Động lực giải ngân đại dự án
Kết quả giải ngân vốn đầu tư trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tại Bộ Xây dựng chưa như kỳ vọng đang để lại những lo lắng nhất định cho cả chủ đầu tư lẫn lãnh đạo bộ này.
Được biết, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công tính đến 30/4/2025 của Bộ Xây dựng mới đạt khoảng 13.201 tỷ đồng, bằng 15,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và tương đương mức giải ngân bình quân chung cả nước (khoảng 15,56%). Song so với kế hoạch đăng ký giải ngân hằng tháng của các chủ đầu tư, thì lũy kế giải ngân của Bộ Xây dựng chỉ đạt khoảng 78,1%, chậm giải ngân khoảng 3.694 tỷ đồng. So với kết quả giải ngân cùng kỳ năm trước, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công trong 4 tháng đầu năm 2025 cũng thấp hơn khoảng 5%.
Đây là mối quan ngại không nhỏ, bởi trong nhiều năm nay, các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm luôn có tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn 5 - 10% so mặt bằng chung của cả nước. Điều đáng nói là tháng 4 vừa qua là tháng về đích của nhiều dự án lớn, về lý thuyết nhu cầu giải ngân sẽ phải tăng mạnh nhưng ngay cả việc giải ngân theo kế hoạch đăng ký trong tháng (chưa kể phần phải giải ngân bù do chậm các tháng trước) cũng chưa đạt và còn thấp hơn cả kết quả giải ngân tháng 3.
Ở chiều ngược lại, có ý kiến cho rằng, việc nhiều nhà thầu và chủ đầu tư trong thời gian qua phải dồn toàn bộ nhân lực ra hiện trường để kịp hoàn thành, thông xe các tuyến cao tốc trong dịp lễ 30/4 -1/5 vừa qua đã khiến khối lượng hoàn thành chưa kịp làm thủ tục nghiệm thu, thanh toán rất lớn và là nguyên nhân cơ bản khiến khối lượng giải ngân chưa đạt yêu cầu. Có thể kiểm chứng nhận định này qua kết quả giải ngân trong tháng 5/2025, khi các nhà thầu xây lắp, tư vấn và chủ đầu tư “rảnh tay” hơn để tập trung hoàn thành công tác nội nghiệp, đẩy nhanh khối lượng thanh toán tồn ra khỏi hệ thống Kho bạc Nhà nước.
Mặc dù vậy, những bước xuất phát chưa như kỳ vọng tại các dự án trọng điểm nói trên đã và đang tạo lại áp lực rất lớn cho Bộ Xây dựng - đầu tàu giải ngân vốn đầu tư công cả nước. Để hoàn thành kế hoạch được giao, bình quân mỗi tháng còn lại trong năm 2025, các chủ đầu tư sử dụng vốn của Bộ Xây dựng sẽ phải giải ngân tối thiểu 10.226 tỷ đồng, xấp xỉ khối lượng vốn được giải ngân trong 4 tháng đầu năm 2025.
Chính vì vậy, cùng với việc sớm giải quyết tình trạng “dồn toa” khối lượng hoàn thành chưa giải ngân; xử lý dứt điểm các vướng mắc về mặt bằng, vật liệu tại các dự án đường cao tốc, lãnh đạo các chủ đầu tư của Bộ Xây dựng phải xác định giải ngân vốn đầu tư công là một nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu, cần phải tập trung ưu tiên lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện theo đúng tinh thần chỉ đạo tại Công điện số 60/CĐ – TTg, ngày 9/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, để thực hiện bằng được “mệnh lệnh” của người đứng đầu Chính phủ về việc không đổi mục tiêu với các dự án trọng điểm giao thông - vận tải, Bộ Xây dựng và các địa phương được giao chủ quản đầu tư phải hoạt động tích cực, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ vướng mắc cho các dự án, "lao tâm khổ tứ" như với công việc của chính mình.
Có nghĩa, các chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu cần bám sát đường găng tiến độ, bảo đảm tiến độ, nâng cao chất lượng, không để đội vốn, không để lãng phí; các địa phương phải phát huy hơn nữa trách nhiệm, nỗ lực, phát huy tinh thần tự hào, tự lực, tự cường vươn lên, dám làm, dám chịu trách nhiệm… Bên cạnh đó, phải quán triệt tinh thần "tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả". Trong mọi trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, trở ngại, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chủ quản, chủ đầu tư, các nhà thầu, các lực lượng tham gia dự án cần đồng tâm, hiệp lực, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", "quyết tâm cao nhất, chủ động sáng tạo, dám nghĩ dám làm", "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện", làm việc nào dứt việc đó, làm việc nào ra việc đó.
Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc phân công phải bảo đảm 6 rõ: "rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền"; để "dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ đôn đốc". Đặc biệt, phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; có chế tài xử lý nghiêm theo quy định các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý các hành vi tiêu cự, tham nhũng, lãng phí trong đầu tư công; thi công bê trễ, thiếu trách nhiệm trong giải ngân.
Với khối lượng vốn đầu tư công rất lớn (lên tới 95.014 tỷ đồng), lại chủ yếu nằm ở các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, đặc biệt là đường cao tốc, nên việc hoàn thành kế hoạch giải ngân vốn ngân sách Trung ương năm 2025 được Chính phủ giao Bộ Xây dựng sẽ vừa là kết quả, vừa là động lực để thực hiện mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm nay. Đây cũng là nỗ lực nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong năm 2025 của cả nước.