Động lực nâng hạng thúc đẩy cải cách toàn diện thị trường chứng khoán

Dù vẫn đang trong danh sách xem xét nâng hạng, song thị trường chứng khoán Việt Nam đã ghi nhận nhiều cải thiện tích cực theo đánh giá của FTSE Russell. Các chuyên gia duy trì kỳ vọng Việt Nam sẽ có cơ hội nâng hạng từ thị trường cận biên lên mới nổi trong kỳ đánh giá tiếp theo.

Nếu được nâng hạng thị trường, Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với dòng vốn từ các quỹ đầu tư có quy mô lớn. Ảnh: Dũng Minh

Nếu được nâng hạng thị trường, Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với dòng vốn từ các quỹ đầu tư có quy mô lớn. Ảnh: Dũng Minh

Thị trường chờ cú huých nâng hạng

Trong kỳ đánh giá ngày 8/4 vừa qua, FTSE Russell tiếp tục duy trì thị trường chứng khoán Việt Nam trong danh sách xem xét nâng hạng từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi hạng 2. FTSE Russell ghi nhận cam kết liên tục của các cơ quan quản lý thị trường Việt Nam trong việc theo đuổi nhiều cải cách quy định, để tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho sự tham gia của nhà đầu tư quốc tế vào thị trường chứng khoán Việt Nam, bao gồm nâng cấp nền tảng giao dịch chính.

Theo đánh giá của ông Nguyễn Thành Trung - Tổng Giám đốc Công ty CP Đầu tư FinSuccess, trong kỳ đánh giá vừa qua, điều tích cực là FTSE Russell cũng đã ghi nhận nhiều bước tiến đáng kể và đang duy trì quan điểm tích cực đối với thị trường Việt Nam. Do đó, kỳ đánh giá tiếp theo vào tháng 9/2025 được xem là thời điểm then chốt, với kỳ vọng lớn rằng, Việt Nam có thể chính thức được nâng hạng nếu tiếp tục cải thiện theo các tiêu chí mà FTSE Russell đặt ra.

Một trong những yếu tố quan trọng được FTSE Russell đặc biệt quan tâm là việc triển khai cơ chế “non pre-funding”, tức không yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức nộp đủ tiền trước khi giao dịch.

Bên cạnh cải cách về cơ chế giao dịch, các cơ quan quản lý thị trường hiện cũng đang nỗ lực hiện đại hóa hạ tầng kỹ thuật, với điểm nhấn là hệ thống KRX dự kiến đi vào hoạt động từ ngày 5/5/2025. Ông Trung cho biết, hệ thống này không chỉ nâng cao năng lực vận hành mà còn giúp tăng cường tính minh bạch và độ tin cậy, tạo nền tảng công nghệ phù hợp với các chuẩn mực quốc tế.

Đồng thời, việc sửa đổi Luật Chứng khoán gần đây cũng đang mở đường cho việc thiết lập mô hình đối tác bù trừ trung tâm (CCP), qua đó tạo điều kiện để hoạt động thanh toán và bù trừ diễn ra chuyên nghiệp hơn, giảm thiểu rủi ro và tiến gần hơn đến thông lệ toàn cầu.

Không chỉ mang ý nghĩa về danh mục, việc nâng hạng thị trường còn mở ra nhiều cơ hội thực chất cho thị trường chứng khoán Việt Nam. Theo ông Trung, một trong những tác động lớn nhất là khả năng thu hút trở lại dòng vốn nước ngoài - vốn đã rút ròng đáng kể trong những năm gần đây. FinSuccess ước tính, có khoảng 16 quỹ đầu tư với tổng tài sản lên tới 90 tỷ USD đang theo dõi các thị trường mới nổi, trong đó Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành điểm đến nếu được nâng hạng.

Không chỉ có dòng tiền ngoại, việc nâng hạng còn giúp thị trường Việt Nam vận hành hiệu quả và minh bạch hơn, qua đó thu hút sự tham gia của các nhà đầu tư chuyên nghiệp và cá nhân trong nước. Từ đó, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững hơn về thanh khoản, độ sâu thị trường cũng như hạn chế được những rủi ro mang tính hệ thống cho nhà đầu tư khi tham gia vào thị trường chứng khoán.

Nâng hạng thị trường mở lối dòng tiền

Nhìn về triển vọng sau khi được nâng hạng, dưới góc nhìn của ông Nguyễn Thế Minh - Giám đốc Khối Nghiên cứu và phát triển, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nếu được nâng hạng trong kỳ tháng 9 năm nay, thị trường Việt Nam sẽ dễ dàng tiếp cận hơn với dòng vốn từ các quỹ đầu tư có quy mô lớn, đặc biệt là những quỹ bị giới hạn đầu tư vào các thị trường cận biên hoặc có tính đầu cơ cao như hiện nay.

“Nâng hạng sẽ giúp Việt Nam lọt vào danh mục đầu tư của các quỹ có yêu cầu cao hơn về mức độ minh bạch, tính thanh khoản và ổn định. Trong đó, đáng chú ý nhất là nhóm quỹ đầu tư thụ động, đặc biệt là các quỹ ETF - vốn có khả năng phân bổ dòng tiền quy mô lớn một cách bền vững và ổn định” - ông Minh cho biết.

Bên cạnh việc thu hút dòng vốn, theo ông Minh, nâng hạng còn góp phần làm thay đổi cấu trúc của thị trường theo hướng tích cực hơn. Khi tỷ trọng của các nhà đầu tư tổ chức gia tăng, thị trường sẽ bớt phụ thuộc vào giao dịch của nhà đầu tư cá nhân, hiện đang chiếm hơn 90% tổng giao dịch. Từ đó, biên độ dao động của thị trường cũng sẽ giảm bớt tính thất thường, giúp thị trường trở nên ổn định và chuyên nghiệp hơn.

Cùng với đó, nâng hạng còn đóng vai trò là chất xúc tác để các doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc niêm yết cổ phiếu. Trên thực tế, sự tham gia áp đảo của nhà đầu tư cá nhân trong thời gian qua đã khiến không ít doanh nghiệp e ngại niêm yết, bởi lo ngại giá cổ phiếu sẽ bị thao túng hoặc khó phản ánh đúng giá trị thực. Tuy nhiên, với sự hiện diện của các nhà đầu tư tổ chức lớn, thị trường sẽ trở nên hấp dẫn hơn, từ đó tạo động lực để các doanh nghiệp xem thị trường chứng khoán là một kênh huy động vốn hiệu quả, thay vì phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng ngân hàng.

“Ở góc độ vĩ mô, việc nâng hạng thị trường chứng khoán và qua đó thúc đẩy sự phát triển của thị trường vốn còn góp phần cải thiện cấu trúc đòn bẩy của nền kinh tế. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào vốn vay từ hệ thống ngân hàng, việc chuyển dịch dần sang kênh huy động vốn qua thị trường chứng khoán sẽ giúp phân bổ lại nguồn lực tài chính, giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng và tăng tính bền vững cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn” - ông Minh nhận định.

Kỳ vọng nâng hạng trong kỳ tháng 9/2025

Theo thống kê của FinSuccess, trong lịch sử 17 năm theo dõi các kỳ nâng hạng của FTSE Russell, có tới 21/25 lần nâng hạng đối với 19 quốc gia được công bố vào tháng 9 hàng năm, chiếm tỷ lệ áp đảo so với các kỳ còn lại. Chỉ có 4 trường hợp được công bố vào tháng 3 trong giai đoạn 2008 - 2024. Điều này càng củng cố thêm kỳ vọng rằng tháng 9 tới sẽ là thời điểm “vàng” cho thị trường chứng khoán Việt Nam nếu các điều kiện được cải thiện kịp thời và hiệu quả.

Thu Hương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/dong-luc-nang-hang-thuc-day-cai-cach-toan-dien-thi-truong-chung-khoan-174828-174828.html
Zalo