Động lực để phát triển đất nước

Quá trình thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động hiệu lực, hiệu quả đang nhận được sự quan tâm lớn của toàn xã hội, trong đó đại đa số cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân đồng tình và quyết tâm thực hiện với mong muốn đưa đất nước ngày càng phát triển. Báo Quân đội nhân dân chia sẻ một số ý kiến xung quanh nội dung này.

Ông NGUYỄN TÚC, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam:

Tinh gọn bộ máy vì sự phát triển của đất nước

Tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị Việt Nam được thiết kế từ nhiều chục năm trước để thực hiện sứ mệnh, nhiệm vụ trong giai đoạn kháng chiến và thực hiện cải tạo xã hội chủ nghĩa. Trải qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đến nay bộ máy đang bộc lộ những bất cập trước đòi hỏi của thực tiễn.

Thực tế hiện nay, khoảng 70% ngân sách của Nhà nước dành để trả lương, chi thường xuyên, phục vụ cho bộ máy hoạt động, nhưng mang lại hiệu quả không cao vì chồng chéo, cồng kềnh, từ đó tác động không tốt đến sự phát triển kinh tế. Nếu cứ duy trì tỷ lệ chi trả lương ngân sách như thế thì khó có kinh phí để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là các lĩnh vực đang đòi hỏi nguồn vốn lớn như điện hạt nhân, đường sắt cao tốc, đường sắt đô thị cũng như các công trình phát triển kinh tế, xã hội ở các vùng miền.

Chính vì vậy, việc tinh giản làm cho bộ máy gọn hơn, hoạt động hiệu quả hơn không chỉ là yêu cầu cấp thiết của Đảng mà còn là mong muốn của toàn thể nhân dân, làm sao để bộ máy đó sát dân, vì dân, phục vụ lợi ích của nhân dân và sự phát triển của đất nước.

Nút giao Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và một góc thành phố Hà Nội (ảnh chụp ngày 4-10-2024). Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY

Nút giao Trung Hòa (quận Cầu Giấy) và một góc thành phố Hà Nội (ảnh chụp ngày 4-10-2024). Ảnh: NGUYỄN TUẤN HUY

Trong những nhiệm kỳ qua, mặc dù Đảng ta đã ban hành nhiều nghị quyết về sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tuy nhiên quá trình thực hiện vẫn chưa được như kỳ vọng. Bộ máy các cơ quan Nhà nước từ Trung ương đến địa phương còn trùng lặp chức năng, nhiệm vụ dẫn đến một việc nhưng có khi phải qua nhiều cơ quan giải quyết, tới khi xảy ra vấn đề lại không rõ trách nhiệm, thậm chí là đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, điều này làm ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của người dân, doanh nghiệp. Vậy nên, với quyết tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện cải cách tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế lần này sẽ tạo động lực để đất nước phát triển trong những năm tới đây.

Tuy nhiên, trong quá trình sắp xếp tinh gọn bộ máy, chúng ta cần nghiên cứu kỹ, tránh sắp xếp mang tính cơ học, việc sắp xếp phải gắn với thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức. Bên cạnh đó, khi triển khai tinh giản biên chế cũng cần kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tránh tình trạng tiêu cực, mà phải thực sự lựa chọn được những người có tài, có đức, có tâm, có tầm để phục vụ đất nước, phục vụ nhân dân.

----------

Đồng chí PHẠM VĂN THIỀU, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu:

Góp phần tiết kiệm cho ngân sách nhà nước

Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” và các nghị quyết, kế hoạch của Tỉnh ủy, thời gian qua, UBND tỉnh Bạc Liêu đã thực hiện thí điểm việc sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh. Sau thời gian thực hiện việc sắp xếp, tỉnh Bạc Liêu đã giảm được 3 cơ quan chuyên môn, 43 phòng và tương đương.

Năm 2024, toàn tỉnh còn 14.614 biên chế hành chính, sự nghiệp, giảm 2.730 biên chế so với năm 2017 (biên chế hành chính giảm 204 biên chế, biên chế sự nghiệp giảm 2.526 biên chế). Trong công tác sắp xếp, tổ chức lại tổ chức bộ máy các cơ quan, đơn vị được thực hiện đồng bộ gắn với việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức bảo đảm tính kế thừa, ổn định, tinh gọn, quản lý đa ngành, đa lĩnh vực đã góp phần tiết kiệm chi trả lương, chi tiêu thường xuyên cho ngân sách nhà nước.

Trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh Bạc Liêu sẽ tiếp tục hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh và UBND cấp huyện bảo đảm tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, tổ chức đánh giá phân loại công chức, viên chức đúng với kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công; có biện pháp đồng bộ để tinh giản biên chế đối với những cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ, không đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, không đạt yêu cầu tiêu chuẩn quy định về phẩm chất, năng lực, trình độ đào tạo, sức khỏe...

----------

Đồng chí LƯƠNG THỊ NHƯ HOA, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Sơn La:

Tinh giản biên chế để tạo sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ

Ngay sau khi Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25-10-2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII được ban hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sơn La đã tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt tới các tổ chức đảng, đơn vị trực thuộc và cán bộ, đảng viên trong toàn tỉnh.

Trong quá trình thực hiện, từng cấp, từng ngành trong tỉnh đã triển khai, tổ chức thực hiện đồng bộ, quyết liệt, khoa học, chặt chẽ, có trọng tâm, trọng điểm, lộ trình bước đi phù hợp với nhiều cách làm hay, sáng tạo, phát huy vai trò từng địa phương, cơ quan, đơn vị, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ trong thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy tinh, gọn, hiệu quả, xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Thực hiện theo Quyết định số 557/QĐ-UBND ngày 14-4-2023 của UBND tỉnh Sơn La cũng xác định, đến năm 2026, toàn tỉnh thực hiện tinh giản ít nhất 5% biên chế công chức trong cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện (tương ứng giảm 114 công chức); thực hiện tinh giản ít nhất 10% số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập so với năm 2022, tương ứng giảm 2.777 người; giảm 144 cán bộ, công chức cấp xã so với năm 2022.

Tại các đơn vị cơ sở, việc sắp xếp thu gọn đầu mối tổ chức, sáp nhập các bản, tiểu khu, tổ dân phố đã làm cho bộ máy gọn nhẹ hơn, tránh chồng chéo, giảm phiền hà cho người dân. Việc chuyển các đơn vị sự nghiệp sang cơ chế tự chủ đã tạo ra sự cạnh tranh về chất lượng phục vụ, giảm gánh nặng chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước cho các đơn vị sự nghiệp công lập.

----------

Đồng chí LÒ VĂN NGUYÊN (Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Mường Thín, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên):

Sẵn sàng nghỉ sớm vì sự phát triển của đất nước

Tôi là một trong những nhân sự khối hành chính cấp xã thuộc diện nghỉ hưu trước tuổi với lý do: “Trong năm trước liền kề xếp loại chất lượng ở mức hoàn thành nhiệm vụ, cá nhân tự nguyện thực hiện tinh giản biên chế và được cơ quan trực tiếp quản lý đồng ý”. Với hơn 39 năm công tác tại địa phương, qua nhiều vị trí công tác như: Bí thư Đoàn xã, Trưởng công an xã, Phó bí thư Thường trực Đảng ủy xã, Bí thư Đảng ủy xã, tôi sẽ được trợ cấp 138 triệu đồng sau khi nghỉ sớm từ ngày 1-1-2025.

Theo đánh giá tiêu chuẩn mới, tôi nhận thấy mình chưa bảo đảm về điều kiện tiêu chuẩn theo chuyên môn nghiệp vụ, vì vậy, tôi đã chủ động tự nguyện tinh giản biên chế theo Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Thiết nghĩ, việc nhân sự nằm trong diện tinh giản biên chế được hỗ trợ kể cả ít hay nhiều đều là chính sách đúng đắn và nhân văn của Đảng, Nhà nước. Bên cạnh việc giúp ổn định tư tưởng, sự hỗ trợ này còn tạo điều kiện để tôi và gia đình có thể đầu tư vào các hoạt động sản xuất như chăn nuôi, trồng trọt, góp phần nâng cao đời sống kinh tế gia đình.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dong-luc-de-phat-trien-dat-nuoc-809533
Zalo