Động đất tại Myanmar: Ước tính có thể hơn 10.000 nạn nhân thiệt mạng

Ngày 29/3, Cục Khí tượng và Thủy văn Myanmar cho biết trận động đất có độ lớn 7,7 xảy ra ngày 28/3 tại miền Trung nước này đã gây ra ít nhất 12 dư chấn, với cường độ từ 2,8 đến 7,5, gây rung chuyển khu vực Đông Nam Á.

Tòa nhà bị đổ sập do động đất tại Mandalay, Myanmar ngày 28/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Tòa nhà bị đổ sập do động đất tại Mandalay, Myanmar ngày 28/3/2025. Ảnh: THX/TTXVN

Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), số lượng dư chấn đã có thể lên tới 14, với hầu hết các dư chấn xảy ra trong vài giờ sau trận động đất chính. Cơ quan này cho biết mạnh nhất là dư chấn có độ lớn 6,7, xảy ra khoảng 10 phút sau đó.

Hai dư chấn mạnh 4,9 và 6,7 được ghi nhận cách TP Mandalay khoảng 32km, trong khi các dư chấn khác lan rộng theo đường thẳng về phía Bắc và Nam.

Theo số liệu do The Spectator Index công bố trên trang mạng X, trận động đất đã khiến ít nhất 255 người dân tại nước này thiệt mạng, đồng thời dự kiến con số này sẽ còn tăng cao khi công tác tìm kiếm các nạn nhân bị mắc kẹt dưới đống đổ nát vẫn đang tiếp tục.

Trong khi đó, USGS ước tính số người chết vì động đất ở Myanmar có thể lên tới hơn 10.000 người.

Trong khi đó, theo số liệu chính thức được chính quyền quân sự Myanmar công bố tối 28/3, có ít nhất 144 người thiệt mạng và 732 người bị thương. Số nạn nhân thương vong được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh.

LHQ và nhiều quốc gia, tổ chức trên thế giới đã lên tiếng và tiến hành hỗ trợ công tác cứu hộ, cứu nạn cho Myanmar và Thái Lan sau thảm họa động đất kinh hoàng.

Ngày 28/3, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres cho biết tổ chức này đang huy động nguồn lực ở Đông Nam Á để hỗ trợ những người gặp khó khăn sau trận động đất mạnh có tâm chấn ở Myanmar.

Cùng ngày, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đã kích hoạt hệ thống quản lý khẩn cấp và đang huy động trung tâm hậu cần của mình ở Dubai (UAE) để chuẩn bị vật tư y tế cứu thương cho khu vực xảy ra thảm họa động đất tại Myanmar.

Phát biểu từ trụ sở của WHO tại Geneva, người phát ngôn Margaret Harris cho biết cơ quan này coi đây là “một mối đe dọa rất lớn đối với tính mạng và sức khỏe con người". WHO đang tập trung vào việc cung cấp vật tư y tế cứu thương, thuốc men thiết yếu và các thiết bị cố định bên ngoài, trong bối cảnh ước tính sẽ có rất nhiều người bị thương cần được điều trị. Cơ quan này cũng lo ngại cơ sở hạ tầng y tế ở Myanmar có thể bị hư hại nghiêm trọng.

Bà Harris nêu rõ: "Chúng tôi đã sẵn sàng hành động - nhưng bây giờ chúng tôi cần biết chính xác địa điểm, những gì đã xảy ra và tại sao. Thông tin từ thực địa là rất quan trọng ngay lúc này".

Theo hãng tin Reuters, cũng vào ngày 28/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết rằng ông đã trao đổi với các quan chức ở Myanmar về trận động đất xảy ra ở nước này và chính quyền của ông sẽ cung cấp một số hình thức hỗ trợ cụ thể. Phát biểu trên được ông đưa ra khi trao đổi với các phóng viên tại Nhà Trắng.

Trong khi đó, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) thông báo đang cử một số nhóm đến Thái Lan để hỗ trợ nước này sau trận động đất tàn khốc.

Theo một số nguồn tin, công ty SpaceX của tỉ phú Mỹ Elon Musk cũng đã được triển khai để hỗ trợ các nỗ lực liên lạc và cứu trợ sau trận động đất Thái Lan và Myanmar. "Thật đau lòng khi nghe về thiệt hại do động đất gây ra cho Thái Lan và Myanmar. Đội ngũ SpaceX đã chuẩn bị cung cấp bộ công cụ Starlink để hỗ trợ nhu cầu liên lạc và cứu trợ, tùy thuộc vào bất kỳ sự chấp thuận cần thiết nào của chính phủ", đại diện Starlink cho biết.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết khối 27 nước thành viên sẵn sàng trợ giúp sau trận động đất mạnh xảy ra tại Myanmar và Thái Lan gây nhiều thiệt hại về người và của. Trong khi đó, Ngoại trưởng Pháp Jean-Noel Barrot tuyên bố Pháp sẵn sàng cung cấp hỗ trợ và đã sơ tán các cơ sở ngoại giao tại thủ đô Bangkok của Thái Lan.

Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết Tổng thống Nga Vladimir Putin đã gửi điện chia buồn tới chính quyền Myanmar, chia sẻ mất mát của gia đình các nạn nhân, đồng thời bày tỏ hi vọng người dân nhanh chóng vượt qua thảm họa này.

Theo tờ India Today, Ấn Độ - quốc gia láng giềng với Myanmar - thông báo đang gửi 15 tấn vật liệu cứu trợ đến Myanmar. Theo đó, một máy bay quân sự C-130J của lực lượng Không quân Ấn Độ tiến hành vận chuyển hàng cứu trợ từ căn cứu không quân Hindon (AFS Hindon). Gói cứu trợ bao gồm các vật dụng thiết yếu như lều, túi ngủ, chăn, thức ăn sẵn, máy lọc nước, bộ dụng cụ vệ sinh, đèn năng lượng mặt trời và máy phát điện. Ngoài ra, các vật dụng y tế quan trọng như thuốc hạ sốt paracetamol, thuốc kháng sinh, bơm tiêm, găng tay và băng gạc đang được gửi đến để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Báo Tin Tức)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/quoc-te/202503/dong-dat-tai-myanmar-uoc-tinh-co-the-hon-10000-nan-nhan-thiet-mang-75f2bbc/
Zalo