Đồng Nai kiến nghị tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho tỉnh lên 65%

Tại buổi làm việc về tình hình kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh 9 tháng của năm 2024 diễn ra vào sáng 24-9, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai kiến nghị 3 nội dung lớn với Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính.

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: B.Nguyên

Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: B.Nguyên

Thứ nhất, Đồng Nai kiến nghị trung ương tăng nguồn lực Ngân sách nhà nước cho tỉnh để đầu tư cho hạ tầng xã hội, hạ tầng đô thị gắn với phát triển bền vững. Theo tổng hợp kết quả phân bổ ngân sách năm 2024, Đồng Nai là tỉnh có tỷ lệ điều tiết, đóng góp về Ngân sách Trung ương cao với tổng thu ngân sách nhà nước đứng thứ 6/63 tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, chi ngân sách của tỉnh còn hạn chế, chi ngân sách/người dân hay nguồn ngân sách cho việc cung cấp phúc lợi công cho người dân của tỉnh hiện nay thấp nhất trong 18 tỉnh có tỷ lệ điều tiết ngân sách về Trung ương, thấp hơn mặt bằng chung của khu vực và cả nước.

Tỉnh đề xuất Chính phủ xem xét tăng tỷ lệ điều tiết ngân sách cho tỉnh Đồng Nai từ 50% lên khoảng 65% để đảm bảo nguồn lực cho tỉnh phát triển trong thời gian tới. Đồng thời, trong trường hợp thu ngân sách của tỉnh Đồng Nai vượt so với dự toán Thủ tướng giao, kiến nghị để lại cho địa phương số thu vượt để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế của tỉnh.

Thứ hai, đối với tỷ lệ phân bổ biên chế, Đồng Nai là tỉnh có quy mô kinh tế đứng thứ 4 cả nước, với dân số 3,3 triệu người, đứng thứ 5 cả nước, diện tích tự nhiên lớn, di dân cơ học nhiều. Việc quản lý nhà nước về mọi mặt đời sống, xã hội như: giáo dục, y tế, an ninh, trật tự...khối lượng công việc nhiều, phức tạp. Thế nhưng, biên chế được Trung ương phân bổ cho tỉnh thời gian qua chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế.

Ngành Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an đã có nhiều nỗ lực nhưng do quá tải công việc nên một số vụ việc xử lý chưa đảm bảo theo thời gian quy định. Để đảm bảo công tác giáo dục đào tạo, công tác chăm sóc sức khỏe người dân và công tác giải quyết nguồn tin tội phạm trên địa bàn tỉnh đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới, tỉnh mong được chấp thuận giao cơ chế đặc thù cho tỉnh được quyết định biên chế viên chức ngành giáo dục, y tế dựa trên nhu cầu thực tế, khả năng cân đối ngân sách tỉnh. Đồng thời bổ sung biên chế cho ngành Tòa án, Viện Kiểm sát và Công an tỉnh.

Thành phố mới Nhơn Trạch cần nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy. Ảnh: B.Nguyên

Thành phố mới Nhơn Trạch cần nguồn vốn lớn đầu tư hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy. Ảnh: B.Nguyên

Thứ 3, với quản lý, sử dụng đất quốc phòng, hiện trên địa bàn tỉnh có 12 đơn vị đang quản lý, sử dụng diện tích gần 2.381 hécta đất đang có người sử dụng, bị tranh chấp, lấn chiếm đất quốc phòng. Trong đó, diện tích đất quốc phòng dự kiến bàn giao về địa phương quản lý hơn 345 hécta. Đồng Nai kiến nghị được chấp thuận chủ trương chuyển giao diện tích đất quốc phòng trên cho địa phương để phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, Bộ Quốc phòng có giải pháp cùng tỉnh thu hồi diện tích đất còn lại để giao cho các đơn vị quốc phòng tiếp tục sử dụng vào mục đích quốc phòng.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Hồng Lĩnh cho biết, những kiến nghị nêu trên là những trăn trở của Đồng Nai trong suốt thời gian vừa qua. Hiện Đồng Nai có dân số đông đứng thứ 5 cả nước với áp lực xã hội rất lớn. Trên địa bàn tỉnh có những trường học có gần 4 ngàn học sinh, mỗi lớp gần 60 em học sinh, có những nơi nguy cơ cao tái diễn tình trạng học ca 3. Tỉnh có đóng góp rất lớn vào ngân sách Trung ương nhưng chăm lo cho con người, cho an sinh xã hội còn hạn chế. Tấm lòng của lãnh đạo tỉnh rất áy náy vì không có nguồn lực để xây trường, bố trí giáo viên. Đồng Nai đã thực hiện rất tốt việc đầu tư xã hội vào các lĩnh vực trên, đầu tư công chỉ chiếm hơn 60%. Nếu Đồng Nai tiếp tục thu hút đầu tư xã hội thì áp lực lên người dân rất lớn. Tỉnh mong muốn đẩy mạnh đầu tư công thì gặp 2 khó khăn về ngân sách và chỉ tiêu biên chế viên chức. Điều đó tạo áp lực rất lớn về mặt xã hội cho tỉnh trong chăm lo cho hơn 3 triệu người dân Đồng Nai.

Theo Bí thư Nguyễn Hồng Lĩnh, hạ tầng của Đồng Nai, nhất là hạ tầng đô thị, giao thông thua hẳn tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu vì thiếu nguồn lực. Hiện 12 đô thị của Đồng Nai chưa có 1 đô thị nào đuợc đầu tư hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị trong khi các tỉnh lân cận đều được đầu tư đạt từ 50-70%. Đường giao thông của tỉnh cũng rất hạn chế. Tới đây, tỉnh cần nguồn vốn để đầu tư hạ tầng giao thông kết nối với đô thị sân bay Long Thành.

Phát biểu chỉ đạo tại buổi làm việc, Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cơ bản đồng tình với các đề xuất trên của Đồng Nai và giao cho các bộ ngành tiếp thu, xử lý trên nguyên tắc công bằng, bình đẳng. Về chỉ tiêu bội chi, trong điều hành kinh tế - xã hội là ưu tiên cho tăng trưởng thì phải châm chước một số vấn đề liên quan đến lạm phát, bội chi. Bộ Tài chính tính toán đảm bảo hài hòa về lợi ích của địa phương, nhà nước và nhân dân. Tất cả các đề xuất trên của Đồng Nai, Bộ Tài chính phải hoàn thành trong tháng 10 năm 2024.

Về cơ chế đặc thù liên quan đến tỷ lệ phân bổ biên chế của Đồng Nai, Thủ tướng đề nghị Bộ Nội vụ xem xét, cân đối giữa các tỉnh, thành trên nguyên tắc, ở đâu có người dân thì ở đó phải có bác sỹ, ở đâu có học sinh thì phải có giáo viên nhưng phải hợp lý và hiệu quả.

Về bổ sung biên chế cho ngành Công an, Viện Kiểm sát, Tòa án cần căn cứ vào tình hình, đặc điểm của tỉnh trên cơ sở này tạo cơ chế hợp lý hơn thay vì thực hiện cào bằng như hiện nay. Bộ Nội vụ hướng dẫn tỉnh tháo gỡ những khó khăn về biên chế.

Bộ Quốc phòng làm việc với tỉnh Đồng Nai để bố trí, khai thác hiệu quả quỹ đất, đảm bảo an ninh, quốc phòng và phát triển kinh tế, xã hội.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/hoat-dong-cua-lanh-dao-tinh/202409/dong-nai-kien-nghi-tang-ty-le-dieu-tiet-ngan-sach-cho-tinh-len-65-25e3356/
Zalo