Động lực thúc đẩy vùng Đông Nam Bộ

Thành phố Hồ Chí Minh-Đồng Nai-Bà Rịa-Vũng Tàu được ví như tam giác, tạo thế chân kiềng và là động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội cho vùng Đông Nam Bộ thông qua các dự án phát triển kết cấu hạ tầng giao thông. Tận dụng lợi thế cùng với nguồn lực vốn có, 3 địa phương đang nỗ lực thực hiện các cơ chế, chính sách đặc thù từ Trung ương, góp phần đưa kinh tế toàn vùng tăng trưởng nhanh và bền vững hơn.

Bài 1: Hình thành các tuyến cao tốc, sân bay, cảng biển

Thời gian gần đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm quốc gia đang dần thành hình, đem lại diện mạo mới cho vùng Đông Nam Bộ. Các trục giao thông huyết mạch, chiến lược được đầu tư xây dựng đã từng bước tháo gỡ “nút thắt” về hạ tầng, góp phần kết nối các khu công nghiệp, đô thị, thúc đẩy hoạt động logistics, tạo nguồn thu cho du lịch và thương mại-dịch vụ.

Phần lớn công trình giao thông, hạ tầng kết nối vùng đều đặt mục tiêu hoàn thành, thông xe, đưa vào khai thác giai đoạn 2025-2026; trong đó, công trình Cảng hàng không quốc tế Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay quy mô lớn nhất nước ta khi đưa vào khai thác.

“Đại công trường” gấp rút thi công

Dự án thành phần 3, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu (đoạn qua tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) có chiều dài hơn 19,5 km, tổng mức đầu tư gần 5.000 tỷ đồng, đi qua thị xã Phú Mỹ và thành phố Bà Rịa. Trên công trường những ngày đầu tháng 8 này, chúng tôi đã có thể lái xe đi trên công địa đã cơ bản thảm xong lớp cấp phối đá dăm cuối cùng, chỉ chờ thảm nhựa toàn tuyến. Theo Ban Quản lý dự án giao thông khu vực cảng Cái Mép-Thị Vải, Liên danh nhà thầu (Công ty trách nhiệm hữu hạn Tập đoàn Sơn Hải, Công ty cổ phần 479 Hòa Bình và Công ty cổ phần Đầu tư và Xây dựng 703) đang đồng loạt triển khai 15 mũi thi công với khoảng 225 thiết bị và hơn 400 nhân lực, thi công “ba ca, bốn kíp” để đẩy nhanh tiến độ.

Hơn 90% diện tích mặt đường của dự án đã được rải cấp phối đá dăm lớp cuối cùng. Trên tuyến có 11 cây cầu và một hầm chui dân sinh đạt tiến độ tốt do giải phóng mặt bằng sớm và giải ngân kịp thời. Chủ đầu tư và nhà thầu cam kết thông xe kỹ thuật toàn dự án vào ngày 30/4/2025.

Ông Võ Hải, Chỉ huy công trường, đại diện Liên danh nhà thầu thi công Dự án thành phần 3, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu

Ông Võ Hải, Chỉ huy công trường, đại diện Liên danh nhà thầu cho biết: Hơn 90% diện tích mặt đường của dự án đã được rải cấp phối đá dăm lớp cuối cùng. Trên tuyến có 11 cây cầu và một hầm chui dân sinh đạt tiến độ tốt do giải phóng mặt bằng sớm và giải ngân kịp thời. Chủ đầu tư và nhà thầu cam kết thông xe kỹ thuật toàn dự án vào ngày 30/4/2025.

Trên “đại công trường” dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), đơn vị chủ đầu tư giai đoạn 1 sân bay Long Thành cho biết: Hiện có hơn 3.300 chuyên gia, kỹ sư, công nhân và hơn 1.100 trang thiết bị luôn sẵn sàng triển khai thi công liên tục.

Trong đó, hạng mục Nhà ga hành khách, được xem là “trái tim” của giai đoạn 1 sẽ hoàn thành thi công toàn bộ hạng mục kết cấu bê-tông cốt thép vào tháng 9/2024 để bắt đầu lắp dựng kết cấu thép mái. Đối với gói thầu thi công đường cất hạ cánh, sân đỗ máy bay, các nhà thầu đã huy động hơn 2.100 nhân sự và 500 thiết bị máy móc để triển khai 50 mũi thi công.

“Các hạng mục đều bám sát tiến độ đã đề ra, riêng đường cất, hạ cánh vượt tiến độ hai tháng so với kế hoạch, dự kiến sẽ về đích vào ngày 30/4/2025”, đại diện ACV cho hay.

Dự kiến sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất cả nước trong tương lai, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Không chỉ góp phần giảm tải cho sân bay Tân Sơn Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh), dự kiến sau khi hoàn thành, sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất cả nước trong tương lai, hướng tới trở thành một trong những trung tâm trung chuyển hàng không quốc tế của khu vực.

Đường kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất nước khi đưa vào khai thác. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Đường kết nối sân bay Long Thành (Đồng Nai) đang được khẩn trương đẩy nhanh tiến độ. Sân bay Long Thành sẽ đạt công suất lên đến 100 triệu hành khách/năm và trở thành sân bay lớn nhất nước khi đưa vào khai thác. Ảnh: THIÊN VƯƠNG

Theo tính toán, sân bay Long Thành sau khi hoàn thành đưa vào khai thác, năm 2030 dự kiến đóng góp khoảng 0,98% vào quy mô GDP Việt Nam, tạo ra 200.000 việc làm và có ý nghĩa lan tỏa tới tổng thể nền kinh tế-xã hội.

Dự án đường cao tốc Bến Lức-Long Thành có tổng chiều dài khoảng 58 km, đi qua ba địa phương Long An, Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai cũng đang được thi công nước rút, không kể ngày đêm.

Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý các dự án đường cao tốc phía nam thuộc Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), chủ đầu tư dự án Đặng Hữu Vị cho biết: Dự án đã đạt tiến độ 82% tại 20 gói thầu xây lắp, tương đương sản lượng đạt 12.770 tỷ đồng/15.560 tỷ đồng; trong đó, một số gói thầu chính đạt 100% khối lượng.

Hạng mục cầu Bình Khánh trên tuyến Cao tốc Bến Lức-Long Thành đạt hơn 80% tiến độ, là hạng mục thi công phức tạp của tuyến cao tốc. Ảnh: QUÝ HIỀN

Hạng mục cầu Bình Khánh trên tuyến Cao tốc Bến Lức-Long Thành đạt hơn 80% tiến độ, là hạng mục thi công phức tạp của tuyến cao tốc. Ảnh: QUÝ HIỀN

VEC và các đơn vị đang khẩn trương thi công hoàn thành các đoạn tuyến, phấn đấu thông xe kỹ thuật một số đoạn tuyến trong tháng 10/2024, trước dịp Tết Nguyên đán 2025; cuối năm 2024 thông xe các đoạn từ nút giao với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương đến nút giao với đường Nguyễn Văn Tạo và Nguyễn Hữu Thọ (Thành phố Hồ Chí Minh), từ nút giao Phước An đến nút giao Quốc lộ 51 (Đồng Nai).

“Khi hoàn thành, đường cao tốc này sẽ là tuyến giao thông huyết mạch quan trọng bậc nhất khu vực phía nam, kết nối Đông Nam Bộ-Tây Nam Bộ cũng như kết nối liên hoàn với các tuyến đường cao tốc chính như Thành phố Hồ Chí Minh-Trung Lương, Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây và Biên Hòa-Vũng Tàu”, ông Vị nhấn mạnh.

Khai thác thế mạnh hệ thống đường thủy

Thống kê của ngành Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng ùn tắc tại các cửa ngõ ra vào thành phố rất nặng nề, khó có thể đo đếm được chính xác. Hiện nay, các tuyến: Quốc lộ 1, Quốc lộ 51 cùng với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây vẫn không đủ sức “gánh” nổi lượng phương tiện lưu thông hằng ngày, nhất là tại các khu vực ra vào cảng biển, khu công nghiệp,...

Do đó, các địa phương trong vùng cần sớm điều chỉnh quy hoạch, đầu tư, mở rộng tuyến đường cao tốc hiện hữu, thực hiện dự án nút giao thông kết nối, hoàn thiện tuyến vành đai 2, vành đai 3, thi công vành đai 4..., nhằm gỡ điểm nghẽn về logistics, hoàn thiện hạ tầng giao thông liên vùng.

Theo phản ánh của bộ phận kinh doanh, Cảng quốc tế SP-ITC, thành phố Thủ Đức (Thành phố Hồ Chí Minh), thực tế hiện nay, để vận chuyển hàng hóa từ các tàu biển có tải trọng hơn 3.500 TEUs từ khu vực cảng Cái Mép (Bà Rịa-Vũng Tàu) về Thành phố Hồ Chí Minh, các doanh nghiệp đều phải chọn phương án chở bằng sà-lan về các cảng cạn ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là phương án tối ưu vì đi đường bộ sẽ “mắc cạn” bởi các tuyến quốc lộ, cao tốc đều quá tải, làm tăng chi phí xăng, dầu do tốn thời gian di chuyển.

Do đó, việc mở rộng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh-Long Thành-Dầu Giây cần được nghiên cứu triển khai càng sớm càng tốt; đồng thời, Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung phát triển Cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép-Thị Vải và xây dựng khu bến cảng Cần Giờ thật sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế.

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2021 đến nay, khi tuyến phà biển Cần Giờ-Vũng Tàu đưa vào khai thác đã có hơn 855 nghìn hành khách đi lại, cùng với đó tuyến tàu cao tốc Sài Gòn-Cần Giờ-Vũng Tàu hoạt động nhiều năm qua cũng có gần 340.000 hành khách đi lại, phần nhiều là khách du lịch trong nước và quốc tế.

Cùng với phát triển logistics thông qua hệ thống cảng biển, việc khai thác và kết nối du lịch giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Bà Rịa-Vũng Tàu thời gian qua cũng đã phát huy được tiềm năng từ lợi thế giao thông đường thủy.

Theo Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, từ năm 2021 đến nay, khi tuyến phà biển Cần Giờ-Vũng Tàu đưa vào khai thác đã có hơn 855 nghìn hành khách đi lại, cùng với đó tuyến tàu cao tốc Sài Gòn-Cần Giờ-Vũng Tàu hoạt động nhiều năm qua cũng có gần 340.000 hành khách đi lại, phần nhiều là khách du lịch trong nước và quốc tế.

Mới đây, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh có phương án đề xuất, thực hiện kết nối trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh với Cảng hàng không quốc tế Long Thành (khi đưa vào khai thác năm 2026) bằng phương tiện thủy như tàu cao tốc, phà,... Hình thức này nhằm “chia lửa” với đường bộ, góp phần giải quyết bài toán giao thông đi lại giữa Thành phố Hồ Chí Minh và Đồng Nai khi sân bay Long Thành đưa vào khai thác.

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh cũng nghiên cứu bổ sung vào quy hoạch chung tuyến đường bộ ven biển kết nối giữa Thành phố Hồ Chí Minh (qua huyện Cần Giờ) với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Tiền Giang (huyện Gò Công) nhằm hình thành hành lang kinh tế ven biển,...

(Còn nữa)

QUÝ HIỀN-THIÊN VƯƠNG-VŨ TÂN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-luc-thuc-day-vung-dong-nam-bo-post825061.html
Zalo