu, áp lực cần phải chuyển đổi. Thông qua khảo sát, đánh giá, cần có giải pháp nâng cao nhận thức của DN, cơ quan quản lý về chuyển đổi công nghệ. Phải thấy rằng, sự chuyển đổi công nghệ là vấn đề tự thân của DN. Đồng thời, cần thúc đẩy công nghệ, chuyển giao công nghệ, tăng cường kết nối Nhà nước, trường, viện nghiên cứu, DN, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho nghiên cứu khoa học, hỗ trợ nghiên cứu khoa học của các đơn vị, DN.

DN tích cực tham gia chuyển đổi

Theo Phó tổng giám đốc Công ty TNHH Electronic Tripod Việt Nam (thành phố Biên Hòa) Hồ Quang Nam, thay đổi công nghệ để bắt kịp xu hướng phát triển nhanh, mạnh trong giai đoạn công nghiệp 4.0 hiện nay là không dễ dàng. Tuy nhiên, nó đang và sẽ là xu thế tất yếu, dù muốn hay không, vì sự tồn vong và phát triển, DN chắc chắn phải thực hiện. Nhận thức được điều này, từ đầu năm 2023, công ty từng bước tiến hành chuyển đổi công nghệ sản xuất, áp dụng tự động hóa công nghiệp. Bước đầu, Tripod Việt Nam đã đầu tư khoảng 20 triệu USD cho việc thay đổi công nghệ và sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nguồn lực đổi mới công nghệ, đào tạo nhân lực.

Đối với nhà đầu tư hạ tầng KCN, Giám đốc cấp cao Phòng Công trường, KCN Amata (thành phố Biên Hòa) Nguyễn Hữu Nghị chia sẻ, từ năm 2020, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã chọn KCN Amata thí điểm chuyển đổi sang KCN sinh thái. Sau 3 năm nỗ lực, đến đầu năm 2024, KCN Amata đạt được nhiều tiêu chí và đang nỗ lực để trong thời gian tới đạt 97% tiêu chí đánh giá. Theo đó, có thể cải thiện điểm số bằng cách tiết kiệm nước và năng lượng, sử dụng thiết bị tiết kiệm năng lượng, tuần hoàn tái sử dụng nước thải trong nội bộ nhà máy, lắp đặt tấm pin năng lượng mặt trời. Giảm nhẹ biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tái tạo, tái sử dụng vật liệu phế phẩm. Cải thiện hệ thống quản lý xã hội, đào tạo nhân lực…

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, trên địa bàn tỉnh, dù đã có những bước tiến mới nhưng nhiều DN vẫn sử dụng công nghệ cũ, chưa đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng sản phẩm. Do đó, chuyển đổi công nghệ không chỉ là yếu tố then chốt giúp các DN nâng cao năng suất, giảm chi phí, mà còn là nền tảng để phát triển bền vững, thân thiện với môi trường.

Vương Thế

PGS-TS Nguyễn Ngọc Lâm, Trường đại học Lạc Hồng:

Tăng cường các chương trình tư vấn đào tạo cho DN

Nhà nước cần tăng cường công tác đào tạo chính quy và đào tạo tại chỗ cho các DN về công nghệ xanh, sạch và bền vững. Trường đại học Lạc Hồng hiện có một số giải pháp nhằm tham gia tích cực trong việc nghiên cứu và phát triển công nghiệp xanh, sạch và bền vững tại Đồng Nai. Thông qua các chương trình đào tạo chuyên sâu và các khóa học về công nghệ môi trường, chúng tôi trang bị cho sinh viên kiến thức và kỹ năng cần thiết để họ có thể đóng góp hiệu quả vào sự phát triển bền vững của địa phương. Tích cực thực hiện các dự án nghiên cứu nhằm tìm kiếm và phát triển các giải pháp công nghệ tiên tiến, giảm thiểu ô nhiễm và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên.

Trường đại học Lạc Hồng hợp tác chặt chẽ với các DN trong và ngoài tỉnh để chuyển giao công nghệ và tư vấn các giải pháp sản xuất sạch, thân thiện với môi trường; tổ chức nhiều hội thảo, diễn đàn và các hoạt động ngoại khóa để nâng cao nhận thức cộng đồng về tầm quan trọng của công nghiệp xanh…

Giám đốc Nhà máy Nestlé Trị An Nguyễn Hoàng Phương:

Chuyển đổi số là quá trình đầy thách thức, cần sự nhẫn nại

Nestlé Trị An là một trong 6 nhà máy của Nestlé tại Việt Nam, được đánh giá là nhà máy hiện đại nhất với mô hình nhà máy thông minh thành công.

Chuyển đổi số là một trong 3 trụ cột trong chiến lược kinh doanh trung hạn đến năm 2025 và xa hơn của Tập đoàn Nestlé. Nó được thực hiện qua một chương trình hành động cụ thể với sự tham gia từ lãnh đạo cấp cao đến các trưởng nhóm và đội ngũ hỗ trợ. Tuy nhiên, đây là quá trình đầy thách thức, đặc biệt là chuyển đổi số, do yêu cầu thay đổi toàn bộ cách vận hành, tiếp cận khách hàng và mô hình kinh doanh, điều này chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi sự thay đổi cơ sở hạ tầng và quan trọng hơn là tư duy tiếp cận giải pháp mới.

Chúng ta cần tiếp cận giải pháp số một cách kiên nhẫn, không cầu toàn hay nóng vội. Mỗi DN có thể bắt đầu từ những bước nhỏ, đào tạo đội ngũ để làm quen và làm chủ công nghệ mới. Nestlé cam kết chia sẻ kinh nghiệm và kiến thức chuyên môn để đồng hành cùng tỉnh Đồng Nai trong chiến lược chuyển đổi số, góp phần nâng cao tính cạnh tranh của ngành công nghiệp.

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202407/dong-nai-tim-giai-phap-nang-cao-suc-canh-tranh-nganh-cong-nghiep-15e5965/
Zalo