Đồng hành với trường vùng khó
Các trường học vùng Tây Nguyên đã chủ động huy động nguồn lực sửa chữa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học trước thềm năm học mới...
Xã hội đồng lòng
Mấy ngày qua, cô Nguyễn Thị Lý - giáo viên Trường Tiểu học - THCS xã Ya Xiêr (huyện Sa Thầy, Kon Tum) tận dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết kêu gọi nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ sửa sang khuôn viên, cơ sở vật chất nhà trường trước khi bước vào năm học mới.
Cô Lý có hàng chục năm làm thiện nguyện, mang nhiều phần quà ý nghĩa đến học sinh và người dân vùng khó. Những phần quà như quần áo, sách vở, nhu yếu phẩm… tuy giá trị vật chất không nhiều nhưng đã giúp học sinh nghèo có thêm điều kiện đến trường.
Năm học 2023 - 2024, khi mới về giảng dạy tại Trường Tiểu học - THCS xã Ya Xiêr, cô Lý huy động được 1 chiếc tivi, 50 bao xi măng… giúp trường sửa chữa và tăng cường thiết bị dạy học. Đồng thời, mỗi tuần 2 buổi, cô Lý tranh thủ đến trường sớm để phát bữa sáng cho học trò. Hôm thì bánh mì, khi là xôi, bánh bao… đã giúp hàng trăm trẻ vùng cao no bụng để con chữ được thắp sáng.
Chuẩn bị cho năm học 2024 - 2025, cô Lý kêu gọi nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ kinh phí, nguyên vật liệu để nâng cấp điểm trường làng Rắc, Trường Tiểu học – THCS xã Ya Xiêr. Điểm trường cần sửa sang lại sân, cổng… đồng thời học sinh thiếu vở viết và sách giáo khoa.
“Mong rằng các nhà hảo tâm chung tay hỗ trợ để học sinh có điều kiện tốt nhất khi đến trường. Từ đó, trẻ vùng khó được học tập trong môi trường tốt nhất, giúp phát huy năng khiếu, sở trường bản thân”, cô Lý tâm sự.
Thầy Lê Xuân Quang - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS xã Ya Xiêr cho biết, những năm qua, ngoài sự quan tâm, đầu tư của các cấp, chính quyền, nhà trường chủ động kêu gọi xã hội hóa để sửa chữa trường học khang trang hơn. Cùng đó, ban giám hiệu nhà trường, giáo viên chung tay, trích một phần kinh phí chỉnh trang lại khuôn viên nhằm thu hút học sinh đến lớp vào đầu năm học mới.
Ở huyện biên giới Ia H’Drai (Kon Tum), những năm qua nhờ sự quan tâm của sở GD&ĐT, UBND huyện… Trường Tiểu học - THCS Nguyễn Du dần khang trang, đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng việc thực hiện Chương trình GDPT 2018.
Với 26 phòng học tại 4 điểm trường, cùng 6 phòng bộ môn, 1 thư viện… công tác dạy - học của nhà trường được đảm bảo. Bên cạnh đó, trường được đầu tư, hỗ trợ 72 máy tính với 1 phòng Âm nhạc - Mỹ thuật nên đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh.
Thầy Nguyễn Ngọc Linh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học - THCS Nguyễn Du tâm sự, trường đóng chân trên địa bàn vùng biên nên việc kêu gọi xã hội hóa rất khó khăn. Vừa qua, một bác sĩ tại TP Kon Tum đồng ý hỗ trợ cho 525 học sinh của trường mỗi em một bộ đồng phục trước khi khai giảng năm học.
Những năm học trước, thầy Nguyễn Ngọc Sơn - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang, Gia Lai) tận dụng các mối quan hệ để kêu gọi nhà hảo tâm hỗ trợ sách vở, quần áo trước thềm năm học mới cho học sinh.
Không những thế, thầy còn kết nối, tìm kiếm học bổng để hỗ trợ cho những học sinh khó khăn đến trường. Năm học 2022 - 2023, nhà hảo tâm đã hỗ trợ cho trường 3 suất học bổng trị giá 4,5 triệu đồng. Năm học vừa qua, 3 học sinh của trường cũng được nhận suất học bổng trị giá 500.000 đồng/tháng, duy trì trong 9 tháng. Năm học mới đến gần, thầy Sơn đang kết nối với doanh nghiệp, bạn bè… để hỗ trợ học bổng, động viên các em đến trường.
Đều đặn vào đầu năm học mới, Trường Tiểu học Cù Chính Lan (xã la Nan, huyện Đức Cơ, Gia Lai) trao hơn 10 suất học bổng cho học sinh khó khăn, vươn lên trong học tập.
Năm học 2023 - 2024, nhà trường kêu gọi từ nhà hảo tâm được hơn 11 triệu đồng. Với nguồn kinh phí trên, ban giám hiệu cân đối, lựa chọn học sinh khó khăn, người dân tộc thiểu số trao các suất học bổng trị giá 200.000 – 500.000 đồng/em.
“Năm nay cũng vậy, vào ngày khai giảng năm học 2024 - 2025, nhà trường tổ chức trao học bổng cho các em. Từ đó tạo động lực, khích lệ tinh thần học sinh huyện biên giới đến trường để tiếp thu tri thức”, thầy Hiệu trưởng Tạ Quang Diệu chia sẻ.
Đưa nước sạch về trường
Ngoài vận động sách vở, bảo hiểm y tế và các suất học bổng cho học sinh khó khăn, Phòng GD&ĐT TP Kon Tum (Kon Tum) kêu gọi một công ty ở TP Hồ Chí Minh xây dựng nhà vệ sinh trị giá gần 400 triệu đồng cho Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ia Chim).
Những năm qua, dù trường có khu vệ sinh riêng biệt, sạch sẽ tuy nhiên số lượng học sinh đông nên không đảm bảo nhu cầu của các em. Do đó, khi công trình được hỗ trợ, xây dựng thì ngành Giáo dục, nhà trường và học sinh rất vui mừng, phấn khởi.
Công trình sẽ hoàn thiện và đưa vào sử dụng trong năm học mới, đảm bảo sạch sẽ, giữ gìn vệ sinh môi trường. Ngoài ra, UBND xã Ia Chim cũng phối hợp, đồng hành kêu gọi triển khai một giếng khoan trị giá khoảng 100 triệu đồng cho nhà trường.
“Những việc làm này cho thấy sự quan tâm, đồng hành của xã hội đối với các trường vùng khó, đặc biệt là con em người dân tộc thiểu số để tạo động lực cho trò nghèo phấn đấu vươn lên trong học tập”, ông Thái Khắc Hòa - Trưởng phòng GD&ĐT TP Kon Tum nói.
Nhiều năm qua, điểm trường thôn Đăk Ven - Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Đăk Pek, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum) không có giếng nước nên thầy và trò phải gánh nước từ điểm trường mầm non gần đó về sử dụng. Đặc biệt vào mùa khô, giếng cạn nước nên thầy trò điểm trường thôn Đăk Ven phải chắt chiu từng giọt.
Thấu hiểu sự khó khăn, vất vả của giáo viên và học sinh nơi đây, Huyện đoàn Đăk Glei đã kêu gọi nguồn lực để xây dựng một giếng khoan và lắp đặt thiết bị phục vụ nước uống, sinh hoạt. Cuối tháng 7 vừa qua, công trình Giếng khoan - Nước sạch do Dự án “Nụ cười nhân ái” tài trợ, trị giá hơn 80 triệu đồng được khánh thành nên thầy trò và người dân nơi đây rất vui mừng, phấn khởi.
“Điểm trường với hơn 100 học sinh người dân tộc thiểu số. Trước đây khi chưa có hệ thống nước sạch, các em mang nước từ nhà đến trường để uống, tuy nhiên không đảm bảo. Hệ thống giếng nước, nước lọc được đưa vào sử dụng sẽ giúp giáo viên và học sinh có nguồn nước sạch uống. Đồng thời, đảm bảo thầy, trò và người dân ở thôn không thiếu nước sinh hoạt vào mùa khô”, anh A Duy Khánh - Bí thư Huyện đoàn Đăk Glei cho biết thêm.