Đồng hành cùng cựu chiến binh xóa nghèo bền vững
Xác định công tác giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, hiệu quả. Đồng hành cùng chương trình này, Hội Cựu chiến binh (CCB) các cấp trong tỉnh không ngừng phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, trở thành điểm tựa vững chắc cho hội viên vượt khó, thoát nghèo và từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

CCB Lâm Đồng vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng
Là một trong những huyện vùng sâu còn nhiều khó khăn, nơi sinh sống chủ yếu của đồng bào DTTS, Đam Rông từng có tỷ lệ hộ nghèo cao so với toàn tỉnh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của chính quyền các cấp, sự chung tay của các tổ chức hội, đoàn thể, trong đó có Hội CCB, đời sống của người dân nơi đây, đặc biệt là hội viên CCB, đã từng bước khởi sắc cả về vật chất lẫn tinh thần.
Ông Vũ Văn Khuyến - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Đam Rông cho biết: “Hội xác định công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên là bước đi then chốt ngay từ đầu. Hội đã thực hiện hiệu quả công tác này, giúp hội viên nâng cao ý thức tự lực, tự cường và chủ động trong phát triển kinh tế. Đồng thời, Hội tích cực hỗ trợ hội viên tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn vay không lãi từ quỹ hỗ trợ thoát nghèo bền vững do Hội CCB tỉnh cấp, hỗ trợ sinh kế và nhà ở cho hội viên khó khăn”. Riêng Hội CCB huyện Đam Rông, tính đến nay, đã huy động gần 920 triệu đồng để cho hội viên vay vốn không tính lãi. Nhờ vậy, hơn 60% hội viên nghèo đã vươn lên thoát nghèo, nhiều người đã hoàn trả vốn vay trước thời hạn. Đặc biệt, từ năm 2022 đến đầu năm 2025, số hộ hội viên nghèo trên địa bàn giảm mạnh, chỉ còn 5 hộ, chiếm chưa đầy 0,5%. Hội CCB huyện Đam Rông đặt mục tiêu đến cuối năm 2025 sẽ không còn hộ hội viên nghèo, tiếp tục góp phần xây dựng đời sống ngày càng ấm no, bền vững cho cán bộ, hội viên.
Tại huyện Bảo Lâm, công tác giảm nghèo trong lực lượng CCB cũng được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Ông Trần Thế Vinh - Chủ tịch Hội CCB huyện cho biết: “Hội xác định hỗ trợ phát triển kinh tế là giải pháp trọng tâm trong giảm nghèo. Từ những hội viên làm kinh tế giỏi, chúng tôi phát huy vai trò “hạt nhân” để giúp đỡ hội viên khó khăn về kỹ thuật, cây, con giống, kinh nghiệm và cả vốn vay không lãi”. Cùng với đó, các Câu lạc bộ CCB làm kinh tế giỏi và các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác do CCB làm chủ cũng được thành lập và phát huy hiệu quả. Tiêu biểu có thể kể đến Hợp tác xã Đại Lộc chuyên hỗ trợ phân bón cho hội viên; hợp tác xã trồng sầu riêng, bơ, cà phê giúp nhau phát triển sản xuất bền vững. Nhờ đó, tỷ lệ hộ hội viên nghèo của huyện đã giảm hơn 70% so với năm 2022. Hội quyết tâm đến cuối năm 2025 sẽ không còn hội viên nào thuộc diện nghèo.
Trên phạm vi toàn tỉnh, công tác giảm nghèo trong lực lượng CCB được triển khai bài bản, có chiều sâu. Theo ông Vũ Công Tiến - Chủ tịch Hội CCB tỉnh, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Hội đã quán triệt, cụ thể hóa các chương trình của Trung ương, xây dựng kế hoạch hành động sát thực tế từng địa phương. Việc khảo sát, đánh giá nguyên nhân nghèo được thực hiện kỹ lưỡng, từ đó đưa ra giải pháp phù hợp, trúng đối tượng.
Sau 5 năm thực hiện công tác giảm nghèo giai đoạn 2021 - 2025, Hội CCB trên toàn tỉnh đã giúp gần 400 hộ CCB thoát nghèo. Từ 522 hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều vào cuối năm 2021 (chiếm 1,8%), đến nay chỉ còn 156 hộ (chiếm 0,53%), gồm 62 hộ nghèo và 94 hộ cận nghèo. Trong đó, có 49 hộ không thể thoát nghèo và 56 hộ khó thoát cận nghèo do tuổi cao, sức yếu, bệnh tật hoặc không còn sức lao động.
Một trong những giải pháp hiệu quả được Hội triển khai là Mô hình “1+1”, “1+2”, mỗi hội viên khá giả giúp một hoặc hai hội viên khó khăn hơn. Mô hình này không chỉ giúp hội viên vươn lên phát triển kinh tế mà còn lan tỏa tinh thần đồng đội trong CCB. “Yếu tố then chốt trong công tác giảm nghèo bền vững chính là tinh thần tự lực, tự cường của hội viên. Giúp người nghèo không chỉ là hỗ trợ vốn, mà còn là giúp họ nhận thức được trách nhiệm vươn lên bằng chính sức mình. Chúng tôi luôn động viên hội viên nỗ lực, không trông chờ, ỷ lại”, ông Vũ Công Tiến nhấn mạnh. Đối với các trường hợp không thể thoát nghèo, Hội chủ động phối hợp với các tổ chức, chương trình an sinh xã hội để có hình thức hỗ trợ phù hợp.
Qua 5 năm kiên trì đồng hành cùng hội viên trong hành trình thoát nghèo, Hội CCB tỉnh Lâm Đồng đã đúc kết được nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc. Ông Vũ Công Tiến, khẳng định: “Trước tiên, cần nhận diện đúng nguyên nhân dẫn đến nghèo của từng hội viên để có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả. Tiếp đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức phải được xem là “chìa khóa” mở cánh cửa tư duy, giúp hội viên hiểu rõ, muốn thoát nghèo bền vững, trước hết phải tự mình vươn lên. Cùng với đó, Hội luôn sát cánh, tạo điều kiện thuận lợi để hội viên phát triển sản xuất, nâng cao đời sống”.
Với quyết tâm cao, sự phối hợp chặt chẽ giữa cấp ủy, chính quyền, các tổ chức, đoàn thể và sự đồng lòng của hội viên, Hội CCB tỉnh Lâm Đồng đang từng bước hiện thực hóa mục tiêu không còn hội viên nghèo vào cuối năm 2025. Đây không chỉ là thành quả của một hành trình bền bỉ giảm nghèo của Hội CCB tỉnh, mà còn thể hiện bản lĩnh, ý chí và nghĩa tình người lính Cụ Hồ trong thời bình.