Đóng góp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong hành trình hội nhập quốc tế của phụ nữ

Nhân 10 năm triển khai Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế, cùng nhìn lại đóng góp của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong hành trình hội nhập quốc tế của phụ nữ.

Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga (thứ 3 từ trái sang) trao đổi với nữ cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng 253 (huyện KhamKert, tỉnh Bolikhamxay, Lào) trong khuôn khổ Chuyến thăm hữu nghị nước CHDCND Lào của Đoàn cấp cao Hội LHPN Việt Nam mới đây

Hội nhập quốc tế là quyết sách chiến lược của Việt Nam, được triển khai đồng bộ trên các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, chính trị, an ninh quốc phòng, giúp Việt Nam tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế và nâng cao vị thế, vai trò trong khu vực và thế giới. Trong quá trình hội nhập chung của đất nước, hoạt động hội nhập quốc tế của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam những năm qua liên tục được tăng cường, đổi mới, đặc biệt chú trọng công tác hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế.

Với vai trò tập hợp, dẫn dắt phong trào phụ nữ cả nước, Hội đã học hỏi, áp dụng một cách linh hoạt kiến thức, kinh nghiệm quốc tế cho phù hợp với hoàn cảnh Việt Nam. Ví dụ, tín dụng vi mô học từ Ngân hàng Grameen, trở thành tổ chức đi đầu cả nước về tín dụng vi mô, nâng cao quyền năng kinh tế và vị thế của phụ nữ; mô hình "Ngôi nhà Bình yên" (với sự hỗ trợ của Liên hợp quốc và các tổ chức từ Tây Ban Nha, Hà Lan...) đã trở thành mô hình tạm lánh và trợ giúp toàn diện cho các nạn nhân bị bạo lực trên cơ sở giới. Trong quá trình hợp tác quốc tế, các cấp Hội bắt kịp các xu hướng, mô hình phát triển trên thế giới.

Hội vận động nguồn lực quốc tế từ các nguồn đa dạng, từ các chính phủ, tổ chức Liên hợp quốc, liên chính phủ đến phi chính phủ, các nhà hảo tâm... Giai đoạn 2017 - 2022, TƯ Hội vận động được các khoản viện trợ trị giá hơn 9,5 triệu USD. Đồng thời khi triển khai các chương trình, dự án quốc tế, năng lực, trình độ của cán bộ Hội và phụ nữ các cấp cũng được nâng lên rõ rệt, kể cả ngoại ngữ, tin học, quản lý...

Đặc biệt phải kể đến các chương trình đào tạo với sự hỗ trợ của quốc tế. Ví dụ, trong chương trình hợp tác với Úc, có gần 60 cán bộ Hội và cán bộ nữ của các bộ, ngành do Hội giới thiệu được đào tạo bồi dưỡng tại Úc và Việt Nam từ năm 2008 đến nay. Với sự hỗ trợ của KOICA, có 7 cán bộ Hội tham gia chương trình đào tạo thạc sỹ EWHA - KOICA tại Hàn Quốc. Ngoài ra, cán bộ Hội còn được tham gia các khóa đào tạo trong và ngoài nước theo Đề án 165...

Hội cũng đăng cai tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế lớn. Đặc biệt, Diễn đàn Phụ nữ Việt Nam - Hàn Quốc 10 năm qua trở thành thương hiệu của Hội. Các diễn đàn lớn quy tụ các lãnh đạo cấp cao, nhà hoạch định chính sách, chuyên gia giàu kinh nghiệm trên nhiều lĩnh vực như SDG, chuyển đổi số, phụ nữ, hòa bình và an ninh, an ninh mạng... Hội qua đó trở thành điểm gặp gỡ của các đối tác trong và ngoài nước có cùng quan tâm đến vấn đề phụ nữ và phát triển.

Hoạt động hợp tác quốc tế ngày càng được mở rộng. Hội đón tiếp nhiều nguyên thủ, phu nhân lãnh đạo các nước, đón các sinh viên, tình nguyện viên nước ngoài. Các mô hình hợp tác quốc tế đa dạng ở cộng đồng, ví dụ mô hình "Người mẹ thứ 2" đỡ đầu sinh viên Lào, Campuchia học tại Việt Nam... Các tỉnh giáp biên và nhiều tỉnh, thành kí kết hợp tác với đối tác láng giềng.

Đặc biệt, từ năm 2021, nhận thức được tầm quan trọng của hội nhập quốc tế và những yêu cầu đặt ra đối với phụ nữ trong tình hình mới, Ban Chấp hành TƯ Hội đã ban hành Nghị quyết số 18 về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế đến năm 2030. TƯ Hội cũng hướng dẫn, chỉ đạo Hội LHPN các tỉnh, thành tăng cường hơn nữa các hoạt động, mô hình hội nhập quốc tế. Đây là những mô hình được xây dựng dựa trên các hoạt động hoặc câu lạc bộ truyền thống của Hội nhưng được bổ sung thêm các nội dung mang yếu tố quốc tế hoặc những nội dung đặc biệt cần thiết cho phụ nữ trong quá trình hội nhập quốc tế. Các chương trình, đề án hiện có của TƯ và địa phương cũng được yêu cầu bổ sung, lồng ghép các hoạt động hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế, ví dụ hội nhập về môi trường, đảm bảo an ninh mạng, lãnh đạo nữ trong bối cảnh hội nhập quốc tế...

Thời gian tới, Hội tiếp tục triển khai hoạt động trên các lĩnh vực ngoại giao văn hóa, kinh tế, chính trị. Đặc biệt, việc triển khai Nghị quyết 18 về hỗ trợ phụ nữ hội nhập quốc tế được xác định là nhiệm vụ cấp bách, chiến lược. Các cấp Hội tiếp tục đầu tư cho công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế, góp phần xây dựng môi trường thuận lợi để phụ nữ chủ động hội nhập và thụ hưởng xứng đáng từ quá trình hội nhập của đất nước.

Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0 phát triển như vũ bão, tình hình quốc tế có những biến động liên tục thì hội nhập quốc tế càng cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đòi hỏi sự chỉ đạo sát sao của TƯ và sự chủ động, linh hoạt, phát huy sáng kiến của các cấp Hội địa phương. Đây phải là quá trình mở, liên tục điều chỉnh, tiếp thu các yếu tố mới nhằm hướng tới mục tiêu hỗ trợ phụ nữ trở nên chủ động, tận dụng cơ hội và hạn chế tối đa các rủi ro trong quá trình hội nhập quốc tế.

Ban Quốc tế, TƯ Hội LHPN Việt Nam

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/dong-gop-cua-hoi-lien-hiep-phu-nu-viet-nam-trong-hanh-trinh-hoi-nhap-quoc-te-cua-phu-nu-20230508162045684.htm
Zalo