Đồng Nai tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm
Tại hội nghị giao ban các dự án trọng điểm trên địa bàn vào ngày 11/9, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhận diện 6 nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân các công trình chậm so với kế hoạch đề ra. Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai đề nghị nếu cuối năm địa phương nào để dự án trọng điểm tồn nhiều vốn đầu tư sẽ hạ một bậc thi đua đối với Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Tiến độ có nhiều khởi sắc
Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện nay có 3 dự án trọng điểm quốc gia đang triển khai là Cảng hàng không quốc tế Long Thành, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó, 26 dự án được Tỉnh ủy xác định trọng điểm, có tính chất quan trọng, tác động đến sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên, tổng nguồn vốn bố trí trong năm 2024 cho các dự án trọng điểm sau điều chỉnh, bổ sung là hơn 7.600 tỷ đồng, chiếm hơn 37% tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Tính đến cuối tháng 8, tổng nguồn vốn đã giải ngân tại các dự án trọng điểm là gần 2.900 tỷ đồng, đạt hơn 37% so với kế hoạch.
Nhìn chung, tiến độ giải ngân vốn tại các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh trong tháng 8 đã có sự chuyển biến rõ rệt, số vốn giải ngân đã tăng thêm gần 12% so với thời điểm cuối tháng 7.
Trong tháng qua, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công tại các công trình trọng điểm cũng cao hơn mức bình quân chung về giải ngân vốn đầu tư công của tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân vốn bố trí cho các dự án trọng điểm vẫn chưa đạt mục tiêu đề ra.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương và các chủ đầu tư đã tập trung phân tích, làm rõ những mặt còn hạn chế về công tác giải phóng mặt bằng, giải ngân vốn đầu tư công, khiến các dự án trọng điểm chậm tiến độ.
Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức tiến độ các dự án trọng điểm đã có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn chậm hơn so với kế hoạch đề ra.
Do vậy, thời gian tới các chủ đầu tư, địa phương cần phải tập trung hơn nữa đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm và giải ngân nguồn vốn đầu tư công.
Riêng đối với những dự án còn chuyển biến chậm như đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai yêu cầu, cấp ủy, chính quyền thành phố Biên Hòa, huyện Long Thành cần tập trung tối đa tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, sớm hoàn thành bàn giao cho đơn vị thi công.
Hạ thi đua nếu để số vốn tồn nhiều
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Hồng Lĩnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai đề nghị các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan phải cố gắng nỗ lực hơn nữa trong giải ngân vốn đầu tư công. Đối với các dự án hết niên độ trong năm 2024 phải đẩy nhanh tiến độ, bởi nếu không hoàn thành dự án thì phải thực hiện thủ tục gia hạn rất mất thời gian.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh nhận diện 6 nguyên nhân khiến tiến độ giải ngân vốn tại các dự án trọng điểm trên địa bàn bị chậm. Đó là: Năng lực các nhà thầu; bãi đổ thải; nguồn vật liệu đắp nền; cập nhật điều chỉnh quy hoạch; tiến độ giải phóng mặt bằng và việc xử lý các kiến nghị của từng dự án.
Trên cơ sở các nguyên nhân trên, các ngành, chủ đầu tư, địa phương phải có giải pháp quyết liệt tháo gỡ để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, chuẩn bị dự án đầu tư cho năm 2025, bố trí vốn phải đủ điều kiện, có tính khả thi cao để giải ngân tốt.
Người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai yêu cầu cuối năm các cơ quan chức năng phải có báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy số vốn tồn, chưa giải ngân của từng dự án cũng như tổng vốn chưa giải ngân trên địa bàn tỉnh. Địa phương nào để vốn tồn nhiều thì đồng chí Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phải hạ một cấp thi đua. Trong trường hợp xác định năng lực hạn chế thì xem xét, điều chuyển sang làm nhiệm vụ khác.
Kết luận hội nghị, đồng chí Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai, Tổ trưởng Tổ theo dõi các công trình, dự án trọng điểm đề nghị từng đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy được phân công theo dõi các dự án dành thời gian hơn nữa để kiểm tra, xử lý các vướng mắc cùng với các ngành và địa phương.
Các cơ quan liên quan phối hợp xử lý sớm các vướng mắc, nhất là công tác điều chỉnh quy hoạch.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai Hồ Thanh Sơn cho rằng, nguồn vốn bố trí cho công tác giải phóng mặt bằng chiếm hơn 70% số vốn bố trí cho các dự án trọng điểm.
Thế nhưng, các dự án đều vướng khâu giải phóng mặt bằng, vì vậy, các ngành, địa phương cần tập trung quyết liệt hơn cho công tác giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các công trình.