Đồng hành cùng ngư dân trên biển
Thấu hiểu những vất vả, hiểm nguy của ngư dân trong cuộc sống mưu sinh trên biển, thời gian qua, các đơn vị BĐBP luôn đồng hành bảo vệ tính mạng, tài sản của ngư dân, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con an tâm bám biển, vừa đánh bắt hải sản, vừa tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sông Đốc, BĐBP Cà Mau cứu vớt và sơ, cấp cứu thuyền viên gặp nạn trên biển. Ảnh: Hoàng Tá
Phối hợp chặt chẽ, sẵn sàng ứng cứu ngư dân trên biển
Bờ biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang dài khoảng 1.224km, là vùng biển rộng có các tuyến đường hàng hải quốc tế đi qua và một số tuyến vận tải từ bờ ra đảo, dọc theo ven biển; đồng thời là ngư trường rộng lớn, phong phú về tài nguyên thiên nhiên, các hoạt động của tàu thuyền lưu thông qua lại, vận tải hàng hóa, khai thác dầu khí, hoạt động đánh bắt, hậu cần thủy sản... Do đó, các sự cố về tai nạn hàng hải, bất cẩn trong lao động, hư hỏng máy thường xuyên xảy ra. Bên cạnh đó, tình hình thời tiết trên biển ngày càng diễn biến bất thường, gây ra các hiện tượng sóng to, gió lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng hải và đánh bắt hải sản của ngư dân. Đây cũng là nguyên nhân chính gây ra các sự cố tai nạn cho tàu thuyền trên biển.
Theo báo cáo của các đơn vị từ Bình Thuận đến Kiên Giang, trong năm 2024 đã xảy ra 253 vụ việc, sự cố, tai nạn trên biển làm chết 66 người, mất tích 69 người, bị thương 24 người, chìm 73 phương tiện, cháy 12 phương tiện và một số phương tiện gặp sự cố khác tự khắc phục. Để kịp thời hỗ trợ ngư dân, các đơn vị BĐBP đã huy động 65 lượt phương tiện/617 lượt cán bộ, chiến sĩ và trên 40 lượt tàu cá của ngư dân tham gia hỗ trợ tìm kiếm cứu nạn, khắc phục sự cố, qua đó đã cứu hộ được 51 phương tiện các loại với 307 người (trong đó có 1 vụ/1 phương tiện/7 người nước ngoài).
Điển hình, vào ngày 19/9/2024, tàu hàng Transformer Ol hành trình từ Singapore đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã đâm va làm chìm tàu cá BV99778TS, trên vùng biển cách Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu 22 hải lý về hướng Đông Nam. Trên tàu có 14 thuyền viên đều bị trôi dạt trên biển. Nhận được thông tin, BĐBP Bà Rịa - Vũng Tàu đã thông báo, phối hợp với Trung tâm phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III điều tàu SAR 413; Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 3 điều tàu CSB 2011; đồng thời thông báo cho tàu cá BV99359TS và tàu BV99278TS của ngư dân Bà Rịa - Vũng Tàu hỗ trợ tìm kiếm, cứu vớt được 12/14 thuyền viên đưa vào Côn Đảo an toàn.
Tiếp đó, ngày 28/12/2024, tàu cá BL93339TS của ông Lữ Thanh Đông, ngụ tại ấp Hòa Quân 1, xã Hưng Thành, huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu làm chủ, kiêm thuyền trưởng; trên tàu có thuyền trưởng và 4 thuyền viên, hành nghề lưới kéo đang hoạt động trên vùng biển cách đảo Hòn Khoai, Cà Mau khoảng 20 hải lý về hướng Tây Nam gặp sóng to làm tàu cá phá nước dẫn đến chìm, cả 5 thuyền viên bị trôi dạt.
Nhận được tin báo, Bộ Chỉ huy BĐBP Cà Mau chỉ đạo các đồn Biên phòng sử dụng hệ thống thông tin liên lạc thông báo, kêu gọi các tàu đánh cá đang hoạt động gần khu vực tàu cá bị chìm để hỗ trợ. Đến khoảng 16 giờ 20 phút cùng ngày, tàu cá BL93879TS đã phát hiện và cứu vớt được 5 thuyền viên của tàu cá BL93339TS đưa vào bờ bàn giao cho BĐBP Cà Mau chăm sóc sức khỏe.
"Có nhiều trường hợp, do thời tiết quá xấu, việc tiếp cận với tàu bị nạn mất rất nhiều thời gian, tưởng chừng như không còn hy vọng. Tuy nhiên, với tinh thần trách nhiệm, nỗ lực không biết mệt mỏi của cán bộ, chiến sĩ BĐBP thời gian qua đã cứu vớt được nhiều ngư dân gặp nạn trên biển, lai dắt thành công nhiều tàu gặp nạn vào bờ an toàn... Nhờ đó, tình cảm giữa cán bộ, chiến sĩ BĐBP với ngư dân các vùng ven biển ngày một gắn kết” - Đại tá Phạm Anh Chương, Chỉ huy trưởng BĐBP Cà Mau chia sẻ.
Tăng cường luyện tập các phương án sẵn sàng cơ động trong mọi tình huống
Được biết, thời gian qua, các cấp, các ngành của các địa phương tuyến biển từ Bình Thuận đến Kiên Giang rất quan tâm tới vấn đề an toàn của người đi biển thông qua việc quản lý Nhà nước theo chuyên ngành, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, xây dựng và tổ chức triển khai các kế hoạch ứng phó, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn... Tuy nhiên, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn, an ninh hàng hải của một số tổ chức, tập thể và cá nhân có phương tiện hoạt động trên biển nhiều mặt còn hạn chế là nguyên nhân cơ bản của các vụ tai nạn trên biển, sự cố hàng hải..., gây khó khăn tới hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển của các lực lượng.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn Biên phòng 28 thường xuyên luyện tập và sẵn sàng cơ động tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển. Ảnh: Lê Khoa
Nhằm phổ biến các quy định về đảm bảo an toàn trên biển, biện pháp phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển cho ngư dân, các đơn vị đã tổ chức tuyên truyền tập trung được 72 buổi cho hơn 4.200 chủ tàu cá, thuyền trưởng tham gia, cấp phát trên 6.500 tờ rơi các loại để ngư dân mang theo trên tàu. Qua đó, bà con đã nắm được các quy định về đảm bảo trang thiết bị an toàn cho người, phương tiện khi hoạt động trên biển, đồng thời nâng cao năng lực ứng phó với thiên tai và cứu hộ, cứu nạn.
Theo Đại tá Phạm Anh Chương, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường tổ chức luyện tập các phương án cơ động lực lượng, phương tiện phối hợp thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển; theo dõi, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các phương tiện hoạt động trên biển, tại các vùng, vịnh, bãi ngang, kiên quyết không cho ra khơi đối với các phương tiện không đủ điều kiện hoạt động; đồng thời khai thác có hiệu quả hệ thống giám sát hành trình xác định vị trí tàu cá, phục vụ nhiệm vụ kêu gọi, huy động phương tiện để phối hợp với các lực lượng chức năng tham gia tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường, góp phần giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản của nhân dân đến mức thấp nhất.
Đại tá Phạm Văn Thắng, Chỉ huy trưởng BĐBP Kiên Giang cho biết: Hiện nay, Kiên Giang có tổng số 9.684 tàu cá, trong đó có 3.720 tàu chiều dài từ 15m trở lên. Bộ Chỉ huy BĐBP Kiên Giang thường xuyên chỉ đạo các đơn vị cơ sở phối hợp, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương làm tốt công tác hỗ trợ, giúp đỡ ngư dân vươn khơi bám biển, với phương châm "mỗi ngư dân là một cột mốc sống trên biển" góp phần bảo vệ chủ quyền, biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, chủ động trong công tác cứu hộ, cứu nạn; khám, chăm sóc sức khỏe, tặng tủ thuốc miễn phí cho ngư dân; thăm, động viên, tặng quà ngư dân có hoàn cảnh khó khăn...