Động lực để Huế phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa

Nhất trí việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Huế, các đại biểu Quốc hội đề xuất nhiều giải pháp nhằm thực hiện thành công Đề án. Trong đó, cần làm rõ các giải pháp đồng bộ về cơ chế, chính sách để phát huy cao nhất tiềm năng, nguồn lực của thành phố Huế và của Trung ương cho đầu tư phát triển.

Xem xét thỏa đáng việc đào tạo nghề chuyển đổi cho người dân

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, theo đánh giá của các ĐBQH, một mặt ghi nhận sự nỗ lực, cố gắng của tỉnh Thừa Thiên Huế đã đạt được những tiêu chí cần thiết của một thành phố trực thuộc Trung ương, mặt khác cũng tạo thêm điều kiện, động lực để Huế phát triển nhanh và mạnh mẽ hơn nữa, đóng góp vào sự phát triển chung của cả nước.

Các đại biểu cũng nhận thấy, Chính phủ trình Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế là phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Huế, kế thừa trọn vẹn các di sản lịch sử, văn hóa phong phú, đa dạng và có quy mô rất lớn mà Cố đô Huế đang sở hữu.

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Tuy nhiên, vì thành phố Huế mang những đặc trưng rất riêng biệt so với các địa phương khác, các đô thị khác trong cả nước, ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, để phát triển mạnh mẽ thì việc cá nhân hóa, tối ưu hóa các đặc trưng riêng phải được coi là "trục cơ bản" xuyên suốt quá trình phát triển của thành phố Huế trực thuộc Trung ương, không cần thiết phải liệt kê đầy đủ, đồng đều các lĩnh vực phát triển khác như những đô thị khác cũng như các thành phố trực thuộc Trung ương khác.

Nhấn mạnh cả hệ thống chính trị cần có giải pháp để giải quyết các tác động tiêu cực phát sinh khi chuyển thành đô thị trực thuộc Trung ương, ĐBQH Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) nêu rõ, việc kết nối du lịch giữa thành phố Huế với các địa phương khác và các quốc gia khác trong khu vực cũng rất cần được quan tâm, đẩy mạnh. Trước mắt, cần tập trung nguồn lực để trùng tu, tôn tạo nhiều hạng mục, công trình trong Quần thể di tích Cố đô Huế, coi đây là ưu tiên hàng đầu để phát triển kinh tế. Hiện nay vẫn còn rất nhiều công trình, hạng mục trong quần thể chưa được phục dựng, trùng tu, tôn tạo và điều này cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tính toàn vẹn của Quần thể di tích Cố đô Huế.

 Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Trịnh Thị Tú Anh (Lâm Đồng) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Cùng với việc giải quyết tốt mâu thuẫn phát sinh trong quá trình đô thị hóa để giữ gìn cảnh quan, môi sinh, di sản, di tích, các đại biểu mong muốn có sự xem xét thỏa đáng việc đào tạo nghề chuyển đổi cho người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, khu vực miền núi, người dân là người dân tộc thiểu số. Trong đó, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga lưu ý, cần đặc biệt chú trọng đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ và du lịch với Quần thể di tích Cố đô Huế và gia tài di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể.

Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh cho rằng, cần quan tâm đến tâm tư, nguyện vọng của người dân bao đời gắn liền với gia đình, dòng tộc; khó khăn trong công tác giải quyết thủ tục hành chính khi phát sinh phải kê khai thay đổi địa chỉ, thay đổi giấy tờ cá nhân, đồng bộ dữ liệu.

Chính quyền thành phố cần vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, xây dựng cơ chế phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương nhằm phát triển kinh tế tăng trưởng theo hướng xanh và bền vững. “Đây không chỉ là mục tiêu trước mắt mà còn là chiến lược lâu dài với trọng tâm chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ công nghiệp, nông nghiệp sang dịch vụ công nghiệp, nông nghiệp, cộng với nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của khu vực kinh tế năng động”, đại biểu Trịnh Thị Tú Anh nói.

Xác định rõ các giải pháp, kế hoạch thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ

Lưu tâm đến mục tiêu tới năm 2030 thành phố Huế trực thuộc Trung ương trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, ĐBQH Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) chỉ rõ, điều này đặt ra yêu cầu phải bảo đảm sớm thực hiện các chính sách đổi mới khoa học công nghệ hướng tới phát triển xanh, đáp ứng mục tiêu đề ra tại các chiến lược về chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ sạch đã được Đảng, Nhà nước ban hành trong thời gian qua.

 Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Đại biểu Quốc hội Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) phát biểu. Ảnh: Quang Khánh

Trong khi đó, hiện nay, tiềm lực khoa học công nghệ của Thừa Thiên Huế cũng còn hạn chế, hạ tầng khoa học công nghệ chưa đủ mạnh, chưa sẵn sàng để tiếp nhận và thu hút các nguồn đầu tư từ bên ngoài. Tính liên kết của các thiết chế khoa học công nghệ còn yếu và thiếu, cơ sở vật chất hạ tầng và nhân lực chất lượng cao về khoa học công nghệ chưa ngang tầm, đặc biệt là khu công nghệ cao chưa được hình thành để thu hút và giữ chân các nhà đầu tư.

Do vậy, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh đề nghị, trong Đề án cần xác định rõ hơn các giải pháp, phương hướng, kế hoạch để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Cụ thể, làm rõ hơn những quan điểm, mục tiêu, các đột phá trong xây dựng chiến lược phát triển khoa học công nghệ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thừa Thiên Huế phù hợp với bối cảnh chung của cả nước và thế giới. Ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ nhanh chóng các ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến của thế giới, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội.

Đồng thời, chú trọng nghiên cứu cơ bản, định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt mà Thừa Thiên Huế có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế. Tăng cường đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư cho khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo cùng với đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao; thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, nhất là các nguồn lực hợp tác quốc tế, sớm hình thành khu công nghệ cao tại địa phương.

Việc phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách địa phương chưa cao phần nào cũng sẽ tạo áp lực đối với thành phố trong giai đoạn đầu. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng đề nghị, Đề án cần làm rõ các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế và chính sách để phát huy cao nhất tiềm năng, nguồn lực của thành phố và của Trung ương cho đầu tư phát triển. Theo đó, chú trọng các giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp vừa và nhỏ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư theo phương thức hợp tác công tư trong phát triển hạ tầng.

Trong phát biểu kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, ngay sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết của Quốc hội về thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ ban hành Nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các điều kiện bảo đảm để thực hiện thành công Nghị quyết. Sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, hoàn thiện dự thảo Nghị quyết với chất lượng cao nhất để trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối Kỳ họp thứ Tám này.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dong-luc-de-hue-phat-trien-nhanh-va-manh-me-hon-nua-post397044.html
Zalo