Đồng Nai thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công
Trong nhiều năm qua, tỉnh Đồng Nai luôn rất chật vật trong việc hoàn thành mục tiêu giải ngân nguồn vốn đầu tư công. Tính đến cuối tháng 02/2022, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đang thấp hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của cả nước...
Tỉnh Đồng Nai thành lập tổ công tác đặc biệt để thúc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Tình trạng này đã khiến Đồng Nai lo lắng đến một “kịch bản” nguồn vốn đầu tư công được giải ngân ở mức thấp có thể tái diễn.
“CHẬT VẬT” GIẢI NGÂN NGAY TỪ ĐẦU NĂM
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai, trong năm 2022, tổng nguồn vốn đầu công trên địa bàn tỉnh là hơn 9,4 ngàn tỷ đồng; song tính đến hết tháng 02/2022, nguồn vốn đã được giải ngân chỉ hơn 496 tỷ đồng, khoảng 5,2% kế hoạch.
Bình luận về tỷ lệ “èo uột” này, một lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai cho biết, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đến cuối tháng 02/2022 hiện đạt thấp. Bởi vì, cùng thời điểm này, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân của cả nước đang ở mức hơn 8,61% so với kế hoạch.
Ông Võ Tấn Đức, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai phải thừa nhận, tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh trong năm 2022 đến thời điểm hiện nay vẫn còn rất thấp so với mặt bằng chung của cả nước và chưa bảo đảm tiến độ giải ngân nguồn vốn theo kế hoạch vốn đã bố trí trong năm. “Nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn, kết quả giải ngân nguồn vốn đầu tư công năm 2022 sẽ lặp lại kết quả như năm 2021”, ông nói.
Năm 2021, tỉnh Đồng Nai đặt mục tiêu giải ngân đạt từ 90% trở lên đối với tổng nguồn vốn đầu tư công hơn 24,4 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, kết quả cuối cùng mà địa phương này đạt được trong công tác giải ngân vốn đầu tư công chỉ ở mức hơn 61% kế hoạch, thấp hơn rất nhiều mục tiêu đề ra.
Số liệu thống kê của tỉnh này cho biết, năm 2021, trên địa bàn Đồng Nai có 23 đơn vị có tỷ lệ giải ngân nguồn vốn đầu tư công đạt dưới 90% kế hoạch được giao, và có 4 đơn vị có kết quả giải ngân bằng 0.
Chính quyền Đồng Nai đã đưa ra một số lời giải thích cho việc chậm trễ và có phần “hụt hơi” trong công tác giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, giá cả vật liệu xây dựng tăng cao, đặc biệt các dự án về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án sân bay quốc tế Long Thành hiện đã tạm ngưng thực hiện.
Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu được lý giải chính là công tác giải phóng mặt bằng. Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng tỉnh Đồng Nai Ngô Thế An chỉ rõ, trong ba nhóm nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư công, giải phóng mặt bằng, bất cập chính sách và ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thì nguyên nhân lớn nhất vẫn là công tác giải phóng mặt bằng còn chậm.
Ông Phan Trung Hưng Hà, Trưởng phòng Đấu thầu, thẩm định và giám sát đầu tư thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai lý giải khá “bất ngờ”. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có tình trạng một nhà thầu trúng thầu rất nhiều gói thầu ở các địa phương trong tỉnh. Trúng nhiều gói thầu trong lúc năng lực không đáp ứng việc bố trí nhân lực, máy móc trang thiết bị cho tất cả các gói thầu, đã dẫn đến tiến độ bị chậm, ảnh hưởng đến kết quả giải ngân nguồn vốn.
“SIẾT” GIẢI NGÂN, KHÔNG GIAO THẦU CHO CÁC NHÀ THẦU CHẬM TIẾN ĐỘ
Chính quyền Đồng Nai cho biết, sẽ “siết” mạnh tiến độ giải ngân trong năm 2022. Năm 2022, tình này cũng tiếp tục đặt ra mục tiêu giải ngân đạt 90% nguồn vốn đầu tư công.
Ngày 21/01/2022 vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 572/VPCP-KTTH về tình hình, kết quả của các Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công năm 2021; theo đó, yêu cầu Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành cả nước thực hiện kiểm điểm, xử lý nghiêm trường hợp giải ngân chậm do nguyên nhân chủ quan, chưa nỗ lực cố gắng.
Để có cơ sở tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo tinh thần công văn 572/VPCP, Sở Kế hoạch và Đầu tư Đồng Nai đã kiến nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai chỉ đạo các đơn vị giải ngân đạt dưới 90% tổ chức rà soát, đánh giá tình hình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2021. Trên cơ sở đó, phân tích rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan dẫn đến việc giải ngân không đạt kế hoạch và kiểm điểm, xử lý nghiêm trường hợp giải ngân chậm do nguyên nhân chủ quan, chưa nỗ lực cố gắng.
Hiện Đồng Nai đã thành lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện giải ngân nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Tổ công tác sẽ làm việc với các đơn vị, sở, ngành để rà soát các vướng mắc trong quá trình thực hiện hồ sơ triển khai các dự án.
Tổ công tác cũng sẽ làm việc với các đơn vị, chủ đầu tư được giao nguồn vốn đầu tư công lớn trong năm 2022 như thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành để kiểm tra hoạt động cũng như kế hoạch triển khai việc giải ngân nguồn vốn đầu tư công. “Phải thể hiện quyết tâm cao hơn nữa, coi nhiệm vụ giải ngân nguồn vốn đầu tư công là một trọng những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2022”, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức yêu cầu.
Để giải quyết “dứt điểm” tình trạng giải ngân “ì ạch” của các đơn vị trên địa bàn, ông Võ Tấn Đức đã yêu cầu: Thủ trưởng các sở, ban, ngành và các chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trực tiếp trước Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh nếu để xảy ra tình trạng giải ngân chậm trễ. Trường hợp không hoàn thành giải ngân theo tiến độ đề ra thì phải kiểm điểm trách nhiệm tập thể, người đứng đầu và các cá nhân có liên quan.
Đáng lưu ý, Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai giao trách nhiệm cho Sở Nội vụ không xem xét thi đua khen thưởng hoàn thành nhiệm vụ đối với các tập thể, cá nhân có liên quan đến công tác giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 nếu không đạt kế hoạch. Phải kiên quyết xử lý nghiêm kịp thời các tổ chức, cá nhân, kể cả cán bộ, công chức, viên chức vi phạm quy định của pháp luật, cố tình cản trở gây khó khăn trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư công.