Đồng Nai: 'Đột phá' trong phát triển hạ tầng giao thông kết nối vùng

Hòa vào sự phát triển hạ tầng giao thông hiện đại của quốc gia, hàng loạt dự án tầm cỡ kết nối vùng Đông Nam bộ đang được triển khai, đó là lợi thế to lớn mà tỉnh Đồng Nai đang có để tạo đà phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững.

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, một dự án quan trọng đang được triển khai, dự kiến đi vào khai thác trong năm 2026. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, một dự án quan trọng đang được triển khai, dự kiến đi vào khai thác trong năm 2026. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Hàng loạt dự án quốc gia và vùng Đông Nam bộ đi qua

Là cửa ngõ phía Đông của Thành phố Hồ Chí Minh và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, tỉnh Đồng Nai có vai trò quan trọng trong việc kết nối giao thông, vận tải hành khách, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai đang trở thành một “đại công trường” với hàng loạt dự án giao thông trọng điểm tầm quốc gia được triển khai thực hiện. Thời gian qua, với sự hỗ trợ của Trung ương, sự phối hợp của các Bộ, ngành, địa phương, tỉnh Đồng Nai đã nỗ lực tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ các dự án, giúp nhiều dự án đạt bước tiến tích cực, chuẩn bị về đích trong thời gian tới.

Hiện tại trên địa bàn, dự án sân bay quốc tế Long Thành đang trong những ngày thi công sôi nổi. Hiện, hạng mục nhà ga hành khách, được coi là “trái tim” của sân bay đã thành hình. Sân bay quốc tế Long Thành với công suất thiết kế 100 triệu hành khách/năm, được xây dựng trên diện tích 5.000ha, là công trình giao thông có vốn đầu tư lớn nhất từ trước đến nay ở Việt Nam, giai đoạn 1 dự kiến đi vào khai thác năm 2026.

Hai dự án lớn khác đang được thi công cấp tập hiện nay là cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh, cũng dự kiến đưa vào khai thác vào năm 2006. Dự án Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh dài 76km đi qua bốn địa phương: Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và Long An, riêng đoạn qua tỉnh Đồng Nai dài khoảng 11km. Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dài 53km, qua địa bàn 2 tỉnh Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu, trong đó đoạn qua Đồng Nai dài 34km. Trước đó, sau hơn 2 năm thi công, dự án cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết dài 99km đã được thực hiện xong, nối liền với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Nai, bên cạnh các dự án của Trung ương, khoảng 5 năm qua, Đồng Nai cũng đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng các tuyến đường giao thông kết nối các địa phương trong tỉnh và sắp tới còn rất nhiều dự án khác được triển khai, hoàn thành. Điển hình như dự án Đường 319 kết nối huyện Nhơn Trạch với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; dự án Hương lộ 2 nối Quốc lộ 51 với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây; dự án đường ven sông Đồng Nai kết nối các trục đường giao thông tạo không gian công cộng, cảnh quan cho thành phố Biên Hòa.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, để tạo ra hệ thống hạ tầng đồng bộ, mới đây tỉnh Đồng Nai đã phê duyệt đầu tư 3 dự án giao thông gồm đường ĐT 769, đường ĐT 770B và đường ĐT 773. Các dự án này, là những dự án vệ tinh hoặc kết nối sân bay Long Thành, cùng với hệ thống đường liên cảng, các cầu lớn bắc qua sông Đồng Nai kết nối Thành phố Hồ Chí Minh sẽ giúp “bức tranh” hạ tầng giao thông của tỉnh ngày càng hiện đại.

Ngoài các dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu và đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh đang được tăng tốc về đích, các cao tốc Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Liên Khương cũng sẽ được thực hiện sớm, đồng bộ hóa với hệ thống cao tốc quốc gia. Các dự án đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, đường sắt đô thị Thủ Thiêm - Sân bay Long Thành, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu sẽ tiếp tục “nâng tầm” giao thông của tỉnh.

Theo Bộ Giao thông vận tải, đến năm 2025, vùng Đông Nam bộ sẽ cần hoàn thiện các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc nối Thành phố Hồ Chí Minh với các tuyến đường cửa ngõ quan trọng như: Vành đai 3, Vành đai 4; các tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành, Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, Thành phố Hồ Chí Minh - Chơn Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Dầu Giây - Liên Khương, Gò Dầu - Xa Mát, Chơn Thành - Đức Hòa, Chơn Thành - Gia Nghĩa. Đồng thời, tiếp tục đầu tư mở rộng các tuyến đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây, Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương - Mỹ Thuận.

Trong giai đoạn 2026-2030, vùng Đông Nam bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện việc nâng cấp tuyến đường sắt Bắc - Nam và khu đầu mối Thành phố Hồ Chí Minh. Song song đó, hệ thống metro Thành phố Hồ Chí Minh sẽ được đầu tư sâu vào địa bàn Đồng Nai…

Đòi hỏi một nguồn lực rất lớn

Theo Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 thì việc khơi thông, tạo ra đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, tạo hành lang kinh tế vùng Đông Nam bộ là vấn đề quan trọng.

Một góc “siêu dự án” sân bay quốc tế Long Thành, dự án chưa có tiền lệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang được thúc đẩy nhanh để đi vào khai thác giai đoạn 1 trong năm 2026. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Một góc “siêu dự án” sân bay quốc tế Long Thành, dự án chưa có tiền lệ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang được thúc đẩy nhanh để đi vào khai thác giai đoạn 1 trong năm 2026. (Ảnh: Nguyên Dũng)

Theo Bộ Giao thông vận tải, dựa trên quy hoạch vùng, giai đoạn 2021-2025, vùng Đông Nam bộ cần khoảng 342 nghìn tỷ đồng để đầu tư vào các dự án trọng điểm, liên kết vùng. Trong đó nguồn vốn từ Trung ương khoảng gần 61 nghìn tỷ đồng, vốn của doanh nghiệp Nhà nước khoảng 109 ngàn tỷ đồng. Trong giai đoạn 2026-2030 nhu cầu vốn là khoảng 397 nghìn tỷ đồng.

Về phía tỉnh Đồng Nai, UBND tỉnh cũng khẳng định địa phương đang trên đà tạo đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng Đông Nam bộ. Theo đó, hiện tỉnh Đồng Nai đang huy động tất cả nguồn lực tập trung đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, trở thành mắt xích quan trọng để kết nối vùng.

Theo bà Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, trong thời gian tới khi những các dự án giao thông đang triển khai đi vào khai thác thì “bức tranh” hạ tầng giao thông Đồng Nai sẽ hoàn toàn mới, tỉnh sẽ tạo nên một động lực mới trong phát triển kinh tế Đông Nam bộ, trở thành một cực tăng trưởng quan trọng của vùng và cả nước.

Hiện tại tỉnh Đồng Nai, ngoài Quốc lộ 1, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, Quốc lộ 56, cao tốc Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây và cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây, trên địa bàn còn có 24 tuyến đường tỉnh và 223 tuyến đường huyện tạo ra mạng lưới các tuyến nhánh, trong đó có nhiều tuyến có vai trò là đường kết nối hoặc vệ tinh sân bay Long Thành.

Theo lãnh đạo địa phương, giai đoạn 2020-2025 tỉnh Đồng Nai là “đại công trường” của cả nước với sân bay quốc tế Long Thành và 7 tuyến cao tốc, vành đai với tổng chiều dài 282km. Ngoài ra là các dự án giao thông lớn của tỉnh như đường trục trung tâm và cầu Thống Nhất, đường ven sông Đồng Nai trên địa bàn thành phố Biên Hòa; đường 25B, 25C, đường Lê Hồng Phong nối dài, đường cảng Phước An trên địa bàn huyện Nhơn Trạch; đường ĐT 763, ĐT 768, đường 319 nối dài và nút giao với cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây; các đường liên cảng, đường ĐT 769, ĐT 769E, ĐT 770B, ĐT 773 kết nối sân bay Long Thành. Bên cạnh đó là các dự án cầu lớn như cầu Cát Lái nối Thành phố Hồ Chí Minh; cầu Bạch Đằng 2 kết nối tỉnh Bình Dương; cầu Phước An kết nối với tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã và đang được lên kế hoạch triển khai.

Theo nhận định của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, địa phương có những lợi thế rất lớn về hạ tầng giao thông cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không. Tỉnh hiện là một trong 4 địa phương được quy hoạch 2 sân bay; số km đường cao tốc đứng thứ 3 cả nước sau Hà Nội và Nghệ An.

Trong số các “siêu dự án” đã có trong kế hoạch, hiện nay tỉnh Đồng Nai đang rất mong chờ dự án đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, tuyến đường bộ lớn nhất từ trước đến nay của vùng Đông Nam bộ, sớm thi công và vận hành. Hiện nay, Chính phủ đã chính thức giao Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan có thẩm quyền hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án này dài gần 207km, đi qua 5 tỉnh, thành phố: Long An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu. Dự án sẽ được triển khai thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP), tổng mức đầu tư hơn 136 nghìn tỷ đồng.

Dự án đường Vành đai 4 - Thành phố Hồ Chí Minh đoạn qua địa bàn tỉnh có tổng chiều dài hơn 45km. Trong đó, phân kỳ đầu tư giai đoạn 1 đối với đoạn tuyến qua địa bàn tỉnh sẽ được chia làm 2 dự án thành phần với tổng mức đầu tư hơn 24 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông của vùng Đông Nam bộ hiện đang rất lớn. Để thực hiện, cần có thêm cơ chế huy động nguồn lực riêng để thực hiện các mục tiêu, chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước. Còn Bộ Giao thông vận tải cho biết, trước mắt trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, vùng Đông Nam bộ cần khoảng 739 nghìn tỷ đồng để đầu tư các dự án trọng điểm, mang tính liên kết vùng.

Nguyễn Đức Dũng

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.com.vn/dong-nai-dot-pha-trong-phat-trien-ha-tang-giao-thong-ket-noi-vung-387866.html
Zalo