Đồng Nai: đề nghị ngăn chặn khai thác trái phép rừng trồng phòng hộ

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai vừa công bố Kết luận thanh tra số 102/KL-TTr liên quan đến công tác quản lý, sử dụng đất đai và việc ký kết, thanh lý hợp đồng giao khoán tại Ban Quản lý rừng phòng hộ (QLRPH) Xuân Lộc.

Rừng phòng hộ tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) bị các đối tượng lén lút đốn hạ.

Rừng phòng hộ tại huyện Xuân Lộc (Đồng Nai) bị các đối tượng lén lút đốn hạ.

Cuộc thanh tra tập trung vào giai đoạn từ năm 2014 đến tháng 12/2023; việc ký kết, thanh lý hợp đồng giao khoán từ năm 1987 đến tháng 12/2023. Trong đó, tập trung vào địa bàn hành chính 2 xã Xuân Tâm và Xuân Hưng (thuộc huyện Xuân Lộc) nơi xảy ra nhiều phức tạp trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

Trong công tác quản lý, sử dụng đất lâm nghiệp

Theo kết luận thanh tra, công tác quản lý đất lâm nghiệp tại Ban QLRPH Xuân Lộc đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Toàn bộ diện tích đất lâm nghiệp được giao quản lý đều đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và cắm mốc ranh giới rõ ràng. Hơn 6.500ha đất rừng đã được giao khoán cho hơn 2.200 hộ dân để canh tác, tuân thủ đúng quy định của Nhà nước.

Thời gian qua, một số vụ vi phạm đốn hạ rừng phòng hộ Xuân Lộc được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý.

Thời gian qua, một số vụ vi phạm đốn hạ rừng phòng hộ Xuân Lộc được cơ quan chức năng kịp thời phát hiện và xử lý.

Ban QLRPH đã tổ chức trồng và chăm sóc rừng, quản lý bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng theo đúng phương án được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai phê duyệt, đạt kết quả tích cực. Thực hiện giám sát, kiểm tra, nghiệm thu, cấp phát tiền, vật tư, cây giống cho các hộ trồng rừng theo đúng dự toán, báo cáo kết quả cho Sở theo đúng quy định.

Nhiều hộ không phối hợp ký hợp đồng giao khoán

Tổng diện tích đất do Ban QLRPH Xuân Lộc được Nhà nước giao quản lý sử dụng là 10.032,01 ha (trong đó có 3,46 ha đất nông nghiệp và 10.028,55 ha đất lâm nghiệp). Diện tích đất Nhà nước giao cho Ban QLRPH Xuân Lộc quản lý, sử dụng thuộc xã Xuân Tâm là 634,88 ha, gồm đất nông nghiệp 2,39 ha, đất xây dựng trụ sở 1,07 ha, đất sản xuất lâm nghiệp 631,42 ha.

Ban QLRPH Xuân Lộc tổ chức sản xuất đất lâm nghiệp như sau: trực tiếp sản xuất 20,94 ha, liên kết trồng rừng với Công ty Cổ phần Lâm nghiệp Sài Gòn 15,39 ha. Giao khoán cho người dân sản xuất lâm nghiệp 595,06 ha; ký hợp đồng giao khoán với các hộ dân diện tích 569,06 ha với 277 hộ, chưa ký với diện tích hơn 26,03 ha với 10 hộ.

Diện tích đất Nhà nước giao cho Ban QLRPH Xuân Lộc quản lý, sử dụng thuộc xã Xuân Hưng 1.098,08 toàn bộ là đất lâm nghiệp (trong đó, Ban QLRPH trực tiếp sản xuất 125,14 ha; giao khoán cho người dân sản xuất lâm nghiệp 972,94 ha. Trong đó, đã ký hợp đồng giao khoán diện tích 901,34 ha với 214 hộ; chưa ký hợp đồng giao khoán diện tích hơn 71,60 ha với 13 hộ).

Đối với các hộ dân đang canh tác chưa ký hợp đồng giao khoán, Ban QLRPH Xuân Lộc đã nhiều lần phối hợp với địa phương vận động các hộ ký hợp đồng giao khoán theo quy định. Tuy nhiên đến nay, các hộ vẫn không phối hợp.

Kết luận thanh tra cho biết, có 111 hộ với diện tích 197 ha (chiếm 12%) về diện tích thực hiện không đúng hợp đồng, vi phạm trong công tác quản lý rừng. Trong đó có 41 trường hợp vi phạm nghiêm trọng hợp đồng khoán (vi phạm về quản lý bảo vệ rừng nhiều lần, hậu quả lớn, tự ý sang nhượng hợp đồng vi phạm không thể khắc phục hoặc hộ nhận khoán không hợp tác để khắc phục hậu quả).

Đối với 41 trường hợp vi phạm hợp đồng nghiêm trọng, Ban QLRPH Xuân Lộc đã nhiều lần mời các hộ đến để làm việc xử lý theo hợp đồng nhưng các hộ không đến. Ban QLRPH Xuân Lộc tiếp tục củng cố hồ sơ để thanh lý hợp đồng, thu hồi đất giao khoán theo quy định.

Cơ quan chức năng phát hiện và xử lý một vụ đốn hạ rừng phòng hộ Xuân Lộc.

Cơ quan chức năng phát hiện và xử lý một vụ đốn hạ rừng phòng hộ Xuân Lộc.

Có 12 trường hợp vi phạm hợp đồng rất nghiêm trọng, Ban QLRPH đã ban hành quyết định, thông báo thanh lý hợp đồng và thu hồi đất đối với 12 hộ nhận khoán, đồng thời khởi kiện ra TAND huyện Xuân Lộc 6 trường hợp (xã Xuân Tâm 5 trường hợp, Xuân Hưng 1 trường hợp). Với 6 trường hợp còn lại, Ban QLRPH tiếp tục khởi kiện ra tòa. Tuy nhiên, đến nay Ban QLRPH Xuân Lộc vẫn chưa thu hồi được đất rừng đã giao khoán.

Trong quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra đã ban hành Văn bản số 13/ĐTT ngày 10/5/2024 về việc ngăn chặn hành vi khai thác rừng trái pháp luật, đồng thời tham mưu cho Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai ban hành Văn bản số 2113/SNN-TTr ngày 10/5/2024 về việc ngăn chặn hành vi khai thác rừng trái pháp luật, gửi UBND huyện Xuân Lộc và Chi cục Kiểm lâm đề nghị ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép rừng trồng phòng hộ tại Ban QLRPH Xuân Lộc.

Chánh Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đồng Nai kiến nghị Giám đốc Sở chỉ đạo giao Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý dứt điểm đối với 31 vụ vi phạm về tự ý khai thác cây gỗ rừng phòng hộ do hộ nhận khoán tự đầu tư trồng và chăm sóc nhưng chưa được xử lý theo quy định. Đối với hơn 100 hộ canh tác chưa ký hợp đồng giao khoán thì cần vận động các hộ dân ký hợp đồng nhận khoán theo quy định pháp luật.

Xây dựng trái phép trên đất nhận khoán…

Trên lâm phận của Ban QLRPH Xuân Lộc có một số hộ dân xây dựng trái phép trên đất lâm nghiệp nhưng chưa được cơ quan chức năng xử lý triệt để. Cụ thể, từ năm 2014 đến tháng 12/2023, 2 xã Xuân Hưng và Xuân Tâm (huyện Xuân Lộc) có 37 trường hợp hộ dân xây dựng nhà, làm hàng rào quanh đất nhận khoán, làm hồ chứa nước tưới cây trồng trên đất nhận khoán (xã Xuân Tâm 27 trường hợp, xã Xuân Hưng 10 trường hợp).

Các trường hợp xây dựng trên không thông qua Ban QLRPH Xuân Lộc và đăng ký với địa phương. Một số trường hợp tự ý xây dựng không xin phép, cơi nới mở rộng hoặc sửa chữa nhà, thay đổi kết cấu nhà.

Theo Ban QLRPH Xuân Lộc, các công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp chủ yếu là những căn nhà chòi được người dân dựng lên nhằm phục vụ cư trú do các hộ đã canh tác từ lâu, không có đất ở nơi khác, nhất là các hộ dân tộc thiểu số, hoặc để cất giữ dụng cụ, phân bón, trong quá trình hoạt động sản xuất lao động trồng và giữ rừng phòng hộ.

Theo Nghị định số 168/2016/NĐ-CP ngày 27/12/2016 (có hiệu lực 17/2/2017), không có quy định cho xây dựng nhà tạm trên đất lâm nghiệp. Do đó, các trường hợp xây dựng nhà và các công trình khác trên đất lâm nghiệp, Ban QLRPH Xuân Lộc đều lập biên bản ghi nhận sự việc, yêu cầu dừng xây dựng và chuyển hồ sơ đến địa phương các xã để xem xét xử lý theo quy định. Thanh tra đề nghị chính quyền địa phương xem xét xử lý dứt điểm đổi với các trường hợp xây dựng các công trình trên đất lâm nghiệp do Ban QLRPH Xuân Lộc chuyển hồ sơ đến.

Thanh Huy

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-nai-de-nghi-ngan-chan-khai-thac-trai-phep-rung-trong-phong-ho.html
Zalo