Đồng Nai chủ động tâm thế cạnh tranh thu hút đầu tư

Trước triển vọng đầy hứa hẹn được ví như 'thỏi nam châm' thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh Đồng Nai đang tích cực xúc tiến chuẩn bị điều kiện cần và đủ để không bỏ lỡ cơ hội, môi trường thuận lợi khi sân bay Long Thành cùng hệ thống giao thông kết nối đi vào khai thác. Với những cam kết chính trị cùng nỗ lực nghiêm túc cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh, dòng vốn FDI đang tiếp tục chảy mạnh vào Đồng Nai, chất lượng các dự án nâng lên theo hướng chứa hàm lượng chất xám cao, không thâm dụng lao động, để hưởng lợi giá trị gia tăng tốt nhất.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai.

Tuy nhiên, muốn phát triển dư địa thu hút đầu tư vào tỉnh Đồng Nai còn rất lớn, bên cạnh giải pháp lãnh đạo, điều hành đổi mới, sâu sát của Đảng bộ, chính quyền địa phương, thì Đồng Nai đang rất cần sự hỗ trợ tích cực của Trung ương đối với phần việc vượt thẩm quyền. Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng đã dành thời gian trò chuyện với phóng viên Báo Nhân Dân về vấn đề này.

Dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Đồng Nai

Phóng viên: Trước hết, xin chúc mừng tỉnh Đồng Nai đã sớm vượt đích kế hoạch đề ra cho cả năm 2024 về thu hút vốn FDI. Đồng chí có thể cập nhật thông tin những số liệu cụ thể mới nhất về kết quả thu hút FDI trên địa bàn tỉnh từ đầu năm đến nay ạ?.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng: Từ đầu năm đến nay, Đồng Nai vẫn duy trì top 10 tỉnh, thành phố có thu hút FDI cao nhất cả nước, đứng vị trí thứ 7 cả nước và đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Bộ, sau tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thu hút FDI 8 tháng năm 2024 đạt 1,089 tỷ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó, cấp mới 61 dự án với tổng vốn đăng ký 640,05 triệu USD và 75 dự án tăng vốn với tổng vốn bổ sung 449,47 triệu USD, tập trung chủ yếu trong các khu công nghiệp.

Các dự án thu hút mới chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử, cơ khí chế tạo, dệt, sản xuất sản phẩm từ kim loại đúc sẵn. Các dự án đều bảo đảm các tiêu chí về công nghệ tiên tiến, phù hợp với chủ trương thu hút đầu tư của tỉnh.

Tính đến nay, Đồng Nai đã có 46 quốc gia và vùng lãnh thổ hoạt động đầu tư với 1.667 dự án vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư 34,84 tỷ USD. Các quốc gia đầu tư vào Đồng Nai tập trung chủ yếu là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Singapore,...

Dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Đồng Nai.

Dòng vốn FDI tiếp tục chảy mạnh vào Đồng Nai.

Phóng viên: Đó là thành công rất khả quan về “lượng”, thế còn chuyển biến về “chất” các dự án mới theo đúng định hướng lâu dài thu hút đầu tư có chọn lọc hướng đến tăng trưởng xanh, bền vững của tỉnh thì sao, thưa đồng chí?

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng: Tình hình thu hút FDI đạt kết quả khả quan, các dự án mới trong năm 2024 cũng chủ yếu thuộc các ngành sản xuất chất bán dẫn, linh kiện điện, điện tử; cơ khí chế tạo; dệt;… với suất đầu tư bình quân 7,8 triệu USD/ha, số lượng lao động bình quân 79 người/ha; không có dự án thuộc danh mục ngành nghề có yếu tố gây ô nhiễm môi trường, thâm dụng lao động.

Tuy nhiên chất lượng thu hút đầu tư chưa đạt được kỳ vọng, còn khiêm tốn, động lực chính vẫn từ các ngành công nghiệp thâm dụng nhiều lao động như dệt may, da giày, nội thất gỗ.... chất lượng thu hút các dự án FDI không cao. Thu hút nhiều, nhưng chủ yếu các dự án hỗn hợp, hàm lượng khoa học - công nghệ thấp, sử dụng nhiều lao động phổ thông nên giá trị gia tăng tạo ra thấp, suất đầu tư trên mỗi ha đất công nghiệp còn thấp, đóng góp vào ngân sách chưa cao, dẫn đến khả năng tụt hậu về kinh tế so với các tỉnh. Các khu công nghiệp phát triển nhanh nhưng chưa được chọn lọc, dẫn đến tình trạng quỹ đất công nghiệp không còn nhiều, khó thu hút các nhà đầu tư lớn.

Do đó, tỉnh Đồng Nai xác định cần phải thay đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều sâu, chọn lọc các nhà đầu tư có công nghệ tốt hơn, không thâm dụng lao động, nâng cao chất lượng lao động, nâng cao thu nhập cho người lao động… gắn kết hài hòa, hợp lý giữa phát triển kinh tế với văn hóa, xã hội, môi trường, chăm lo phát triển toàn diện cho con người, nâng cao chất lượng sống của nhân dân với quan điểm: Mọi kết quả phát triển kinh tế, mọi nguồn lực tạo ra trong hoạt động kinh tế đều sử dụng phục vụ cho mục tiêu chăm lo cho người dân, phát triển con người; thúc đẩy phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao, nhà ở xã hội và đặc biệt là chất lượng môi trường sống của người dân.

Trong thời gian tới, đối với các dự án đầu tư vào tỉnh Đồng Nai phải là những dự án có hàm lượng cao về công nghệ, ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn, công nghệ mới, công nghệ cao. Đồng Nai chú trọng phát triển 3 nhóm sản phẩm mũi nhọn gồm: Công nghiệp hàng không; công nghiệp bán dẫn, sản xuất chip và trí tuệ nhân tạo; thiết bị tự động hóa và thiết bị công nghệ thông tin để làm tăng giá trị gia tăng trên 1ha đất sử dụng, trên 1 công nhân lao động và trên 1 đồng vốn bỏ vào đầu tư.

Các dự án đầu tư vào Đồng Nai không được phép thâm dụng lao động; nâng cao năng suất và tăng chất lượng của người lao động; các nhà đầu tư, doanh nghiệp phải quan tâm có chính sách chăm lo, giữ chân người lao động, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề để người lao động ngày càng có chất lượng cao hơn, hội nhập được môi trường lao động quốc tế.

Bên cạnh đó, tỉnh Đồng Nai đang nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng xanh, theo đuổi mục tiêu Net zero, chọn lọc trong thu hút đầu tư với những dự án có công nghệ tốt, hàm lượng chất xám cao, những dự án thân thiện với môi trường, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân; đồng thời, xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh trong các khu công nghiệp và trung tâm logistics.

Đối với các dự án hiện hữu cũng ngày càng chú trọng công tác bảo vệ môi trường, chủ trương không phát thải là mục tiêu và chiến lược phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp nỗ lực giảm sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên đến mức thấp nhất, với nhiều giải pháp như đầu tư điện mặt trời áp mái, hệ thống lò hơi đốt bùn thải, sử dụng công nghệ tái tuần hoàn nước thải...

Đồng Nai ưu tiên các dự án hàm lượng cao về công nghệ, không thâm dụng lao động.

Đồng Nai ưu tiên các dự án hàm lượng cao về công nghệ, không thâm dụng lao động.

Sớm tháo gỡ những vướng mắc

Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những giải pháp cốt lõi tỉnh Đồng Nai triển khai thực hiện để hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư FDI có quy mô tầm cỡ sẽ tìm đến, lựa chọn nơi đây làm địa điểm “dừng chân” lý tưởng trong thời gian tới?

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng: Với tư duy đột phá, phát huy tốt các tiềm năng và lợi thế, tỉnh Đồng Nai xác định đến năm 2030 Đồng Nai trở thành tỉnh phát triển trong nhóm dẫn đầu của cả nước, đi đầu trong phát triển về kinh tế hàng không, công nghiệp hiện đại có công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; lấy sân bay Long Thành làm hạt nhân thúc đẩy phát triển kinh tế trên các lĩnh vực hạ tầng giao thông, công nghiệp, dịch vụ và logistics.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là công tác hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy nhanh kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng quy định, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý nhà nước, cung cấp dịch vụ công đảm bảo tính liên thông, đồng bộ, thống nhất nhằm thực hiện có hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên địa bàn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội và môi trường thu hút đầu tư của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh Đồng Nai tập trung triển khai thực hiện Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, qua đó công khai, minh bạch quy hoạch tỉnh, quy hoạch vùng, quy hoạch tại các địa bàn; công khai danh mục thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư, danh mục dự án đấu giá, đấu thầu, để thực hiện kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có đủ năng lực, kinh nghiệm tham gia.

Đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ liên quan đến thực hiện các dự án kết cấu hạ tầng. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế và nhu cầu thị trường lao động.

Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ, xúc tiến đầu tư ra nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm, có hiệu quả. Định kỳ, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành tỉnh, các địa phương với doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tháo gỡ kịp thời những đề xuất, kiến nghị, khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng (bên trái) trao đổi với nhà đầu tư FDI.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng (bên trái) trao đổi với nhà đầu tư FDI.

Phóng viên: Được biết, bất cập, rào cản nổi lên hiện nay khiến thu hút đầu tư vào Đồng Nai chững lại là quỹ đất còn lại đủ điều kiện cho thuê tại các khu công nghiệp hiện hữu rất ít ỏi. Trong khi đó, tiến độ thành lập các khu công nghiệp mới chưa như mong đợi. Đồng chí có chia sẻ thêm gì về việc này hay kiến nghị Trung ương?

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng: Mặc dù là tỉnh phát triển công nghiệp sớm nhất và có số lượng khu công nghiệp nhiều nhất cả nước, nhưng bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động thu hút FDI tại Đồng Nai vẫn còn một số bất cập tồn tại, trong đó đáng lưu ý là về điều kiện quỹ đất.

Hiện nay, quỹ đất công nghiệp còn lại sẵn sàng cho nhà đầu tư thuê không còn nhiều, do vướng bồi thường giải tỏa hoặc chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý để triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật. Diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê còn khoảng 210 ha, diện tích đất công nghiệp dành cho thuê còn vướng bồi thường giải tỏa và chưa hoàn chỉnh hạ tầng khoảng 827 ha. Như vậy, diện tích đất công nghiệp sẵn sàng cho thuê rất hạn chế; việc triển khai tiếp tục hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật chưa đạt yêu cầu do còn vướng bồi thường giải tỏa, lấn chiếm tại nhiều khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh; công tác triển khai xây dựng nhà ở công nhân, phát triển dịch vụ phục vụ người lao động làm việc trong các khu công nghiệp tại các địa phương còn hạn chế.

Trong khi đó, trình tự thủ tục chấp thuận chủ trương dự án đầu tư kinh doanh hạ tầng các khu công nghiệp, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án phức tạp, kéo dài, chưa đáp ứng kịp nhu cầu thuê đất của nhà đầu tư. Do thiếu quỹ đất diện tích lớn nên Đồng Nai đã để vuột mất cơ hội thu hút hàng tỷ USD đầu tư vào các khu công nghiệp trong 2 năm qua.

Thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc các sở ngành, chính quyền các huyện, thành phố đẩy nhanh tiến độ bồi thường, giải phóng mặt bằng để bàn giao đất cho chủ đầu tư các khu công nghiệp triển khai xây dựng hạ tầng và tạo quỹ đất công nghiệp để cho thuê. Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức làm việc với từng khu công nghiệp còn vướng mắc về bàn giao mặt bằng để nắm tình hình và có chỉ đạo cụ thể cho các địa phương, sở, ban, ngành nhằm thúc đẩy tháo gỡ vướng mắc cho từng khu công nghiệp. Tuy nhiên, đến nay tiến độ xử lý của các địa phương còn chậm nên quỹ đất công nghiệp chưa được bổ sung kịp thời.

Sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác giai đoạn 1 năm 2026 càng khiến Đồng Nai trở thành điểm đến của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới.

Sân bay Long Thành đang được đẩy nhanh tiến độ, đưa vào khai thác giai đoạn 1 năm 2026 càng khiến Đồng Nai trở thành điểm đến của các tập đoàn hàng đầu trên thế giới.

Tỉnh vừa được phê duyệt quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đang tiến hành hoạch định lại không gian, dành đất cho phát triển bền vững, không thu hút ồ ạt mà chọn lọc các dự án phát triển bền vững. Đồng thời, đẩy nhanh việc bồi thường giải phóng mặt bằng để mở rộng các khu công nghiệp đã được phê duyệt, khẩn trương hoàn thành hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt để thành lập các khu công nghiệp mới.

Thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp tháo gỡ các khó khăn này, đồng thời, kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành Trung ương phối hợp tháo gỡ khó khăn về kiến trúc thượng tầng, các quy định pháp luật. Tỉnh cũng sẽ rà soát lại tất cả các dự án đầu tư, kể cả khu vực được quy hoạch để đảm bảo hoạt động thu hút đầu tư.

“Thỏi nam châm” thu hút FDI

Phóng viên: Muốn xác định một chặng đường dài trong thu hút FDI thì trước hết phải có tầm nhìn, mục tiêu, lộ trình rõ ràng và điều này Đồng Nai đã làm được, thể hiện rất rõ qua bản Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 gắn với danh mục các dự án đầu tư cụ thể, công khai, minh bạch, tạo cơ hội tiếp cận bình đẳng cho các nhà đầu tư. Theo đồng chí, điều gì đang tạo nên sức hút đưa Đồng Nai trở lại giữ vững vị thế điểm sáng thu hút FDI?

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai Nguyễn Thị Hoàng: Tỉnh Đồng Nai có vị trí quan trọng trong “tứ giác” kinh tế (Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu), là điểm kết nối giao thông, vận chuyển hàng hóa giữa các địa phương nên việc phát triển hạ tầng kinh tế, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư khá lớn chủ trương đột phá phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, nhất là vốn FDI, hướng tới mục tiêu phát triển toàn diện, hiện đại, bền vững.

Điều đó góp phần đưa Đồng Nai là một trong những địa phương đứng đầu cả nước về thu ngân sách và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài bên cạnh các yếu tố, điều kiện thuận lợi khác và sự nỗ lực không ngừng trong công tác phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải cách thủ tục hành chính của các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng của địa phương.

Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là nền tảng pháp lý để Đồng Nai hướng đến mục tiêu trở thành tỉnh phát triển văn minh, hiện đại, tốc độ tăng trưởng cao, vượt qua ngưỡng thu nhập cao trong nhóm đầu của cả nước; đến năm 2050, Đồng Nai phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đi đầu trong phát triển công nghiệp công nghệ cao, có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, thông minh, hiện đại; lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải ròng bằng không...

Đồng Nai đang xây dựng các khu công nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Đồng Nai đang xây dựng các khu công nghiệp xanh, phát triển bền vững.

Tỉnh đang có những lợi thế về các tuyến đường giao thông huyết mạch, có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp và đô thị của tỉnh cũng như kết nối giao thông quốc gia và Vùng kinh tế trọng điểm phía nam. Hàng loạt công trình giao thông đã hoàn thành và đang được thi công mang lại diện mạo mới, kỳ vọng trở thành điểm nhấn trong phát triển hạ tầng kinh tế để Đồng Nai tiếp tục bứt phá.

Theo quy hoạch tỉnh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Đồng Nai có 48 khu công nghiệp, trong đó 33 khu công nghiệp đã có nhà đầu tư, tỉnh Đồng Nai đang tập trung phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để sớm tỉnh Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án khu công nghiệp để sớm có quỹ đất thu hút đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, nhất là trong các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, điện tử, bán dẫn.

Sân bay Biên hòa được Thủ tướng chấp thuận chuyển thành sân bay lưỡng dụng và đặc biệt sân bay quốc tế Long thành đang triển khai, dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn 1 vào năm 2026, sân bay Long Thành có vị trí chiến lược đặc biệt, vô cùng quan trọng không chỉ đối với cả nước mà còn là động lực mới cho phát triển đột phá của tỉnh Đồng Nai, là thỏi nam châm thu hút đầu tư vào tỉnh.

Bên cạnh đó, với chủ trương lựa chọn nhà đầu tư tốt nhất, nhà thầu tốt nhất, ý tưởng tốt nhất cho sự phát triển của tỉnh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh thông qua việc cải thiện môi trường thu hút đầu tư, trong đó phải nâng cao tính sẵn sàng trong đón tiếp, thực hiện thủ tục, phê duyệt dự án đầu tư; phải minh bạch trong tiếp cận thông tin và công tâm lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu. Lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành sẵn sàng tiếp, lắng nghe và giải quyết kịp thời những vướng mắc của doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!

THIÊN VƯƠNG

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-nai-chu-dong-tam-the-canh-tranh-thu-hut-dau-tu-post831378.html
Zalo