Đồng hành cùng con trong hành trình nuôi dưỡng cảm xúc

Ngoài sự phát triển về thể chất, sức khỏe tinh thần của trẻ là một khía cạnh cha mẹ nên lưu tâm. Phụ huynh hãy đồng hành cùng con, để bé có một đời sống tinh thần lành mạnh.

 Cha mẹ hãy quan sát cách trẻ giao tiếp với bạn đồng trang lứa và dạy con các kỹ năng cần thiết. Ảnh: I.P.

Cha mẹ hãy quan sát cách trẻ giao tiếp với bạn đồng trang lứa và dạy con các kỹ năng cần thiết. Ảnh: I.P.

Ở mỗi giai đoạn trưởng thành khác nhau của trẻ, nhu cầu về tình yêu thương cũng khác nhau. Vậy cha mẹ cần làm gì để giúp con cái xây dựng mạng lưới hỗ trợ tinh thần?

Giai đoạn đầu tiên được coi là thời kỳ gieo mầm của tình yêu, kéo dài từ khi trẻ còn trong bụng mẹ đến khoảng bảy tuổi. Thời kỳ này bắt đầu từ lúc trẻ còn là bào thai, tức là trẻ đã bắt đầu tiếp nhận ảnh hưởng từ người mẹ ngay từ khi chưa chào đời.

Trong giai đoạn thai kỳ, tâm trạng của người mẹ có ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của thai nhi. Nếu người mẹ vui vẻ, tâm lý ổn định, thì thai nhi có xu hướng phát triển khỏe mạnh; ngược lại, nếu người mẹ thường xuyên căng thẳng, cáu kỉnh, thì có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và tâm lý của thai nhi.

Do đó, mẹ bầu có thể sử dụng các biện pháp như nghe nhạc dành cho thai nhi, không chỉ giúp ổn định cảm xúc của bản thân mà còn tạo điều kiện cho thai nhi phát triển trong môi trường tinh thần thoải mái, tích cực.

Sau khi trẻ chào đời, ngoài việc đảm bảo các nhu cầu cơ bản như ăn uống, vệ sinh và giấc ngủ, cha mẹ cần dành nhiều thời gian để tương tác với trẻ. Việc này không chỉ giúp tăng cường sự gắn kết mà còn tạo cho trẻ cảm giác an toàn. Trẻ em có cảm giác an toàn thường phát triển toàn diện và khỏe mạnh hơn cả về thể chất lẫn tinh thần.

Giai đoạn thứ hai, được gọi là giai đoạn nảy mầm của tình yêu, diễn ra khi trẻ trong độ tuổi từ bảy đến 14. Ở giai đoạn này, trẻ bắt đầu mở rộng phạm vi cuộc sống và khám phá thế giới bên ngoài với sự tò mò mạnh mẽ. Điều này cũng dẫn đến những biểu hiện “nổi loạn”, khi trẻ thường có xu hướng chống lại hoặc đi ngược lại lời dạy của cha mẹ.

Trong thời gian này, cha mẹ cần tôn trọng sự phát triển cá nhân của con, đồng thời chú ý đến việc xây dựng và hoàn thiện cái tôi của trẻ. Điều quan trọng là cha mẹ nên tạo ra một không gian tự do để trẻ có thể phát triển khả năng và hình thành tính cách của mình. Hãy tận dụng các hoàn cảnh trong cuộc sống một cách tốt nhất để hòa hợp với con cái trong giai đoạn giữa thơ ấu, thay vì cưỡng ép hoặc cố gắng kiểm soát trẻ.

Nếu trẻ hiểu được ý nghĩa của trách nhiệm trong giai đoạn nảy mầm của tình yêu, học cách chia sẻ trách nhiệm với cha mẹ và có tấm lòng biết ơn, thì trái tim của trẻ sẽ ngày càng trưởng thành. Những bậc cha mẹ tinh ý sẽ nhận ra rằng những đứa trẻ vốn thích quấn lấy cha mẹ khi còn nhỏ, khi bước vào giai đoạn này sẽ dần cố gắng tự lập, dần tách rời khỏi cha mẹ. Đây chính là dấu hiệu của sự trưởng thành.

Lúc này, cha mẹ cần hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển của trẻ, đồng thời đóng nhiều vai trò khác nhau trong cuộc sống của trẻ như cha mẹ, thầy cô, bạn bè hay tri kỷ. Ngoài ra, cha mẹ cần phối hợp với giáo viên để thiết lập các quy tắc cho trẻ, làm rõ ranh giới hành vi và cho trẻ một mức độ tự do nhất định.

Hẳn nhiên, ở giai đoạn này, trẻ dễ bị ảnh hưởng bởi các bạn cùng trang lứa. Điều này xuất phát từ việc trong quá trình tách dần khỏi cha mẹ, trẻ có xu hướng gần gũi và mong muốn được sự công nhận từ bạn bè. Cha mẹ cần lưu ý đến các mối quan hệ bạn bè của con mình trong giai đoạn này. Như tục ngữ có câu: “gần mực thì đen, gần đèn thì rạng.”

Nếu trẻ có thể kết bạn với những người bạn có cùng chí hướng, thì mỗi thành viên trong nhóm sẽ phát huy được thế mạnh của mình, bù đắp cho nhau và cùng nhau phát triển, hướng tới thành công.

Phàn Tổ An/ Skymomy & NXB Dân trí

Nguồn Znews: https://znews.vn/dong-hanh-cung-con-trong-hanh-trinh-nuoi-duong-cam-xuc-post1527007.html
Zalo