Động lực nào khiến ngành bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận quý IV đạt mức 160%?

Tăng trưởng lượng khách du lịch là nguyên nhân chính khiến cho ngành bán lẻ được kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận trong quý IV/2024 từ 150-160%. Tiếp sau đó những ngành được dự báo có kết quả kinh doanh tích cực trong quý IV và cả năm 2024 là ngành thép, logistics, xây dựng và dệt may.

Tăng trưởng lợi nhuận và lãi suất thấp là động lực cho thị trường chứng khoán Cổ phiếu ngân hàng - Kỳ vọng từ câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận Tăng trưởng lợi nhuận các doanh nghiệp kỳ vọng đạt mức 10,2 – 10,25% trong năm 2025

Trong báo cáo phân tích mới nhất từ Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco), thị trường chứng khoán đang bước vào giai đoạn sôi động với mùa công bố kết quả kinh doanh quý IV/2024. Thống kê cho thấy, VN-Index thường có xu hướng khởi sắc vào cuối tháng 12 và đầu năm mới, nhờ hàng loạt hiệu ứng tích cực, đặc biệt là sự tăng trưởng lợi nhuận từ các doanh nghiệp lớn.

Dựa trên những dấu hiệu tích cực, các chuyên gia từ Agriseco dự báo lợi nhuận toàn thị trường quý IV/2024 sẽ tăng trưởng hơn 20% so với cùng kỳ năm trước, được thúc đẩy bởi các yếu tố tích cực từ hoạt động kinh doanh của nhiều nhóm ngành.

Kết quả kinh doanh quý III và triển vọng cho quý IV/2024.

Kết quả kinh doanh quý III và triển vọng cho quý IV/2024.

Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu đang có nhiều khởi sắc, là một trong những động lực chính cho tăng trưởng lợi nhuận. Trong 11 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 715,55 tỷ USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ, trong khi nhập khẩu đạt 345,62 tỷ USD, tăng 16,4%. Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 108,9 tỷ USD, tăng 26,7%.

Mặt bằng lãi suất duy trì ở mức thấp, tiếp tục là yếu tố quan trọng giúp tiết giảm chi phí tài chính. Các chuyên gia từ Agriseco ước tính, chi phí lãi vay của các doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng đầu năm 2024 đã giảm khoảng 24% so với cùng kỳ năm trước, góp phần hỗ trợ lợi nhuận trong quý IV.

Các đối tác thương mại lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc, và Nhật Bản đều cho thấy tín hiệu khả quan, với lượng đơn đặt hàng mới gia tăng, hỗ trợ tích cực cho kết quả kinh doanh quý IV của doanh nghiệp. Đồng thời, chỉ số PMI tháng 11/2024 duy trì trên 50 điểm, phản ánh sự cải thiện trong điều kiện kinh doanh, nối tiếp xu hướng tăng trưởng từ tháng trước.

Quy mô tài sản và vốn chủ sở hữu của các doanh nghiệp niêm yết cũng là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng. Tính đến cuối quý III/2024, tổng tài sản và vốn chủ sở hữu đã tăng 15% so với cùng kỳ năm trước và gần 10% so với đầu năm. Điều này giúp doanh nghiệp mở rộng năng lực hoạt động và công suất, tận dụng đà phục hồi của nền kinh tế để cải thiện doanh thu và lợi nhuận trong quý cuối năm.

Về triển vọng các nhóm ngành, ngành bán lẻ được kỳ vọng duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý cuối năm. Lợi nhuận quý IV/2024 của ngành có thể tăng từ 150 - 180% so với cùng kỳ năm 2023, nhờ nền so sánh thấp từ năm trước và các biện pháp tái cấu trúc của doanh nghiệp giúp tiết giảm chi phí.

Bên cạnh đó, mùa cao điểm mua sắm lễ Tết và lượng khách du lịch quốc tế tăng mạnh (đạt 15,8 triệu lượt trong 11 tháng, tăng 41% so với cùng kỳ) cũng thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp bán lẻ.

Ngành thép cũng có triển vọng tích cực, với sản lượng bán hàng tăng 15-20% trong quý IV, chủ yếu nhờ nhu cầu nội địa tăng trưởng mạnh mẽ (30-40%) từ các chính sách tái thiết và đầu tư công của Chính phủ. Biên lợi nhuận gộp của ngành được cải thiện nhờ giá quặng sắt và than cốc giảm khoảng 30% so với cùng kỳ, trong khi giá bán sản phẩm chỉ giảm nhẹ 1%.

Theo phân tích của các chuyên gia, xu hướng tăng kích cỡ tàu và đầu tư mở rộng công suất cảng biển, như dự án mở rộng của Gemalink và Nam Đình Vũ, cũng tạo động lực phát triển dài hạn cho ngành logistics.

Ngành logistics tiếp tục hưởng lợi từ tăng trưởng kim ngạch xuất nhập khẩu, đạt 715,6 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm (tăng hơn 15%). Tổng sản lượng container thông qua cảng tăng gần 20%, cùng với giá cước vận tải biển duy trì ở mức cao, hỗ trợ kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp.

Ngành xây dựng được thúc đẩy bởi nhu cầu cơ sở hạ tầng tăng mạnh và giải ngân vốn đầu tư công đạt gần 411.000 tỷ đồng trong 11 tháng (54,8% kế hoạch năm). Tiến độ các dự án lớn như sân bay Long Thành và cao tốc Bắc - Nam đang vượt kế hoạch, cùng với sự hồi phục rõ nét của thị trường bất động sản, giúp cải thiện khối lượng công việc và kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp xây dựng.

Ngành dệt may cũng ghi nhận tăng trưởng tích cực trong lượng đơn hàng nhờ nhu cầu tại các thị trường xuất khẩu lớn tăng cao. Kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may trong tháng 11/2024 đạt 3 tỷ USD, tăng gần 10% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong ngành cũng tích cực mở rộng công suất để đáp ứng nhu cầu gia tăng, đồng thời hưởng lợi từ sự dịch chuyển đơn hàng từ các quốc gia như Bangladesh.

Tất cả những yếu tố trên cho thấy triển vọng tích cực cho kết quả kinh doanh quý IV/2024, đồng thời tạo nền tảng cho sự tăng trưởng bền vững trong năm 2025.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dong-luc-nao-khien-nganh-ban-le-duoc-ky-vong-tang-truong-loi-nhuan-quy-iv-dat-muc-160-167681.html
Zalo