Động lực phát triển mới cho Khu kinh tế cửa khẩu Xa Mát
Khu kinh tế cửa khẩu (KKTCK) Xa Mát được thành lập theo Quyết định số 186/2003/QĐ-TTg ngày 11-9-2003 của Thủ tướng Chính phủ với quy mô 34.197ha, gồm 2 xã Tân Lập và Tân Bình (huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh). Nhiều năm qua, tỉnh Tây Ninh đã kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào KKTCK nhưng chưa đạt kỳ vọng đặt ra và trong năm 2024, tỉnh đã thông qua việc điều chỉnh quy hoạch trình Chính phủ phê duyệt để thu hút đầu tư vào KKTCK quốc tế.
Điều chỉnh quy hoạch
Theo đó, KKTCK Xa Mát được kỳ vọng sẽ trở thành cửa ngõ quan trọng về đường bộ ra quốc tế của tỉnh Tây Ninh, kết nối thuận lợi với TPHCM (cách 150km) thông qua Quốc lộ 22A, Quốc lộ 22B và tuyến cao tốc dự kiến hình thành Mộc Bài - Hồ Chí Minh.
KKTCK kết nối với vùng động lực thành phố Kampong Cham, thuộc Vương quốc Campuchia thông qua Quốc lộ 7, đây là hướng liên kết ngắn và thuận tiện nhất giữa vùng Đông Nam bộ (Việt Nam) với vùng phía Nam của Lào, phía Bắc của Campuchia và phía Đông của Thái Lan.
Tuy nhiên, hiện KKTCK Xa Mát chỉ có 2 kho bãi làm điểm tập kết, kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tạm thời ở biên giới của Công ty TNHH MTV Tân Hưng Cường và Công ty TNHH MTV Đồng Phước Tây Ninh đi vào hoạt động. Còn dọc Quốc lộ 22B chỉ có những điểm thu mua hàng hóa nông sản, không có bất cứ doanh nghiệp nào có quy mô hoạt động. Việc hạ tầng cơ sở chưa được quan tâm đã ảnh hưởng đến việc thu hút các doanh nghiệp nhiều nên đến đầu tư, kinh doanh.
Xác định những mục tiêu phát triển mới phù hợp với định hướng chiến lược của quốc gia, vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của tỉnh Tây Ninh, tháng 3-2024, HĐND tỉnh Tây Ninh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026 đã thông qua Nghị quyết về Nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKTCK Xa Mát đến năm 2045.
Theo đó, phạm vi nghiên cứu lập điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng KKTCK Xa Mát được giữ nguyên theo Quyết định số 186/2003/QĐ-TTg ngày 11-9-2003 của Thủ tướng Chính phủ, bao gồm tổng diện tích tự nhiên theo địa giới hành chính của hai xã Tân Lập và Tân Bình, với khoảng 34.890ha.
Việc điều chỉnh quy hoạch nhằm đưa KKTCK Xa Mát trở thành động lực tăng trưởng kinh tế của tỉnh Tây Ninh, phù hợp Chiến lược phát triển kinh tế cửa khẩu quốc gia, quy hoạch vùng Đông Nam Bộ và quy hoạch tỉnh Tây Ninh. KKTCK góp phần đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch sinh thái kết hợp phát triển công nghiệp, đô thị, xúc tiến đầu tư; nâng cấp hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng. Việc điều chỉnh quy hoạch tạo cơ sở pháp lý cho việc quản lý phát triển, tổ chức triển khai đầu tư xây dựng các khu chức năng trong khu kinh tế và hoàn thiện đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật theo quy hoạch, đảm bảo vững mạnh về an ninh - quốc phòng.
Theo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh Tây Ninh, sau khi nhiệm vụ quy hoạch chung được Bộ Xây dựng thẩm định và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đơn vị sẽ tổ chức lập đồ án điều chỉnh quy hoạch chung trình HĐND tỉnh thông qua theo quy định.
Đẩy nhanh tiến độ cao tốc Gò Dầu - Xa Mát
Năm 2022, UBND tỉnh Tây Ninh được Thủ tướng giao làm cơ quan thực hiện dự án cao tốc Gò Dầu - Xa Mát. UBND tỉnh Tây Ninh có trách nhiệm cân đối từ nguồn vốn ngân sách địa phương để tham gia đầu tư dự án; phối hợp chặt chẽ với Bộ GTVT triển khai theo đúng quy định pháp luật, bảo đảm chất lượng công trình, hiệu quả đầu tư.
Theo quy hoạch, tuyến cao tốc Gò Dầu - Xa Mát dài khoảng 65km, có quy mô 4 làn xe, đầu tư sau năm 2030. Khi hoàn thành, đây sẽ là trục giao thông kết nối hai cửa khẩu quốc tế Xa Mát, Tân Nam và nhiều cửa khẩu chính, cửa khẩu phụ với vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây phía Nam các nước tiểu vùng sông Mê Kông.
Hiện Tây Ninh đã lập xong Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án giai đoạn 1 (đoạn từ Gò Dầu - thành phố Tây Ninh) với tổng chiều dài 28km, quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh, với tổng mức đầu tư 7.500 tỷ đồng. Địa phương nghiên cứu kỹ và đưa ra nhiều kịch bản phương án tài chính theo phương thức đối tác công tư (PPP) nhưng các phương án đều không khả thi.
Mới đây, UBND tỉnh Tây Ninh kiến nghị Chính phủ, Bộ KH-ĐT thực hiện đầu tư xây dựng đường cao tốc Gò Dầu - Xa Mát (bằng nguồn vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương) trong giai đoạn 2026-2030. Sau khi hoàn thành, cao tốc Gò Dầu - Xa Mát sẽ tạo sự đồng bộ với cao tốc TPHCM - Mộc Bài, đặc biệt sẽ kết nối với phía Campuchia và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào KKTCK Xa Mát, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của Tây Ninh.