Đồng Nai nỗ lực 'chạy đua' từng ngày giải ngân vốn đầu tư công
Chỉ còn gần 3 tháng nữa để thực hiện việc giải ngân vốn đầu tư công kế hoạch năm 2024. Đang ở giai đoạn gấp rút, chính quyền tỉnh Đồng Nai tăng tốc, quyết liệt đẩy mạnh đồng bộ các giải pháp, phấn đấu giải ngân số vốn đạt ít nhất 95% kế hoạch của Thủ tướng Chính phủ giao. Thời gian còn lại chỉ tính bằng ngày, nhưng lượng vốn cần giải ngân còn rất lớn, do đó, xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành trong tỉnh hiện nay.
“Mặc dù ngay từ đầu năm 2024 đã ký kết giao ước thi đua, ai cũng cam kết lộ trình giải ngân theo từng tháng, từng quý. Định kỳ hằng quý tỉnh họp đôn đốc 36 chủ đầu tư, nhưng đến nay số vốn giải ngân rất là thấp. Tỉnh đã thành lập 3 tổ công tác rồi, đề nghị ba đồng chí tổ trưởng quyết liệt kiểm tra, chấn chỉnh, đôn đốc giải ngân đầu tư công năm 2024 phải bảo đảm cuối năm đạt từ 95% trở lên”, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức “sốt ruột” đốc thúc tại cuộc họp ngày 5/11.
Không thể để chậm trễ kéo dài
Tính đến hết tháng 10 vừa qua, khối lượng vốn đầu tư công trên địa bàn Đồng Nai được giải ngân hơn 9.335 tỷ đồng, tăng hơn 1.400 tỷ đồng so với thời điểm cuối tháng 9, đạt 45,7% kế hoạch năm và gần tiệm cận mức trung bình của cả nước tại cùng thời điểm. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân đạt hơn 46% kế hoạch; vốn ngân sách Trung ương kéo dài đạt trên 55%; vốn ngân sách địa phương đạt hơn 43% kế hoạch.
Trong khi nhiều đơn vị, địa phương giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 60% kế hoạch cả năm như các huyện Long Thành, Nhơn Trạch, Tân Phú, thành phố Long Khánh, các sở Xây dựng, Y tế, Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể dục thể thao, Chi cục trồng trọt, bảo vệ thực vật và thủy lợi. Đáng nói, vẫn có một số chủ đầu tư trì trệ tỷ lệ giải ngân nguồn vốn là 0%.
Đi sâu các công trình, dự án trọng điểm ở Đồng Nai, có sự chuyển biến khả quan về tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nhưng vẫn chậm so với lộ trình đề ra hồi đầu năm. Lũy kế tính đến ngày 24/10 giải ngân gần 3,9 nghìn tỷ đồng, đạt hơn 51% kế hoạch vốn bố trí trong năm và tăng gần 14% so với cuối tháng 9/2024.
Tổng nguồn vốn đầu tư công bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh gần 7,6 nghìn tỷ đồng, chiếm hơn 37% tổng vốn ngân sách đầu tư công năm nay. Đối với bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổng nguồn vốn đầu tư công phân bổ trong năm là hơn 5,4 nghìn tỷ đồng, tính đến ngày 24/10, đã giải ngân hơn 3,1 nghìn tỷ đồng, đạt gần 58%.
Thực trạng bức xúc trên đòi hỏi phải có giải pháp cải thiện mạnh mẽ, quy trách nhiệm rõ người, rõ việc, như khẳng định của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Đồng Nai Nguyễn Hữu Nguyên: “Tới đây Sở Kế hoạch và đầu tư sẽ tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ ra những dự án nào, chủ đầu tư nào, ai phải chịu trách nhiệm về những cái chậm trễ, để có giải pháp quyết liệt hơn trong triển khai cũng như giải ngân vốn đầu tư công từ nay đến cuối năm”.
Theo ông Nguyên, việc các dự án chậm triển khai, như các dự án nhóm A là 6 năm nhưng thực tế tới 10 năm chưa xong, các dự án nhóm B theo quy định 4 năm nhưng 8 năm vẫn chưa làm xong.
Từ đó, phải điều chỉnh, bổ sung tăng tổng mức đầu tư, ngoài lý do tăng chi phí bồi thường thì còn biến động đơn giá vật liệu xây dựng, đây là sự lãng phí rất lớn. Lãng phí lớn nhất là mất cơ hội phát triển của tỉnh cũng như đưa dự án vào phát huy hiệu quả phát triển kinh tế-xã hội.
Đổi mới điều hành, ràng buộc chế tài xử lý
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn là hơn 19.300 tỷ đồng. Trong đó, vốn kế hoạch giao năm 2024 là hơn 15.100 tỷ đồng, vốn kế hoạch năm 2023 kéo dài sang năm 2024 để tiếp tục thực hiện hơn 4.100 tỷ đồng.
Để thúc đẩy tiến độ các dự án cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh quyết tâm cao trong chỉ đạo, điều hành, thông qua hàng loạt biện pháp, giải pháp linh hoạt, sáng tạo, đổi mới, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong lĩnh vực này.
Tháng 8/2024, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Võ Tấn Đức yêu cầu các chủ đầu tư xây dựng lại “đường găng” giải ngân vốn đầu tư công của đơn vị mình theo từng tuần, sát sao rà soát, theo dõi, kịp thời tháo gỡ vướng mắc phát sinh.
Các nhà thầu, đơn vị thi công đẩy nhanh tiến độ dự án như “thi công 3 ca 4 kíp”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ”. Quan điểm của tỉnh là kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm, làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Thực tế, thời gian gần đây, người đứng đầu các địa phương, đơn vị đã tích cực, chủ động hơn trong việc vào cuộc kiểm tra, giám sát, nhanh chóng xử lý tháo gỡ ngay các điểm nghẽn, vướng mắc gặp phải khâu tổ chức thực hiện.
Đơn cử, thành phố Biên Hòa có nhiều dự án giao thông trọng điểm của quốc gia, của tỉnh và trường học xây dựng mới. Những tháng gần đây, Bí thư Thành ủy Biên Hòa Hồ Văn Nam liên tục kiểm tra đột xuất, dành thời gian trực tiếp thị sát, nắm bắt tình hình để đưa ra chỉ đạo tức thì ngay tại công trường.
“Tôi thường xuyên dành ít nhất một buổi trong tuần để đi kiểm tra, chỉ đạo, tháo gỡ, đôn đốc thực hiện, nhất là các công trình trọng điểm đang vướng giải phóng mặt bằng. Bởi trong các cuộc họp, việc báo cáo bằng văn bản nhiều khi bản thân không nắm sát được, thậm chí, một số báo cáo không sát thực tế, nên việc chỉ đạo đôi lúc chưa thực sự đem lại kết quả bằng “sản phẩm” thiết thực”, ông Nam cho hay.
Cũng theo Bí thư Thành ủy Biên Hòa, qua kiểm tra công trường tại các dự án trọng điểm mới thấy, những khó khăn nảy sinh trong thực tế là rất lớn. Một số cán bộ thực hiện nhiệm vụ chuyên môn lại sợ sai, không dám làm, thiếu sự sáng tạo vận dụng linh hoạt, thậm chí xa dân, đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa đơn vị này với đơn vị khác, khiến có những thời điểm, một số dự án gần như “giẫm chân” tại chỗ.
Với tinh thần phải làm và quyết tâm hành động, trường hợp cán bộ né việc, không dám làm, Bí thư Thành ủy Biên Hòa đã chỉ đạo làm rõ trách nhiệm, nếu không hoàn thành thì sẽ xem xét thay thế, để không ảnh hưởng đến guồng máy đang vận hành dẫn đến làm chậm tiến độ chung của các dự án.
Ở thời điểm hiện tại, tỉnh Đồng Nai đang phải tăng cường triển khai các công trình trọng điểm như: Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, đường Vành đai 3, Vành đai 4, đặc biệt là chuẩn bị tiếp dự án cao tốc Dầu Giây-Tân Phú mà nhiệm vụ của tỉnh là bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao cho chủ đầu tư.
Cùng với đó là nhiều dự án trọng tâm của tỉnh đang cần gấp rút thực hiện, gồm: đường trục trung tâm thành phố Biên Hòa, đường ven sông Cái, đường Hương Lộ 2, đường kết nối vào cảng Phước An, huyện Nhơn Trạch, đường nút giao vào trung tâm hành chính, cao tốc Bến Lức-Long Thành…
Thực hiện nội dung Công điện số 104/CĐ-TTg về việc đôn đốc đẩy mạnh vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024 của Thủ tướng Chính phủ ban hành mới đây, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai yêu cầu người đứng đầu các đơn vị phân công thực hiện rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ và rõ kết quả.
Theo đó, phải nỗ lực tập trung tối đa, bàn giao xong toàn bộ mặt bằng dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trong tháng 11/2024. Chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát khó khăn, vướng mắc 5 tuyến đường: ĐT 770B, ĐT 769, ĐT 773, 25B, 25C để đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo tính đồng bộ, kết nối khi đưa sân bay quốc tế Long Thành đi vào sử dụng.
Lưu ý, hai dự án đường 25B, 25C đã đủ điều kiện khởi công và phải tiến hành khẩn trương, lãnh đạo tỉnh nêu rõ, khi các tuyến đường T1, T2 đưa vào khai thác dự kiến ngày 30/4/2025, sân bay cất chuyến bay đầu tiên tháng 9/2026.
Bởi lẽ, nếu đường 25B, 25C chưa xong thì sẽ gây áp lực lớn lên Quốc lộ 51 vốn đã xuống cấp, quá tải và cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây, do không thể kết nối vào đường Vành đai 3, đường 319 và cao tốc Bến Lức-Long Thành.
Người đứng đầu chính quyền tỉnh Đồng Nai đề nghị Ban quản lý công trình xây dựng của tỉnh thi công xong 4 công trình hạ tầng xã hội còn lại tại Khu tái định cư Lộc An-Bình Sơn thuộc nơi ở mới của cư dân đã di dời để xây dựng sân bay quốc tế Long Thành, do biên độ giải ngân chỉ trong năm 2024, không thể gia hạn thêm lần thứ hai.
Tại hội nghị giao ban các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh tháng 9 năm 2024, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh quán triệt, địa phương, đơn vị nào còn để tồn đọng nguồn vốn đầu tư công nhiều, thì người đứng đầu, trực tiếp là Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân nơi đó phải hạ bậc thi đua và nếu năng lực hạn chế thì sẽ xem xét điều chuyển nhiệm vụ khác.
“Việc đánh giá cán bộ để bố trí “ngồi” đúng vị trí là rất quan trọng, nếu giải ngân không xong mà ngồi ghế nhà nước là sai vị trí rồi”, người đứng đầu Đảng bộ tỉnh Đồng Nai gợi mở cho công tác chuẩn bị nhân sự phục vụ Đại hội Đảng bộ các cấp sắp tới.