Động lực từ 'kiềng ba chân'

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) cho rằng, các doanh nghiệp đang đứng trước nhiều cơ hội phát triển trong thời kỳ mới, nhưng cần chuẩn bị kỹ nội lực để kịp thời nắm bắt.

Đường vành đai 3 TP.HCM đang được đẩy nhanh tiến độ.

Đường vành đai 3 TP.HCM đang được đẩy nhanh tiến độ.

Đánh giá của ông về tình hình hoạt động của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM nói riêng và doanh nghiệp Việt Nam nói chung trong giai đoạn vừa qua như thế nào?

Có thể thấy sự chuyển mình của cộng đồng doanh nghiệp trong từng giai đoạn là rất khác nhau. Kết thúc dịch Covid-19 là giai đoạn doanh nghiệp hồi phục nhờ những tín hiệu tốt về sức mua, thị trường trong nước và ngoài nước.

Quá trình hồi phục này kéo dài chưa được một năm thì doanh nghiệp tiếp tục gặp cú sốc từ thị trường toàn cầu, sức mua sụt giảm. Không ít quốc gia đưa ra hàng rào kỹ thuật mới khắt khe hơn như về tiêu chuẩn xanh, sản phẩm thân thiện với môi trường, phát triển bền vững...

Trong khi đó, doanh nghiệp Việt phải bước vào một cuộc cạnh tranh về giá với các quốc gia khác, khiến biên lợi nhuận rất mỏng, điều này có thể nhìn thấy tại các ngành dệt may, da giày, thủy sản... Chỉ một số ngành có lợi thế, giữ được phong độ tốt như cụm nông sản cà phê, trái cây, tiêu, sầu riêng.

Từ quý IV/2024, tình hình đã khá hơn, các đơn hàng bắt đầu quay trở lại, một số doanh nghiệp đã có được đơn hàng cho quý I và cả 6 tháng đầu năm 2025. Tuy nhiên, số lượng các đơn vị có được tình trạng tốt vẫn chỉ chiếm tỷ lệ khiêm tốn, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam có thể tiếp tục đối mặt với các thách thức trong năm 2025.

Trong các buổi gặp gỡ doanh nghiệp mà HUBA tổ chức năm qua, hẳn ông nghe được nhiều tâm tư, kỳ vọng. Đâu là những trăn trở mà các doanh nghiệp chia sẻ về môi trường kinh doanh năm 2025?

Hiện nay, bên cạnh việc phải thích ứng với những thay đổi chính sách vĩ mô của Việt Nam và thế giới, doanh nghiệp đang rất trăn trở về cuộc chiến cạnh tranh về giá với các đối thủ nước ngoài, cũng như hàng rào kỹ thuật mới, chủ yếu là các tiêu chuẩn khắt khe hơn từ các thị trường xuất khẩu. Đây đều là những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt trong nhiều năm qua, đến nay vẫn cố gắng thích ứng.

Còn ở trong nước, dù Việt Nam có nhiều cơ hội để đón nhận dòng dịch chuyển đầu tư do tình trạng xung đột, căng thẳng giữa một số nước lớn, nhưng sự chuẩn bị của chúng ta để hứng được nguồn vốn đầu tư này chưa tương xứng.

Điều này khiến các ngành sản xuất - kinh doanh truyền thống đang chững lại, nếu có tăng cũng chỉ đủ để duy trì, mà không thể tìm kiếm giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp cần hướng tới các ngành kỹ thuật cao, nhưng hạ tầng Việt Nam vẫn chưa kịp phát triển. Đơn cử, TP.HCM hiện chỉ có một khu công nghệ cao và đã kín chỗ, trong khi các doanh nghiệp muốn đầu tư vào lĩnh vực bán dẫn và vi mạch đều yêu cầu tiêu chuẩn cao và sạch.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa.

Việt Nam cũng chưa có sự chuẩn bị để thành lập các trung tâm dữ liệu lớn, vì hạ tầng chưa đáp ứng được. Nhìn vào các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước trong khối ASEAN như Malaysia, Indonesia, họ đã có sự chuẩn bị khá tốt và đón được nguồn vốn đầu tư. Đây là bài toán nan giải của Việt Nam và có nguy cơ chúng ta sẽ vuột mất cơ hội khi dòng vốn đầu tư dịch chuyển tìm đến.

Vậy nên, năm 2025, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng, TP.HCM cũng như Chính phủ sẽ có những chính sách quyết liệt hơn để thúc đẩy phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư. Song song đó là có những chính sách kịp thời để hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

Đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực tài chính có hạn nên cần có sự hỗ trợ và chia sẻ của Nhà nước để nâng cao năng lực cạnh tranh. Chỉ khi đó, chúng ta mới có khả năng xâm nhập và duy trì thị trường truyền thống, đặc biệt là thị trường công nghệ cao.

Đâu là những động lực cụ thể mà doanh nghiệp kỳ vọng trong năm nay, thưa ông?

Có ba động lực lớn sẽ hỗ trợ môi trường đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam năm 2025.

Thứ nhất, năm nay sẽ có những cơ hội và tín hiệu mới khởi sắc hơn, giúp doanh nghiệp đón đầu, nắm bắt sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư và đơn hàng trở lại với những ngành truyền thống. Vấn đề đặt ra là chúng ta sẽ nắm bắt cơ hội đó như thế nào.

Thứ hai, doanh nghiệp kỳ vọng vào những chương trình và dự án đầu tư công sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp nội địa.

Thứ ba, Việt Nam đang thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW để sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả.

Doanh nghiệp trông đợi quá trình thay đổi này sẽ diễn ra nhanh chóng để ổn định môi trường kinh doanh, đặc biệt bộ máy mới cần phát ra tín hiệu cho thấy sẽ hoạt động một cách hiệu quả theo đúng tinh thần Nghị quyết. Với việc bộ máy mới thể hiện quyết tâm cao, đây sẽ trở thành động lực rất lớn cho doanh nghiệp.

Ba động lực này có thể nói là “kiềng ba chân”, tạo ra một giai đoạn phát triển mới cho cộng đồng doanh nghiệp. Nếu chúng ta hành động nhanh chóng, thời gian doanh nghiệp nắm bắt cơ hội sẽ càng sớm, càng tốt.

Tôi hy vọng, Việt Nam sẽ giải quyết xong những vấn đề đó trong vòng 6 tháng đầu năm, từ đó tạo ra một bước phát triển mới trong 6 tháng cuối năm 2025. Nhưng cùng với đó, chúng tôi cũng trăn trở, làm sao để doanh nghiệp nắm bắt được cơ hội từ kiềng ba chân này.

Với động lực từ đầu tư công, theo ông, cơ hội dành cho các doanh nghiệp sẽ như thế nào?

Đầu tư công trong giai đoạn này sẽ đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Các năm trước, đầu tư công chỉ chiếm khoảng 30% tổng vốn đầu tư toàn xã hội, là vốn mồi cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, sang năm 2025, chúng tôi kỳ vọng, đầu tư công sẽ chiếm khoảng 50% và đầu tư xã hội là 50%, trong đó đầu tư xã hội sẽ đi theo sự kích cầu của đầu tư công.

Dễ thấy là những dự án lớn tại TP.HCM như đường sắt đô thị, cầu đường, nhà ở xã hội… đã kéo theo một loạt ngành nghề khác tăng trưởng. Đầu tư công sẽ dẫn dắt xã hội và giúp doanh nghiệp đáp ứng được các đơn hàng.

Đặc biệt, nếu đầu tư công có chiến lược tốt, chúng ta có thể kỳ vọng Nhà nước sẽ trao cơ hội thực hiện các dự án cho doanh nghiệp trong nước.

Ví dụ, với các tuyến metro, nếu như trước đây, Việt Nam sử dụng vốn ODA và phải áp dụng công nghệ của nước tài trợ vốn, thì giờ đây chúng ta có thể đầu tư bằng chính nguồn vốn của mình.

Khi đó, Việt Nam có thể chủ động trong việc chọn công nghệ mà doanh nghiệp trong nước có khả năng đáp ứng được, toàn bộ phần việc đó sẽ dành và giao cho các doanh nghiệp Việt Nam.

Tất nhiên, doanh nghiệp Việt Nam phải đấu thầu sòng phẳng, kể cả đối với doanh nghiệp nước ngoài. Theo các hiệp định thương mại hiện nay, các quốc gia được phép đầu tư vào Việt Nam, đồng nghĩa Nhà nước cũng sẽ phải trao cơ hội cho cả các đối thủ nước bạn.

Nhưng ít nhất, cơ hội dành cho doanh nghiệp Việt Nam lúc này đã được mở ra, hay nói cách khác là chúng ta sẽ nội địa hóa phần nào, đó chính là điều mà doanh nghiệp kỳ vọng nhiều nhất. Đó là công ăn việc làm cho người dân, thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.

Kỳ vọng Nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nội, nhưng các doanh nghiệp vẫn cần cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ nước ngoài. Vậy doanh nghiệp trong nước cần làm gì, chuẩn bị gì để sẵn sàng nắm bắt cơ hội, theo ông?

Không còn cách nào khác, doanh nghiệp phải tự hoàn thiện mình, nâng tầm về công nghệ và quy mô, nâng cao năng lực cạnh tranh và thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao để thích ứng với cơ chế vận hành mới và tận dụng cơ hội. Nếu doanh nghiệp không tự nâng tầm thì có thể thua ngay trên sân nhà.

Mặt khác, doanh nghiệp cũng phải nhận ra những điểm yếu của mình, tự mình lớn lên, nếu không lớn được phải cùng nhau hợp lực, chấp nhận mua bán - sáp nhập (M&A) để đưa doanh nghiệp đủ lớn, đủ sức nắm lấy các cơ hội. Tôi coi đây là một quá trình sàng lọc tự nhiên, vì cuộc chơi này không dành cho những người chơi nhỏ bé.

Tôi tin rằng, người Việt Nam nếu được ra trận, được cho cơ hội chiến đấu sẽ chiến đấu rất giỏi. Còn doanh nghiệp Việt Nam khi đặt vào các thách thức và cơ hội cọ xát thì với tinh thần xông pha mạnh mẽ sẽ ngày càng phát triển, không ngại gian khó.

Kiều Trang

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dong-luc-tu-kieng-ba-chan-post362423.html
Zalo