Động lực cho thị trường chứng khoán trung và dài hạn

Mặc dù rủi ro chiến tranh thương mại vẫn còn là mối lo ngại, song, theo nhiều chuyên gia, các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam dự kiến sẽ là nền tảng vững chắc cho triển vọng trung và dài hạn của thị trường chứng khoán.

Định giá thị trường thấp hơn trung bình 3 năm

Đầu tháng 4/2025, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCK) đã trải qua một đợt điều chỉnh mạnh và đột ngột, lấy đi thành quả tăng điểm từ đầu năm chỉ trong vài phiên giao dịch. Nguyên nhân chính đến từ việc căng thẳng thuế quan mà Hoa Kỳ dự kiến áp lên nhiều quốc gia.

Tuy nhiên, tâm lý nhà đầu tư đã được xoa dịu phần nào vào ngày 10/4, khi Hoa Kỳ tuyên bố hoãn áp thuế trong 90 ngày và điều chỉnh mức thuế xuống còn 10%, nhằm mở ra cơ hội đàm phán với các quốc gia bị ảnh hưởng. Dù vậy, chỉ số thị trường vẫn đang dao động trong vùng giá thấp tương đối so với giai đoạn đầu năm.

Định giá thị trường thấp hơn trung bình 3 năm (Ảnh minh họa: KT)

Định giá thị trường thấp hơn trung bình 3 năm (Ảnh minh họa: KT)

Các chuyên gia của Công ty chứng khoán KIS sử dụng hệ số P/E để so sánh mức định giá hiện tại với quá khứ. Theo đó, P/E hiện tại đang ở mức 9,5 lần, thấp hơn đáng kể so với trung bình 3 năm (11,3 lần) và 5 năm (12,9 lần). Đây là mức tương đương với giai đoạn khủng hoảng do Covid -19 năm 2020 và giai đoạn thị trường trái phiếu gặp vấn đề năm 2022, cho thấy thị trường đang bị định giá rẻ so với tiềm năng tăng trưởng.

Ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng Công ty Chứng khoán Sài Gòn cho rằng, mức thuế đối ứng của Mỹ đối với Việt Nam sẽ không kéo dài, mà có thể sớm được đàm phán xuống mức thấp hơn. So với định giá ở thời điểm chiến tranh thương mại năm 2018, P/E ở mức 23 - 24 lần, thì nay chỉ bằng một nửa.

“Những thông tin như thế này có thể được các nhà đầu tư tổ chức dùng để đánh giá lại vị thế của họ tại thị trường Việt Nam, có thể sẽ theo chiều hướng tốt”, ông Phạm Lưu Hưng nói.

Theo ông Hưng, hiện tại, nhà đầu tư trên toàn thế giới có lẽ đang tạm đặt câu chuyện tăng trưởng sang một bên và tìm đến các cổ phiếu giá trị trong khi chờ đợi các vấn đề ổn định trở lại. Giá trị ở đây liên quan định giá thấp, doanh thu ổn định bất kể kinh tế biến động.

Nhiều yếu tố nội tại hỗ trợ mang tính trung và dài hạn

Theo nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Mirae Asset, mặc dù rủi ro chiến tranh thương mại vẫn còn là mối lo ngại, các động lực tăng trưởng nội tại của Việt Nam dự kiến sẽ là nền tảng vững chắc cho triển vọng trung và dài hạn của thị trường chứng khoán.

Những yếu tố hỗ trợ bao gồm trọng tâm của Chính phủ vào tăng trưởng GDP được củng cố thông qua giải ngân đầu tư công, cải thiện môi trường kinh doanh và tăng tốc đầu tư khu vực tư nhân, cải thiện xu hướng tiêu dùng nội địa, cùng với kỳ vọng mới về khả năng nâng hạng thị trường trong bối cảnh VN-Index hiện đang giao dịch ở vùng dưới một lần độ lệch chuẩn so với mức P/E bình quân 10 năm.

Ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI)

Trong ngắn hạn, thị trường chứng khoán sẽ còn duy trì tâm lý tích cực nhờ “cú hích” thông tin, đặc biệt khi nhà đầu tư đã thoát khỏi trạng thái hoảng loạn của các phiên bán tháo trước đó. Tuy nhiên, xu hướng dài hạn sẽ phụ thuộc rất lớn vào kết quả các cuộc đàm phán thương mại giữa Việt Nam và Mỹ trong 90 ngày tới. Bên cạnh đó, ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI) cho rằng, dù thuế suất cao gây khó khăn, nhưng tác động thực sự đến doanh nghiệp cần thời gian để phản ánh vào kết quả kinh doanh.

Mặt khác, có nhiều ngành ít bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế quan và có triển vọng tốt, chẳng hạn như: bán lẻ, công nghệ, ngân hàng và tiêu dùng nội địa có thể là lựa chọn an toàn hơn.

“Thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn còn nhiều yếu tố nội tại hỗ trợ mang tính dài hạn như: kỳ vọng tăng trưởng kinh tế cao, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân, đẩy mạnh đầu tư công, duy trì mặt bằng lãi suất thấp, sự hồi phục của doanh nghiệp… Bên cạnh đó, thị trường vẫn đang kỳ vọng lớn vào khả năng nâng hạng trong thời gian tới và sự vận hành chính thức của hệ thống KRX…”, ông Đỗ Bảo Ngọc đánh giá.

Cùng quan điểm, bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Nghiên cứu, Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cũng cho rằng, nền tảng kinh tế vĩ mô vững chắc, chính sách hỗ trợ tích cực, các nút thắt pháp lý được tháo gỡ, môi trường lãi suất thấp kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết trên nền thấp của cùng kỳ năm ngoái vẫn là các yếu tố bảo đảm cho sự tăng trưởng của chỉ số VN-Index trong năm 2025. Bên cạnh đó, Việt Nam đang tiến gần hơn đến cơ hội được tham gia vào nhóm các thị trường chứng khoán mới nổi của FTSE trong năm 2025 cũng như MSCI trong năm 2026.

Với điểm tựa trên, bà Trần Thị Khánh Hiền đưa ra nhận định, các nhóm ngành như bất động sản dân cư, ngân hàng, điện, thép, xây dựng hạ tầng, dầu khí thượng nguồn sẽ ít chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế đối ứng. Bên cạnh đó, đợt giảm mạnh vừa qua đã đưa định giá một số cổ phiếu đầu ngành công nghệ, thực phẩm tiêu dùng xuống vùng định giá hấp dẫn để tích lũy.

Chính sách thuế quan mới của chính quyền Trump sẽ có tác động đáng kể đến viễn cảnh tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong dài hạn. Do vậy, việc ưu tiên quản trị danh mục nên được đặt lên hàng đầu.

“Nhà đầu tư có thể tận dụng các đợt phục hồi của thị trường để giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy và cơ cấu danh mục đầu tư. Đối với nhà đầu tư đang nắm giữ tỷ lệ tiền mặt cao, nhịp điều chỉnh hiện tại của thị trường là cơ hội để tích lũy cổ phiếu của các doanh nghiệp đầu ngành mà hoạt động kinh doanh không phụ thuộc quá nhiều vào xuất nhập khẩu”, chuyên gia của MBS khuyến nghị.

Diệp Diệp/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/thi-truong/chung-khoan/dong-luc-cho-thi-truong-chung-khoan-trung-va-dai-han-post1195064.vov
Zalo