Đồng Nai kiến nghị xây cầu, đường kết nối với Bình Phước
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận phương án đầu tư xây dựng cầu Mã Đà và đường kết nối với tỉnh Bình Phước quy mô 4 làn xe (giai đoạn 1). Trong đó, cầu Mã Đà được đề xuất 2 phương án đầu tư xây dựng…

Đường đi vào rừng Mã Đà - Ảnh minh họa (Nguồn: ADG).
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai vừa có văn bản số 3352/UBND-KTN gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị về việc xây dựng cầu Mã Đà và đường kết nối Đồng Nai với Bình Phước.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, Đồng Nai và Bình Phước đã làm việc, thống nhất lựa chọn phương án làm đường kết nối Bình Phước với Đồng Nai.
Cụ thể, đường có chiều dài khoảng 76 km, bắt đầu từ thành phố Đồng Xoài và đi theo đường ĐT 753 (địa phận Bình Phước) qua cầu Mã Đà (cầu đã bị sập) sang địa phận tỉnh Đồng Nai. Sau đó, đường sẽ kết nối với đường Vành đai 4 – TP.HCM.
Về hiện trạng tuyến đường nối Bình Phước với Đồng Nai, hiện Bình Phước đang tiến hành nâng cấp, mở rộng tuyến đường ĐT 753 (dài khoảng 30 km, bề rộng mặt đường từ 9 đến 19 m).
Về phía Đồng Nai, đường có chiều dài khoảng 46 km. Trong đó, có 5 km từ sông Mã Đà đến ngã 3 đường vào Trung ương Cục miền Nam (huyện Vĩnh Cửu) đang là đường cấp phối sỏi đỏ, bề rộng mặt đường trung bình khoảng 7 m. Các đoạn còn lại là đường nhựa, bề rộng mặt đường từ 5 - 6 m.
Theo đó, tỉnh Đồng Nai đề xuất hướng tuyến qua địa bàn tỉnh có điểm đầu tại cầu Mã Đà, điểm cuối giao với đường Vành đai 4 – TP.HCM với chiều dài khoảng 44 km. Trong đó, đoạn qua Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai dài khoảng 27 km, hướng tuyến bám đường hiện hữu. Tại khu vực rừng tự nhiên sẽ làm cầu cạn với chiều dài 5 km.
Đoạn tuyến còn lại sẽ đi theo hướng tuyến giao thông đã được quy hoạch, không đi theo đường ĐT 767 hiện hữu nhằm giảm thiểu những vướng mắc trong thu hồi đất, tái định cư, đồng thời mở ra không gian phát triển mới cho khu vực.

Một phần ranh giới tỉnh Đồng Nai và Bình Phước hiện trên Google Maps - Ảnh chụp màn hình.
Tỉnh Đồng Nai đề xuất hai phương án làm cầu, đường kết nối và quy mô đầu tư.
Phương án 1, xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe. Trong đó, cầu Mã Đà có tổng mức đầu tư khoảng 220 tỷ đồng; tuyến đường từ cầu Mã Đà đến đường Vành đai 4 – TP.HCM có tổng mức đầu tư khoảng 10.800 tỷ đồng. Phương án này cần chuyển mục đích sử dụng khoảng 45 ha đất rừng đặc dụng. Dự án thuộc nhóm A, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là Hội đồng nhân dân cấp tỉnh.
Theo phân tích, ưu điểm của phương án này là chi phí đầu tư giai đoạn 1 thấp; diện tích đất rừng phải thu hồi dưới 50 ha, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của tỉnh, không phải trình Quốc hội. Tuy nhiên, nhược điểm là khi mở rộng giai đoạn 2 sẽ thêm một lần tác động đến môi trường rừng.
Phương án 2, xây dựng cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối với quy mô theo quy hoạch 8 làn xe. Trong đó, cầu Mã Đà có tổng mức đầu tư khoảng 390 tỷ đồng; tuyến đường từ cầu Mã Đà đến đường Vành đai 4 có tổng mức đầu tư hơn 17.000 tỷ đồng.
Theo phương án này, địa phương sẽ thu hồi đất một lần và cần chuyển mục đích sử dụng hơn 85 ha đất rừng đặc dụng. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Quốc hội.
Ưu điểm của phương án này là chỉ ảnh hưởng đến môi trường rừng một lần, thuận lợi cho kết nối giao thông giữa 2 địa phương. Song nhược điểm là chi phí đầu tư lớn, chưa đồng bộ với quy mô giai đoạn 1 của đường Vành đai 4 – TP.HCM.
Tỉnh Đồng Nai kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, chấp thuận cho tỉnh lựa chọn phương án 1, xây dựng cầu Mã Đà và đường giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe nhằm kết nối trực tiếp giữa Bình Phước với Đồng Nai; giao tỉnh Đồng Nai triển khai xây dựng cầu Mã Đà bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh.
Bên cạnh đó, cầu Mã Đà và tuyến đường kết nối từ cầu Mã Đà đến giao với đường Vành đai 4 TP.HCM chưa có trong quy hoạch tỉnh Đồng Nai. Do đó, tỉnh kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chấp thuận cho Đồng Nai trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh các phụ lục về phương án phát triển mạng lưới đường bộ tỉnh Đồng Nai; phương án bổ sung kết nối Đồng Nai với các địa phương lân cận; phương án phân bổ và khoanh vùng đất mà không phải lập hồ sơ điều chỉnh quy hoạch tỉnh Đồng Nai. Đồng thời, xem xét hỗ trợ ngân sách Trung ương để Đồng Nai triển khai dự án.
Vào giữa tháng 3/2025, ông Hồ Văn Hà, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai dẫn đầu đoàn công tác tổ chức khảo sát thực tế vị trí xây dựng cầu Mã Đà kết nối Đồng Nai với Bình Phước. Theo đó, đoàn công tác đã khảo sát thực tế khu vực cầu Mã Đà cũ bắc qua sông Mã Đà đã bị đánh sập trong chiến tranh.
Trước đó, vào ngày 7/3, Bộ Xây dựng đã có văn bản gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh Đồng Nai và Bình Phước về việc nghiên cứu phương án đầu tư khôi phục cầu Mã Đà.