Động lực cho phát triển bền vững
Các chính sách về tôn giáo, dân tộc luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước nhằm thu hút nguồn lực phát triển đất nước, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng và bền vững.
Trong thời khắc lịch sử chuẩn bị những bước quan trọng cho thời kỳ phát triển mới của đất nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã luôn nhắc nhở về mục tiêu cao nhất của việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là tạo ra những động lực mới, hiệu năng mới cho việc phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, phát huy cao nhất các quyền con người.
Nhìn lại chặng đường gần 95 năm bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cho thấy, thực hiện các chính sách về tôn giáo, dân tộc luôn là một trong những ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước Việt Nam nhằm thu hút nguồn lực phát triển đất nước, đồng thời bảo đảm sự bình đẳng và bền vững.

Nữ thanh niên dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo ở tỉnh Hà Giang. Trong ảnh: Chị Cháng Thị Chẳm giới thiệu về sản phẩm giò làm từ thịt lợn đen của gia đình. (Ảnh: Lê An)
1. Thu hẹp khoảng cách phát triển và bảo vệ môi trường, không gian sống của đồng bào dân tộc. Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình một lần nữa khẳng định, chiến lược của Đảng và Nhà nước Việt Nam tập trung vào việc phát triển toàn diện, nhanh chóng và bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Mục tiêu là khai thác tiềm năng và phát huy lợi thế so sánh của các vùng này, đồng thời bảo vệ môi trường và không gian sống của đồng bào...
Thực tế trong hơn một thập kỷ qua, Đảng và Nhà nước đã thực hiện nhiều chính sách quan trọng liên quan đến công tác dân tộc. Cụ thể như Nghị định số 05/2011 ngày 14/1/2011 của Chính phủ đã thiết lập một khung pháp lý quan trọng với 12 nhóm chính sách trong các lĩnh vực kinh tế, văn hóa xã hội, quốc phòng và an ninh.
Ngoài ra, Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020 cùng các chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đã cụ thể hóa các nghị quyết của Đảng, nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và củng cố công tác dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa, hướng đến phát triển bền vững cho các vùng đồng bào dân tộc thiểu số…
Đặc biệt, ngày 20/11/2018, Quốc hội khóa XIV đã thông qua Nghị quyết số 74/2018/QH14, giao Chính phủ xây dựng Đề án Tổng thể đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với các vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Đến ngày 14/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 1719/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030.
Các chủ trương và chính sách của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp ủy và tổ chức Đảng về công tác dân tộc, đặc biệt tại các vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân đã được cải thiện đáng kể so với trước thời kỳ đổi mới, bao gồm các lĩnh vực như: ăn, ở, mặc, đi lại, học tập, chăm sóc sức khỏe và truyền thông. Khối đại đoàn kết dân tộc ngày càng được củng cố và tăng cường, các dân tộc tôn trọng, đoàn kết và hỗ trợ nhau trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo thông tin mới nhất từ Bộ Dân tộc và Tôn giáo, tốc độ tăng trưởng kinh tế các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đạt khá cao. Trong đó, các tỉnh vùng Tây Bắc tăng bình quân 8%/năm, Tây Nguyên tăng 7,5%/năm, Tây Nam Bộ tăng 7%/năm.
Đến nay, 98,4% xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số có đường ô tô đến trung tâm, 96,7% hộ dân tộc thiểu số được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% xã có trường tiểu học và trung học cơ sở; 99,7% xã có trường mầm non, mẫu giáo; 99,3 % xã có trạm y tế; gần 100% số xã có nhà văn hóa hoặc điểm bưu điện văn hóa...
Ngành sản xuất, đặc biệt là nông nghiệp, đã phát triển mạnh với sự hình thành các vùng chuyên canh và sản xuất hàng hóa chủ lực như cà phê, hồ tiêu, chè, và cao su. Tỷ lệ giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên cả nước bình quân đạt 3,7%/năm, ở một số nơi, giảm tới 5% mỗi năm.

Để học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được tới trường trong niềm hạnh phúc lấp lánh. (Nguồn: chinhphu.vn)
Tình trạng mù chữ cơ bản đã được xóa bỏ, và phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được tập trung thực hiện. Công tác y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân đã được cải thiện, với sự phát triển cả về mạng lưới, trang thiết bị và đội ngũ y tế. Hệ thống y tế dự phòng cũng được đầu tư và phát triển, góp phần nâng cao ý thức phòng chống bệnh tật của người dân và ngăn ngừa dịch bệnh lớn.
Văn hóa các dân tộc thiểu số tiếp tục được gìn giữ và phát huy. Các thiết chế văn hóa cơ sở được củng cố, kết hợp với phong trào xây dựng văn hóa mới, và hạ tầng kỹ thuật phát thanh, truyền hình, thông tin liên lạc được đầu tư. Một số di sản văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đã được UNESCO công nhận là Di sản quốc gia.
Mặc dù đã đạt được nhiều thành tựu tích cực, nhưng công tác phát triển vùng đồng bào dân tộc còn nhiều tồn tại, đã được trung ương và địa phương nhìn nhận thấu đáo và tìm giải pháp khắc phục, bảo đảm duy trì hiệu quả lâu dài cũng như bảo đảm công bằng và bình đẳng đối với mọi đối tượng, kịp thời điều chỉnh chính sách để phù hợp với thực tiễn và yêu cầu mới.
2. Tư duy cởi mở về tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được ghi nhận ở trong cả 5 bản Hiến pháp của nước ta. Hiến pháp năm 2013 đã thể hiện tinh thần nhân văn và sự tiệm cận với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người khi thay thế từ “Công dân” bằng “Mọi người” nhằm bảo đảm rằng không chỉ công dân Việt Nam mà cả người nước ngoài, người không có quốc tịch, và ngay cả những người đang thi hành án phạt tù cũng được hưởng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo một cách công bằng. Sự thay đổi này phản ánh tư duy cởi mở và phù hợp với bối cảnh Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng vào cộng đồng quốc tế.

Nhà thờ Cửa Bắc trên phố Phan Đình Phùng, Hà Nội điểm hành lễ quen thuộc của người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. (Ảnh: Trung Hiếu)
Nhà thờ Cửa Bắc, một trong những nhà thờ đẹp nhất tại Hà Nội, xây dựng ở Cửa Bắc thành Thăng Long vào năm 1931-1932, lâu nay đã trở thành điểm hành lễ quen thuộc của người nước ngoài sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam. Họ đến nhà thờ hành lễ cùng cả gia đình, nhiều cặp vợ chồng trẻ còn mang theo con còn đang ẵm ngửa. Cuộc sống và sinh hoạt tín ngưỡng, tôn giáo của họ không có gì khác biệt so với nơi họ sinh ra.
Các hoạt động hành lễ của các tín đồ tôn giáo dù là tôn giáo nào trong số 16 tôn giáo được Nhà nước công nhận và cấp đăng ký hoạt động (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài hay Hồi giáo, Baha’I, Tịnh độ Cư sĩ Phật hội Việt Nam, Cơ đốc Phục Lâm, Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Minh sư đạo, Minh lý đạo - Tam tông miếu, Bà La Môn giáo, Giáo hội Các thánh hữu ngày sau của Chúa Giê su Ky tô, Bửu Sơn Kỳ Hương, Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn), đều được tôn trọng và bảo đảm an ninh, an toàn.
Vì thế, Việt Nam đã trở thành điểm đến, là ngôi nhà thứ hai của nhiều người nước ngoài đến từ nhiều quốc gia trên thế giới. Như lời của mục sư Bob Roberts, Chủ tịch Viện Liên kết Toàn toàn cầu (IGE - Mỹ): “Khi vợ chồng tôi lái xe quanh các đường phố Hà Nội vào ban đêm trong những ngày chuẩn bị cho lễ Giáng Sinh, chúng tôi rất thích thú trước những ánh đèn được trang trí lung linh. Khung cảnh này với tôi giống như ở nhà vậy”.
Bảo vệ quyền con người, phát triển con người, xây dựng chính sách tạo cơ hội bình đẳng trong phát triển và thụ hưởng thành quả phát triển cho mọi người dân luôn là quan điểm xuyên suốt trong mọi đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; là vấn đề mang tính toàn dân, toàn diện của Việt Nam và mang tính toàn cầu. Trong tất cả những quyền cơ bản của con người đó có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo.
Văn kiện Đại hội lần thứ XIII của Đảng một lần nữa nhấn mạnh: “Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”. Đó là quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng từ ngày thành lập cho đến nay, khẳng định đồng bào tôn giáo là bộ phận của khối đại đoàn kết dân tộc, các giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của đồng bào các tôn giáo đã, đang và sẽ được đánh thức, khơi dậy và phát huy một cách cao độ vào sự nghiệp cách mạng chung của đất nước, hướng đến mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế, phát huy vai trò tích cực tại nhiều tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng.
Đấy là thành quả của công cuộc đổi mới, tận dụng mọi nguồn lực để phát triển, phát huy được tối đa sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.