Dòng đầu tư vào Việt Nam sẽ không bị cản bước
Vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đang tiếp tục xu hướng tích cực, nhưng rủi ro mới đã xuất hiện. Liệu việc Mỹ áp thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam có khiến dòng vốn này bị chững lại?

Việt Nam hiện được nhiều nhà đầu tư đánh giá là điểm đến thuận lợi, giàu tiềm năng, có thể thu hút thêm dòng vốn vào lĩnh vực như AI, bán dẫn, tài chính… Ảnh: S.T; Đồ họa: Đan Nguyễn
Vốn đầu tư nước ngoài tăng tốc
Ít ngày trước, Victory Giant (Trung Quốc) đã động thổ xây dựng nhà máy chuyên nghiên cứu, sản xuất - kinh doanh các loại bảng mạch điện tử PCB nhiều lớp có độ chính xác cao, HDI, FPC, bảng mạch dẻo Rigid-Flex tại Bắc Ninh. Đây là các linh kiện được sử dụng rộng rãi trong các lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI), trung tâm dữ liệu lớn, hàng không vũ trụ, công nghiệp ô tô, năng lượng xanh…
Như vậy, Victory Giant đã đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao - một lĩnh vực mà Việt Nam đang khuyến khích đầu tư. Đó là lý do ông Vương Quốc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh rất vui mừng khi dự án bắt đầu được triển khai. Hơn nữa, ngay sau khi động thổ, Victory Giant cam kết tiếp tục đầu tư 260 triệu USD vào dự án này. “Bắc Ninh cam kết sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho quá trình sản xuất, kinh doanh của Công ty”, ông Vương Quốc Tuấn nói.
Dự án Victory Giant Technology Việt Nam có vốn đầu tư 520 triệu USD, trong đó giai đoạn I là 260 triệu USD. Và ngay khi giai đoạn I vừa bắt đầu, Victory Giant đã tính tiếp khoản đầu tư giai đoạn II. Cụ thể, chỉ sau lễ động thổ xây dựng nhà máy đúng 1 ngày, ngày 31/3, khi tỉnh Bắc Ninh tổ chức lễ trao chứng nhận đầu tư, biên bản ghi nhớ đầu tư cho một loạt dự án, với tổng vốn đầu tư lên tới hơn 1 tỷ USD, Victory Giant đã cam kết đầu tư tiếp 260 triệu USD.
Bắc Ninh chính là địa phương dẫn đầu về thu hút đầu tư nước ngoài trong quý đầu năm 2025, với gần 1,9 tỷ USD vốn đăng ký, theo số liệu vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Tài chính) công bố. Khoản vốn này chưa bao gồm các dự án được trao chứng nhận đầu tư hôm 31/3 và vì thế, nếu tính đủ, con số sẽ còn lớn hơn thế.
Không chỉ Bắc Ninh, nhiều địa phương như TP.HCM, Hà Nội, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Hà Nam… đã rất nỗ lực trong thu hút đầu tư nước ngoài. Nhờ vậy, 3 tháng đầu năm, đã có gần 10,98 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam, tăng 34,7% so với cùng kỳ năm trước.
Mặc dù vốn đầu tư mới vẫn giảm so với cùng kỳ (đạt hơn 4,33 tỷ USD, giảm 31,5%), mà nguyên nhân chủ yếu là thiếu vắng dự án lớn, nhưng vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần lại tăng mạnh so với cùng kỳ.
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, vốn đầu tư tăng thêm đạt gần 5,16 tỷ USD, gấp gần 5,1 lần so với cùng kỳ. Trong khi đó, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đạt gần 1,49 tỷ USD, tăng 83,7% so với cùng kỳ. Mức tăng mạnh của vốn tăng thêm và vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần đã bù đắp mức giảm của vốn đầu tư mới và nhờ vậy, tổng vốn đầu tư của cả nước trong 3 tháng đầu năm vẫn tăng khá mạnh.
Nhận định về xu hướng này, Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, việc số lượng dự án đầu tư mới, số lượt dự án điều chỉnh vốn, các giao dịch góp vốn, mua cổ phần đều tăng lên đã khẳng định, Việt Nam tiếp tục là thị trường đầu tư được các nhà đầu tư nước ngoài đặt niềm tin và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng các dự án đầu tư hiện hữu.

Khu vực sản xuất của Công ty Điện tử Foster tại Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh. Ảnh: Đức Thanh
Dòng đầu tư sẽ không bị “cản bước”
Thông tin tích cực về dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam được Cục Đầu tư nước ngoài công bố vào đúng thời điểm chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố áp thuế đối ứng đối với một loạt quốc gia. Trong đó, Việt Nam bị áp mức thuế lên tới 46%.
Dù mức thuế suất cuối cùng bao nhiêu sẽ phụ thuộc vào khả năng đàm phán và phản ứng chính sách của Việt Nam, song ngay khi con số 46% được công bố, rất nhiều lo ngại đã được đặt ra. Liệu dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam có bị chậm lại? Liệu các nhà đầu tư nước ngoài có rút khỏi Việt Nam?
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài khẳng định, Việt Nam đang có ‘cơ hội vàng’ để đón dòng đầu tư trong các lĩnh vực AI, bán dẫn… và bao gồm cả các khoản đầu tư trong tương lai liên quan đến trung tâm tài chính.
CNBC, trong bài phân tích được đăng tải ngay sau quyết định của Mỹ, đã nhắc đến một loạt cái tên như Nike, Adidas, cũng như các hãng sản xuất khác… để nhấn mạnh nỗi lo của các doanh nghiệp này. Một khi thuế đối ứng đối với Việt Nam được áp ở mức 46%, chi phí của họ sẽ tăng lên và vì thế, có thể sẽ ảnh hưởng đến các hoạt động sản xuất, đầu tư của họ.
Thậm chí, dù mức thuế 46% chưa chính thức được áp dụng, song cũng có mối lo ngại về sự ảnh hưởng đối với lĩnh vực bất động sản công nghiệp, một khi dòng đầu tư nước ngoài chậm lại. Nỗi lo này không phải là không có cơ sở.
Tuy vậy, trong cuộc họp báo được tổ chức rất nhanh sau quyết định của Mỹ, ông Adam Sitkoff, Giám đốc điều hành Hiệp hội Thương mại Mỹ tại Việt Nam (AmCham) cho rằng, vấn đề thuế quan sẽ không ngăn chặn được dòng đầu tư nước ngoài tiếp tục vào Việt Nam, hay khiến nhà đầu tư nước ngoài rút khỏi Việt Nam.
Theo ông Adam Sitkoff, các công ty không thể đơn giản cứ muốn là chuyển chuỗi sản xuất, cung ứng sang một nước khác. Điều đó tốn thời gian, phức tạp và đắt đỏ. “Việt Nam là một địa điểm tốt để các công ty đến kinh doanh”, ông Adam Sitkoff nói.
Việt Nam đúng là một địa điểm tốt. Thế nên, vốn đầu tư nước ngoài vẫn không ngừng chảy vào Việt Nam, kể cả trong giai đoạn dòng đầu tư toàn cầu bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và biến động địa chính trị hiện nay. Thậm chí, nhiều nhà đầu tư nước ngoài còn khẳng định, Việt Nam đang có “cơ hội vàng” để đón dòng đầu tư trong các lĩnh vực AI, bán dẫn… và bao gồm cả các khoản đầu tư trong tương lai liên quan đến trung tâm tài chính.
Gần đây, khi Bình Định tổ chức Hội nghị Xúc tiến đầu tư 2025, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã cam kết đầu tư nhiều dự án quy mô lớn. Chẳng hạn, Environmental Landscape Pte.Ltd với Dự án Khu liên hợp đa chức năng tại Cụm công nghiệp Cát Hanh (200 triệu USD); Công ty Hero Future Energies Asia Pte.Ltd với Dự án Nhà máy sản xuất Hydrogen (200 triệu USD); hay Tập đoàn Năng lượng Siemens Energy với Dự án Nghiên cứu tiền khả thi để xây dựng Nhà máy Hydrogen tại Khu công nghiệp Phù Mỹ (120 triệu USD)…
Tại sự kiện trên, Phó thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc Bình Định không chỉ cần thu hút, mà phải có cách “giữ chân” các nhà đầu tư. Theo đó, địa phương phải xác lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng; đẩy mạnh đào tạo nhân lực chất lượng cao… Đây là câu chuyện của không riêng Bình Định, mà còn của cả nước, nếu muốn thu hút được nhiều hơn dòng đầu tư nước ngoài.
Thêm vào đó, các phản ứng chính sách của Việt Nam trước việc Mỹ áp thuế đối ứng chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới dòng đầu tư nước ngoài thời gian tới.