Động lực giúp nhiều hộ nghèo dân tộc Mông vươn lên

Qua một năm triển khai 'Dự án liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H'Mông' trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo động lực giúp nhiều hộ dân tộc Mông có điều kiện vươn lên thoát nghèo và làm giàu.

Cán bộ thú y xã Đông Thọ (Sơn Dương) kiểm tra, hướng dẫn những hộ dân tộc Mông ở thôn Tân An đã được hỗ trợ bò giống cách phòng bệnh cho vật nuôi.

Cán bộ thú y xã Đông Thọ (Sơn Dương) kiểm tra, hướng dẫn những hộ dân tộc Mông ở thôn Tân An đã được hỗ trợ bò giống cách phòng bệnh cho vật nuôi.

Nhằm huy động thêm nguồn lực phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Tuyên Quang đã chủ động báo cáo Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam hỗ trợ thực hiện “Dự án liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông.

Dự án triển khai tại các xã Yên Lâm, Yên Phú, Minh Hương (Hàm Yên), Trung Minh, Hùng Lợi (Yên Sơn) và Đông Thọ (Sơn Dương) với kinh phí 5 tỷ đồng từ nguồn thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, dự án hỗ trợ bò giống cho 100 hộ nghèo và cận nghèo dân tộc Mông ở các xã trên (mỗi hộ được hỗ trợ 2 con bò giống, trong đó một số còn nhận được cả bê con).

Trước khi trao bò giống cho các hộ, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã phối hợp với Hợp tác xã Nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành (đơn vị chủ trì dự án liên kết) đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi và hướng dẫn quản lý đàn bò thuộc chuỗi giá trị cho cán bộ MTTQ xã, công chức văn hóa, thú y xã, các hộ dân tộc Mông được thụ hưởng từ dự án. Đến năm 2025, khi kết thúc dự án, các hộ có trách nhiệm trả lại dự án 50% giá trị được hỗ trợ ban đầu. Phía đơn vị chủ trì dự án liên kết chịu trách nhiệm quản lý, hỗ trợ chăm sóc bò, tiêu thụ các sản phẩm bò H’Mông cho các gia đình.

Kết quả đáng mừng là sau một năm triển khai, đến nay tổng đàn bò trong dự án đã tăng lên 305 con (tăng 82 con so với số bò và bê con giao ban đầu), trong đó có 76 con bò đã chửa. Các gia đình được hỗ trợ bò cái sinh sản đều nuôi nhốt chuồng, kết hợp chăn thả, tích cực trồng thêm cỏ voi, trồng chuối, tận dụng những sản phẩm phụ như cám ngô, cám gạo để bổ sung thêm thức ăn, nguồn dưỡng chất cho bò phát triển tốt.

Là một trong 25 chủ hộ dân tộc Mông ở thôn Tân An, xã Đông Thọ được hỗ trợ bò giống từ dự án, anh Ngô Văn Kinh vui mừng cho biết: "Vui nhất là cặp bò giống của gia đình đã đẻ được 2 con bê con, trong đó có 1 con bò mẹ đã chửa lứa mới. Chịu khó nuôi thêm vài năm nữa đàn bò của gia đình sẽ tăng đến chục con, giúp tạo nguồn thu nhập đáng kể”.

Theo đồng chí Lê Ngọc Tân, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, mục tiêu của dự án nhằm hỗ trợ, tạo động lực giúp nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo là đồng bào dân tộc Mông có thêm việc làm, tăng thu nhập sớm vươn lên thoát nghèo bền vững. Từ nguồn lực hỗ trợ con giống, kiến thức giúp bà con thay đổi nhận thức, áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào chăn nuôi mang lại hiệu quả.

Đa số những con bò giao tới tay được bà con chăm sóc chỉ sau thời gian đã thay đổi rõ rệt, bò phát triển tốt. Dự án liên kết hỗ trợ sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò H’Mông hứa hẹn sẽ giúp bà con được hưởng lợi có cơ hội thoát nghèo và vươn lên làm giàu, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương.

Bài, ảnh: Lý Thịnh

Nguồn Tuyên Quang: http://baotuyenquang.com.vn/dong-luc-giup-nhieu-ho-ngheo-dan-toc-mong-vuon-len-194902.html
Zalo