Động lực xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại
Tại cuộc làm việc giữa Đoàn khảo sát của Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục với Sở Văn hóa và Thể thao TP. Hồ Chí Minh về việc triển khai thực hiện Luật Điện ảnh, các đại biểu nhấn mạnh, để xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại, có khả năng cạnh tranh ở khu vực và quốc tế, Thành phố cần có kế hoạch, đề án cụ thể, phát huy thế mạnh trong phát triển điện ảnh trên địa bàn.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng: Nhiều thế mạnh phát triển điện ảnh
Luật Điện ảnh được thông qua năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 1.1.2023, đến nay cơ bản nhận được phản hồi tốt, tín hiệu tích cực. Trong đó, nhiều chính sách mới, đột phá như sản xuất phim, đào tạo nhân lực, huy động nguồn lực xã hội, chuyển quyền kịch bản phim, đầu tư cơ sở vật chất… bước đầu đã đi vào cuộc sống, đạt kết quả tích cực.
Tại TP. Hồ Chí Minh - trung tâm điện ảnh lớn của cả nước với rất nhiều cơ sở sản xuất điện ảnh, thực tiễn triển khai thi hành Luật Điện ảnh trên địa bàn cho thấy có những điểm được và cũng có điểm chưa được. Song, với những kết quả nổi bật và hoạt động cụ thể thời gian qua cho các địa phương khác những kinh nghiệm, giải pháp phát triển lĩnh vực điện ảnh.
Thời gian tới, TP. Hồ Chí Minh cần có kế hoạch, đề án cụ thể, đặc biệt nhấn mạnh về thế mạnh trong phát triển điện ảnh của thành phố. Theo đó, cần đặt mục tiêu, nhiệm vụ, phương hướng cụ thể, như sản xuất xây dựng kho kịch bản, mua phim phục vụ nhiệm vụ chính trị, ngân sách sản xuất phim, xây dựng cơ sở dữ liệu của ngành điện ảnh, tuyên truyền phổ biến pháp luật… Đồng thời, có phương án tiệm cận với kế hoạch để triển khai các quy định phù hợp với năng lực, đặc thù trên cơ sở nhu cầu thực tế, như phổ biến, phân loại cấp phép phim. Bởi, TP. Hồ Chí Minh có nhu cầu thật sự và nếu được, thì thành phố nên đi đầu trong vấn đề này.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Bùi Hoài Sơn: Tạo thương hiệu điện ảnh cho TP. Hồ Chí Minh
TP. Hồ Chí Minh là thị trường lớn nhất của điện ảnh Việt Nam, thậm chí 80% doanh thu từ điện ảnh là từ TP. Hồ Chí Minh, và hầu như tất cả phim "nổi", "hot" nhất thời gian qua đều được sản xuất tại đây. Chính vì vậy, quá trình triển khai Luật Điện ảnh tại TP. Hồ Chí Minh cũng cho thấy nhiều kết quả rõ nét hơn. Đơn cử, về Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh, Quỹ này ra đời được kỳ vọng sẽ điều tiết hoạt động điện ảnh, tạo sự đa dạng trong xu hướng sản xuất phim. Vì nếu chỉ chạy theo phim thị trường, thì nhiều dòng phim khác sẽ không có cơ hội phát triển, thậm chí có thể quay lại thời kỳ bão hòa và đình trệ như sau thời kỳ phim "mì ăn liền" trước đây. Tuy nhiên, đến nay Quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh vẫn chưa thể hoạt động đúng theo chức năng, nhiệm vụ.
Tương tự, sau 2 năm Luật Điện ảnh có hiệu lực, Hội đồng thẩm định, phân loại phim TP. Hồ Chí Minh vẫn chưa được thành lập. Trong khi thực tế TP. Hồ Chí Minh có đội ngũ lớn các nhà làm phim với sự am hiểu phim sâu và nhiều cơ chế năng động, song vẫn chưa thể thành lập Hội đồng này để có thể chủ động trong hoạt động điện ảnh. Việc thành lập Hội đồng thẩm định, phân loại phim là điểm mới, phù hợp với xu thế phát triển điện ảnh thế giới của Luật lần này với kỳ vọng sẽ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, nhất là với trung tâm điện ảnh lớn như TP. Hồ Chí Minh.
Ngoài ra, sau khi Luật Điện ảnh có hiệu lực với những chính sách cụ thể, rất nhiều đoàn phim quốc tế đã đến Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế lại không có nhiều kết quả và sản phẩm cụ thể. Dù để có thể tạo chuyển biến lớn trong 2 năm là rất khó, song kỳ vọng đặt ra là xây dựng nền điện ảnh nhanh hơn, tích cực hơn, hình thành hệ sinh thái, từ đó thúc đẩy phát triển điện ảnh cho TP. Hồ Chí Minh. Bởi, dù các doanh nghiệp, các cơ sở điện ảnh tại TP. Hồ Chí Minh rất nhiều, thậm chí có những doanh nghiệp có cơ sở vật chất đứng đầu Đông Nam Á, song nếu không liên kết với nhau thì rất khó để thúc đẩy tăng trưởng bền vững, tạo thương hiệu điện ảnh cho thành phố cũng như cạnh tranh ở tầm khu vực và quốc tế.
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh Hà Phước Thắng: Nhiềuđiều kiện thuận lợi cho điện ảnh phát triển
TP. Hồ Chí Minh đang thực hiện Chiến lược phát triển ngành công nghiệp điện ảnh theo định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020 - 2035. Chiến lược này nhằm xây dựng, phát triển thương hiệu văn hóa riêng của thành phố, đồng thời góp phần xây dựng nền công nghiệp điện ảnh hiện đại, có khả năng cạnh tranh ở khu vực và quốc tế.
Luật Điện điện ảnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1.1.2023, sau đó 7 tháng, Nghị quyết số 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh cũng có hiệu lực với rất nhiều cơ chế thí điểm đầu tiên trên cả nước. Cùng với đó, các nghị định, thông tư hướng dẫn đã góp phần tạo môi trường pháp lý thuận lợi, giúp các đơn vị hoạt động hiệu quả hơn. Đây là điều kiện thuận lợi, tạo động lực lớn cho sự phát triển của ngành điện ảnh thành phố.
Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố đã chủ động tham mưu, kết hợp với các đơn vị liên quan để định hướng cho các hoạt động liên quan đến điện ảnh cũng như ghi nhận khó khăn của các đơn vị, doanh nghiệp, hiệp hội để kịp thời phản ánh tới cơ quan có thẩm quyền. Thời gian tới, Sở Văn hóa và Thể thao Thành phố cần đẩy mạnh triển khai thực hiện các nội dung về mở rộng xã hội hóa cho các hội theo Nghị định số 126/2024/NĐ-CP quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội, đặc biệt là những hội có sử dụng kinh phí nhà nước.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 hiện nay, những đổi mới về công nghệ sản xuất, quảng bá, phát hành phim đang góp phần thay đổi cục diện của ngành điện ảnh. Song, cũng có những ảnh hưởng không nhỏ nếu không có sự quản lý, kiểm soát, định hướng. Đơn cử, cần có sự định hướng quảng cáo về phim đang công chiếu hoặc sắp được công chiếu, như phim lịch sử, phim hài hay phim thể thao... cho các đối tượng cụ thể là phụ nữ, thanh niên, học sinh, sinh viên… Việc chủ động trong tuyên truyền, định hướng là cần thiết, nhất là trên mạng xã hội, bởi TP. Hồ Chí Minh là thành phố lớn, có đầu vào trong lĩnh vực điện ảnh.