Bản tin chính sách kinh doanh tuần 30/2025
Trong tuần qua, nhiều chính sách kinh tế đáng chú ý đã được Chính phủ ban hành. Đồng thời, các hiệp hội ngành nghề và cơ quan chuyên môn cũng đưa ra những đề xuất quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp và cải thiện môi trường kinh doanh.
Đề xuất mới về quản lý thuế hộ kinh doanh từ năm 2026
Bộ Tài chính vừa công bố đề xuất cải cách quản lý thuế đối với hộ và cá nhân kinh doanh, dự kiến áp dụng từ năm 2026 theo Dự án Luật Quản lý thuế (thay thế). Theo đó, cơ chế khoán thuế hiện hành sẽ được xóa bỏ, thay bằng hình thức tự khai - tự nộp thuế, tính theo tỷ lệ phần trăm trên doanh thu, đồng bộ với Luật Thuế GTGT và Luật Thuế TNCN.
Từ năm 2026, hộ kinh doanh có doanh thu từ 200 triệu đến dưới 1 tỷ đồng/năm phải sử dụng hóa đơn điện tử. Trường hợp từ 1 tỷ đồng trở lên, bắt buộc sử dụng hóa đơn điện tử có mã và áp dụng chế độ kế toán đơn giản. Riêng bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng phải khởi tạo hóa đơn từ máy tính tiền kết nối cơ quan thuế, áp dụng từ 1/6/2025.

Đáng chú ý, từ 1/1/2027, quy định này sẽ áp dụng cho nhóm có doanh thu từ 800 triệu đồng/năm trở lên, và từ 1/1/2028, mở rộng cho nhóm dưới 800 triệu đồng nhưng thuộc diện chịu thuế GTGT.
Cải cách này nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, minh bạch tài chính, tạo điều kiện để hộ kinh doanh phát triển thành doanh nghiệp chính thức.
Doanh nghiệp viễn thông bắt buộc gỡ thông tin vi phạm trong vòng 24 giờ
Bộ Công anđang lấy ý kiến Dự thảo Luật An ninh mạng (sửa đổi), hợp nhất từ Luật An toàn thông tin mạng (2015) và Luật An ninh mạng (2018), với mục tiêu hoàn thiện hành lang pháp lý và nâng cao hiệu quả quản lý an ninh mạng.
Điểm đáng chú ý là các doanh nghiệp viễn thông, Internet và dịch vụ số hoạt động tại Việt Nam, kể cả doanh nghiệp nước ngoài, sẽ phải gỡ bỏ thông tin, dịch vụ hoặc ứng dụng vi phạm trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ cơ quan chức năng.

Ngoài ra, các doanh nghiệp có trách nhiệm xác thực thông tin người dùng khi đăng ký tài khoản, cung cấp dữ liệu người dùng khi được yêu cầu và lưu trữ nhật ký hệ thống để phục vụ điều tra.
Dự luật được xây dựng trong bối cảnh an ninh mạng Việt Nam đối mặt với hàng nghìn vụ tấn công mỗi năm, trong đó có nhiều vụ nhắm vào cơ quan nhà nước, doanh nghiệp trọng yếu và dữ liệu mật.
Dự thảo sẽ được Chính phủ trình Quốc hội khóa XV xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 10, dự kiến cuối năm 2025. Đây là chính sách có ảnh hưởng trực tiếp tới hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp trong lĩnh vực viễn thông và số hóa.
Đề nghị không cắt giảm tiền lương khác khi tăng lương tối thiểu
Bộ Nội vụ đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng theo tháng và theo giờ, áp dụng từ ngày 1/1/2026. Mức tăng trung bình khoảng 7,2%, với lương tối thiểu tháng dao động từ 3,7 đến 5,31 triệu đồng tùy theo vùng, và mức theo giờ từ 17.800 đến 25.500 đồng/giờ.
Đáng chú ý, doanh nghiệp không được cắt giảm hoặc xóa bỏ các chế độ, khoản lương đã được quy định như lương làm thêm giờ, lương làm việc ban đêm, phụ cấp bằng hiện vật… khi thực hiện điều chỉnh theo mức lương tối thiểu mới.

Các khoản thỏa thuận trong hợp đồng hoặc thỏa ước tập thể mang lại lợi ích cao hơn cho người lao động, như mức lương cao hơn tối thiểu 7% đối với lao động đã qua đào tạo, vẫn tiếp tục áp dụng trừ khi có thỏa thuận mới.
Mức lương tối thiểu vùng được xác định theo địa bàn nơi doanh nghiệp hoạt động. Trong trường hợp có nhiều chi nhánh tại các vùng khác nhau, mỗi chi nhánh phải áp dụng mức tương ứng. Nếu địa bàn mới được tách nhập, tạm thời áp dụng mức lương cũ hoặc mức cao hơn trong các vùng liên quan.
Bộ Tài chính đề xuất áp thuế 0,1% đối với giao dịch tài sản số
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), trong đó đề xuất đưa tài sản số, bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa vào diện chịu thuế. Giao dịch tài sản số sẽ bị áp thuế 0,1% trên giá trị chuyển nhượng từng lần, tương tự như với chứng khoán, nếu thực hiện qua sàn giao dịch minh bạch và hoạt động thường xuyên.
Luật Công nghiệp công nghệ số, có hiệu lực từ ngày 1/1/2026, lần đầu tiên công nhận tài sản số là tài sản hợp pháp, tạo cơ sở để áp dụng nghĩa vụ thuế. Theo Bộ Tài chính, đây là bước đi phù hợp trong bối cảnh hơn 20% dân số Việt Nam đã sở hữu tài sản mã hóa.

Ngoài ra, dự thảo cũng mở rộng thuế TNCN với các khoản “thu nhập khác” như: chuyển nhượng tên miền quốc gia, tín chỉ carbon, trái phiếu xanh, và biển số xe trúng đấu giá. Các khoản này sẽ chịu thuế suất 5% trên phần thu nhập vượt 10 triệu đồng mỗi giao dịch.
Đề xuất cho thấy định hướng tăng cường quản lý thị trường tài sản số, đảm bảo minh bạch và công bằng trong nghĩa vụ thuế đối với các hoạt động kinh doanh kỹ thuật số.
Đề xuất áp thuế 20% trên lãi bán chứng khoán hàng năm
Bộ Tài chính đang lấy ý kiến cho Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi), trong đó đề xuất đánh thuế 20% trên phần lãi ròng từ hoạt động chuyển nhượng chứng khoán của cá nhân cư trú, thay thế mức thuế cố định 0,1% hiện hành. Thu nhập tính thuế là phần chênh lệch dương giữa giá bán, trừ giá mua và chi phí hợp lý phát sinh trong năm. Người nộp thuế sẽ thực hiện quyết toán hàng năm.
Trường hợp không xác định được giá vốn hoặc chi phí, thuế sẽ tính theo mức 0,1% trên giá trị giao dịch như hiện nay. Với các giao dịch chuyển nhượng vốn không qua sàn, dự thảo cũng áp dụng thuế 20% trên lãi ròng, hoặc 2% trên tổng giá trị chuyển nhượng nếu không xác định được giá vốn.

Đề xuất mới được đánh giá là tiệm cận thông lệ quốc tế, đảm bảo nguyên tắc thuế công bằng và phản ánh đúng bản chất thu nhập đầu tư. Tuy nhiên, việc triển khai đòi hỏi cơ chế quản lý minh bạch, hỗ trợ giám sát thu nhập và quyết toán thuế hiệu quả.
Chính sách này sẽ tác động trực tiếp đến nhà đầu tư cá nhân và thị trường chứng khoán trong thời gian tới.