Đồng Nai đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về số lượng sản phẩm OCOP

Đồng Nai hiện có trên 240 sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm), đứng đầu khu vực Đông Nam Bộ về số lượng sản phẩm OCOP.

Sản phẩm OCOP của Đồng Nai tham gia chương trình trưng bày, quảng bá tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên

Sản phẩm OCOP của Đồng Nai tham gia chương trình trưng bày, quảng bá tại thành phố Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên

Không chỉ tăng nhanh về số lượng sản phẩm OCOP, các địa phương trên địa bàn tỉnh luôn quan tâm nâng hạng, nâng sao cho các sản phẩm OCOP. Trong đó, từ tỉnh đến các địa phương luôn quan tâm xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm OCOP bằng uy tín, chất lượng để khẳng định chỗ đứng trên thị trường.

Tăng nhanh về số lượng

Năm 2019, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị Chương trình OCOP với mục tiêu giai đoạn 2019-2020, toàn tỉnh xây dựng được hơn 10 sản phẩm OCOP. Kết quả, đến năm 2020, toàn tỉnh đã có hàng chục sản phẩm OCOP được công nhận và hiện tăng lên con số hàng trăm. Số lượng sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng nhanh theo từng năm. Điều ấn tượng là các chủ thể đầu tư làm sản phẩm OCOP ngoài các doanh nghiệp, đa số là các hợp tác xã (HTX) và tổ hợp tác. Tham gia Chương trình OCOP, nông dân, tổ hợp tác, các HTX dần thay đổi nhận thức về xây dựng câu chuyện sản phẩm. Họ không chỉ chăm chút ở khâu sản xuất, nhiều chủ thể OCOP ngày càng quan tâm đầu tư bao bì, mẫu mã, nhãn hàng, thương hiệu gắn với đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường cho sản phẩm.

Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp ca cao Suối Cát (huyện Xuân Lộc) Trương Văn Mỹ cho biết, HTX đã xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ ca cao quy mô hơn 100 hécta với 100 hộ nông dân tham gia. Khi tham gia chuỗi liên kết, người nông dân được hỗ trợ về vật tư, phân bón và hệ thống tưới tiết kiệm. Hiện nay, toàn bộ các thành viên trong HTX đang canh tác theo chuẩn GlobalGAP. HTX có 2 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP.

Theo ông Trương Văn Mỹ: “Ngoài việc chế biến sâu sản phẩm làm ra để phục vụ thị trường, HTX đã kết hợp phát triển nông nghiệp hữu cơ bền vững với du lịch trải nghiệm để tăng giá trị nông sản làm ra, tạo thêm việc làm, tăng thêm thu nhập cho người nông dân”.

Chủ Cơ sở Mật ong Quân Phát (tại xã Hưng Lộc, huyện Thống Nhất) Lê Lộc Quân chia sẻ, cơ sở đang tập trung các dòng sản phẩm như: mật ong ly tâm, mật ong bánh tổ, nước màu mật ong… cho thị trường trong nước, xuất khẩu. Cơ sở rất quan tâm đầu tư về nhãn hàng, thương hiệu cho sản phẩm; quảng bá sản phẩm nên đã tích cực tham gia các chương trình xúc tiến thương mại; tham gia bán hàng qua các kênh TikTok Shop, Shopee, web của cơ sở… Nhờ đó, đến nay cơ sở đã hợp tác với một số đối tác xuất khẩu sản phẩm vào các thị trường khó tính như: Hàn Quốc, Đài Loan.

Các sản phẩm OCOP của Đồng Nai khá đa dạng, thuộc nhiều nhóm sản phẩm như: sản phẩm thực phẩm, sản phẩm nhóm đồ uống, sản phẩm dược liệu, sản phẩm thủ công mỹ nghệ…

Nâng chất cho sản phẩm

Theo Kế hoạch thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn Đồng Nai đến năm 2025, toàn tỉnh phấn đấu đạt thêm 88 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên. Trong đó có 3 sản phẩm đạt OCOP 5 sao và nâng cấp ít nhất 20% sản phẩm OCOP đã được đánh giá và phân hạng. Tỉnh đề ra nhóm giải pháp tập trung tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch và phát triển vùng nguyên liệu đặc trưng tại địa phương; tổ chức thực hiện các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn triển khai về Chương trình OCOP. Đặc biệt, chuẩn hóa quy trình, tiêu chuẩn và phát triển sản phẩm OCOP theo chuỗi giá trị, phù hợp với lợi thế về điều kiện sản xuất và yêu cầu của thị trường. Nhiều chủ thể OCOP trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực nâng cấp cho sản phẩm OCOP.

Phó giám đốc Công ty TNHH Hạt điều Nga Biên (huyện Xuân Lộc) Hiếu Lê chia sẻ, trước đây, doanh nghiệp chủ yếu xuất khẩu nhân hạt điều. Vài năm trở lại đây, doanh nghiệp đầu tư chế biến sâu, hiện có trên 20 sản phẩm chế biến từ hạt điều giới thiệu ra thị trường. Doanh nghiệp cũng chú trọng xây dựng thương hiệu cho sản phẩm và hiện đã có 8 sản phẩm đạt OCOP 3 sao. Hiện doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ để nâng cấp nhiều sản phẩm đạt chuẩn OCOP 5 sao.

Đánh giá về Chương trình OCOP, Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Văn Thắng khẳng định, danh mục các sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh ngày càng đa dạng, có chất lượng tốt và truy xuất được nguồn gốc. Không chỉ doanh nghiệp mà nhiều chủ thể sản xuất OCOP là HTX, hộ sản xuất đã chú trọng ứng dụng khoa học - công nghệ đầu tư để có mẫu mã, bao bì sản phẩm đẹp, tinh xảo, độc đáo, phát huy được lợi thế tài nguyên bản địa, văn hóa truyền thống. Nhờ đó, nhiều sản phẩm OCOP đã tham gia tốt vào thị trường xuất khẩu, được người tiêu dùng ở những thị trường có tiêu chuẩn cao như: châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản chấp nhận. Điều này khẳng định sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh không ngừng được đầu tư, nâng cấp.

Năm 2024, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã triển khai nhiều hoạt động kết nối tiêu thụ nông sản, đặc biệt là sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh. Từ đầu năm đến nay, sở đã hỗ trợ cho nhiều chủ thể tham gia trưng bày, bán hàng tại nhiều chương trình xúc tiến thương mại tại Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra, hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các chương trình quảng bá trên nền tảng TikTok, Chợ Công nghệ - thiết bị và thương mại tỉnh Đồng Nai (Techmart DongNai 2024), Hội chợ Sản phẩm làng nghề và nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2024…

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202411/dong-nai-dung-dau-khu-vuc-dong-nam-bo-ve-so-luong-san-pham-ocop-27072ff/
Zalo