Dòng hồi ức của những cựu binh về thời khắc tiến vào giải phóng Sài Gòn

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng trong ký ức của những cựu chiến binh từng tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, những ngày tháng hào hùng của mùa Xuân năm 1975 vẫn như mới hôm qua. Những khoảnh khắc oanh liệt, từng bước hành quân, từng trận đánh đã khắc sâu thành miền ký ức sống động, không thể phai mờ.

Các thành viên tổ lái xe tăng 390 kể về hồi ức đánh chiếm Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. (Ảnh THẾ ANH)

Các thành viên tổ lái xe tăng 390 kể về hồi ức đánh chiếm Dinh Độc Lập vào ngày 30/4/1975. (Ảnh THẾ ANH)

Trong những ngày tháng Tư lịch sử, được gặp lại đồng đội đã từng kề vai, sát cánh trên chiếc xe tăng mang số hiệu 390 húc đổ cổng Dinh Độc Lập, tạo nên hình ảnh biểu tượng của Đại thắng mùa Xuân 1975. Một cảm xúc bồi hồi, xúc động pha lẫn tự hào chợt ùa về trong tâm trí ba người lính già Vũ Đăng Toàn, Nguyễn Văn Tập và Ngô Sĩ Nguyên, thuộc Lữ đoàn 203, Binh chủng Tăng thiết giáp. Những chiến sĩ trong chiếc xe tăng 390 huyền thoại góp phần làm nên chiến thắng 50 năm trước.

Cựu binh Vũ Đăng Toàn, Chính trị viên Đại đội 4, Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn 203, Binh chủng Tăng thiết giáp, người chỉ huy xe tăng 390 vẫn nhớ như in từng khoảnh khắc ngày đầu tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, tiến công giải phóng miền nam.

Theo hướng tấn công đông nam, khi đến cầu Sài Gòn, nơi địch phòng thủ kiên cố, quyết liệt, Ban chỉ huy Đại đội 4 đã hội ý chớp nhoáng và quyết định, bất kỳ giá nào cũng phải tổ chức vượt cầu giành thắng lợi, tiến vào mục tiêu mà cấp trên đã giao là Dinh Độc Lập. Ngay sau đó, lực lượng quân giải phóng đã chọc thủng tuyến phòng thủ này, tiến vào nội đô. Ông Toàn kể: “Đại đội của tôi có 8 xe vào trong nội đô chiến đấu. Có lẽ lịch sử cũng sắp đặt, hai chiếc xe đầu tiên tiến vào Dinh Độc Lập lại là xe tăng 390 của Chính trị viên và xe tăng 384 của Đại đội trưởng. Khi thấy xe 384 của Đại đội trưởng Bùi Quang Thận dừng lại, lái xe Nguyễn Văn Tập hỏi ý kiến tôi: Giờ như thế nào anh Toàn? Tôi liền nói: Tông thẳng vào!”.

Tiếp nối mạch cảm xúc đầy tự hào, cựu binh Nguyễn Văn Tập, người trực tiếp lái xe tăng 390 kể lại, lúc đó mọi thứ diễn ra nhanh chóng. Ngay khi nhận được mệnh lệnh khẩn cấp và chính xác từ chỉ huy, ông Tập đã nhanh tay đánh lái sang phải, lấy đường căn chính xác rồi nhấn ga lao đến húc tung cánh cổng, chiếm tiền sảnh của Dinh Độc Lập.

“Khi xe tôi vào rồi, tôi thấy Đại đội trưởng Bùi Quang Thận nhảy ra khỏi xe tăng 384 ở phía sau, nhanh chóng chạy bộ lao vào dinh. Tôi cho đây là hành động rất dũng cảm. Vì dù sao chúng tôi còn ngồi trên xe là có sự bảo vệ tốt hơn anh ấy chạy bộ bên dưới. Và anh ấy là người đầu tiên cắm cờ quân giải phóng trên nóc Dinh Độc Lập. Thời khắc chiếm xong Dinh Độc Lập thì nhiều người dân đổ ra đường ăn mừng giải phóng. Chúng tôi thì chỉ biết ôm nhau cùng hô: Chiến thắng rồi, chiến thắng rồi!”, ông Tập xúc động cho biết.

Để có được độc lập, tự do, thống nhất non sông, biết bao thế hệ cha anh đã không tiếc máu xương chiến đấu kiên cường, lập nên những chiến công hiển hách. Trong những trang sử hào hùng ấy, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chính là dấu ấn vĩ đại, là đỉnh cao của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Những ngày tháng lịch sử đó, hình ảnh những chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã in sâu trong tâm trí của mỗi người dân, là biểu tượng của sự quả cảm, sự hy sinh cao đẹp vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh, Thượng tướng Nguyễn Huy Hiệu, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng khi đó là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 27, Sư đoàn 320B, thuộc Quân đoàn 1. Ông kể lại kỷ niệm mang tính bước ngoặt giúp cho việc tiến quân được nhanh hơn. Khi tập trung quân ở Đồng Xoài chuẩn bị tiến về Sài Gòn, lúc đó đơn vị nhận được mệnh lệnh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp: Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút, xốc tới mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. Ngay lập tức mọi người bừng dậy, quên hết mệt nhọc, tiếp tục cuộc hành quân suốt 12 ngày đêm.

Đến đêm ngày 25, rạng sáng 26/4 toàn trung đoàn tập kết cách Tân Uyên 5 km. Sáng 26/4, đơn vị bắt đầu tiến công bằng bộ binh cơ giới và nhanh chóng giải phóng Tân Uyên, bắt tù binh dẫn đường cho quân giải phóng tiếp tục tiến quân qua Bình Chuẩn.

Thượng tướng Hiệu nhớ lại: “Theo quy định hiệp đồng tác chiến của mặt trận, ký hiệu dùng để nhận diện nhau là nếu nói “Hồ Chí Minh muôn năm” ba lần mà được đáp lại “Muôn năm”, thì đó là cơ sở cách mạng nằm vùng. Đêm 29/4, khi ở cách Lái Thiêu 10 km, phát hiện căn nhà lá đơn sơ có ánh đèn lúc sáng, lúc mờ, tôi nhận định đây có thể là cơ sở của chúng ta nên cho trinh sát vào hô Hồ Chí Minh ba lần, lát sau có bà má ra mở cửa đáp lại: Muôn năm. Xác định đúng là cơ sở, tôi vào nhà thưa với má: Con là chỉ huy quân giải phóng miền nam, ngày mai chúng con có nhiệm vụ đánh chiếm Lái Thiêu, chiếm cầu Vĩnh Bình và đánh vào Bộ Tư lệnh Thiết giáp quân ngụy ở Gò Vấp. Má có thông tin thì cung cấp cho chúng con.

Má nhìn bản đồ chỉ huy của tôi và nói: Má không rành bản đồ này. Sau đó liền vào trong lấy ra tấm bản đồ khác, tôi thấy má ghi chú rất kỹ và chữ rất đẹp. Má chỉ cách đây 2 km có trại quân với khoảng 2.000 sĩ quan. Ngày mai tiến công vào, các con không cần đánh, chỉ kêu hàng là được. Và sau đó phải nhanh chóng đánh chiếm Lái Thiêu và cầu Vĩnh Bình thật nhanh vì nếu không chiếm được cầu Vĩnh Bình, các con không thể vào được Sài Gòn bằng cơ giới”.

Khoảng 4 giờ 30 phút ngày 30/4, Trung đoàn 27 bắt đầu tiến công bằng cơ giới đánh qua Lái Thiêu, bắn cháy nhiều xe tăng của địch và tiếp tục đánh chiếm cầu Vĩnh Bình. Đúng như thông tin từ cơ sở cung cấp, cầu Vĩnh Bình có dây thép gai chằng chịt và thùng phuy đựng cát để cản bước tiến của quân ta nên trung đoàn phải đánh thật nhanh. Đến khoảng 9 giờ đã chiếm được cầu Vĩnh Bình. Đến khoảng 10 giờ, Trung đoàn 27 chiếm được Bộ Tư lệnh Thiết giáp của quân ngụy ở Gò Vấp và chiếm tiếp 13 căn cứ lục quân, công sở, tiếp quản Tổng y viện cộng hòa, từ đó góp phần làm nên Chiến thắng mùa Xuân 1975.

50 năm sau thời khắc lịch sử ấy, quãng thời gian đủ dài để một thế hệ mới lớn lên, trưởng thành trong hòa bình, công cuộc hội nhập, phát triển của đất nước. Riêng với những người đã trực tiếp cầm súng chiến đấu, những dấu ấn của 50 năm trước vẫn vẹn nguyên trong tâm trí như mới vừa hôm qua. Mỗi câu chuyện, mỗi dòng ký ức chia sẻ chân thành, cảm động của những anh hùng, tướng lĩnh, cựu chiến binh từng xông pha nơi tuyến lửa là bản hùng ca vẻ vang của dân tộc, để đất nước được nở hoa độc lập, kết trái hòa bình, tự do.

Như Trung tướng Trương Thiên Tô, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã khẳng định, mỗi câu chuyện được viết nên bởi người lính Cụ Hồ trong Chiến thắng 30/4 lịch sử là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, thể hiện cho ý chí quật cường, lòng yêu nước, sức mạnh của dân tộc Việt Nam về khát vọng hòa bình, độc lập, tự do, thống nhất non sông và không một thế lực nào có thể khuất phục. Đây cũng là mệnh lệnh nhắc nhở thế hệ hôm nay không ngừng học tập, rèn luyện, cống hiến, xứng đáng với sự hy sinh và thành quả cách mạng của thế hệ cha anh để lại ■

NHẬT THÀNH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/dong-hoi-uc-cua-nhung-cuu-binh-ve-thoi-khac-tien-vao-giai-phong-sai-gon-post874257.html
Zalo