Động đất Myanmar: Thương vong, thiệt hại có thể lớn đến mức nào?

Động đất Myanmar và rung chấn ở Thái Lan chỉ mới xuất hiện những số liệu ban đầu về thương vong và thiệt hại, vẫn còn nhiều câu hỏi chưa được biết về thảm họa được đánh giá nghiêm trọng nhất tại khu vực này trong 75 năm qua.

Một trận động đất mạnh 7,7 độ richter có tâm chấn ở khu vực Sagaing gần TP Mandalay của Myanmar đã gây ra thiệt hại lớn ở quốc gia này và làm rung chuyển nước láng giềng Thái Lan vào ngày 28-3.

Tính đến hiện tại, đã hơn 150 người tại Myanmar và Thái Lan thiệt mạng do động đất và số thương vong dự kiến còn tăng nữa.

Đây mới chỉ là những thông tin ban đầu. Còn nhiều điều chưa thể biết về trận động đất Myanmar hôm 28-3.

Điều gì ẩn dưới lòng đất Myanmar?

Vị trí của Myanmar giữa hai mảng kiến tạo Ấn Độ và Á-Âu khiến nước này đặc biệt dễ xảy ra động đất.

Ranh giới giữa hai mảng kiến tạo này được gọi là đường đứt gãy Sagaing – một đường thẳng dài khoảng 1.200 km chạy từ bắc xuống nam, đi qua các thành phố lớn như Mandalay và Yangon, đặt hàng triệu người vào vùng nguy hiểm.

“Ranh giới giữa mảng Ấn Độ và mảng Á-Âu chạy theo hướng bắc-nam, cắt ngang lãnh thổ Myanmar” - GS Joanna Faure Walker, chuyên gia về động đất tại ĐH University College London (Anh), nói với hãng tin Reuters.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, trận động đất ở Myanmar xảy ra do mảng Ấn Độ và mảng Á-Âu trượt ngang qua nhau, một chuyển động được gọi là “đứt gãy trượt ngang”.

TS Rebecca Bell, chuyên gia về kiến tạo tại ĐH Imperial College London (Anh), so sánh vụ việc với đường đứt gãy San Andreas ở bang California (Mỹ) – nguyên nhân gây ra trận động đất chết chóc Northridge tại Mỹ năm 1994.

 Nhà cửa sụp đổ sau động đất ở TP Mandalay (Myanmar) ngày 28-3. Ảnh: AFP

Nhà cửa sụp đổ sau động đất ở TP Mandalay (Myanmar) ngày 28-3. Ảnh: AFP

Trận động đất mạnh đến mức nào?

Trận động đất 7,7 độ richter được coi là cực kỳ mạnh.

Tại thủ đô Bangkok (Thái Lan), một tòa nhà 33 tầng đang xây dựng đã đổ sập. Ở Mandalay (Myanmar), nhiều tòa nhà bị san phẳng, hoàng cung bị hư hại, và cầu Ava – tuyến đường bộ và đường sắt quan trọng – sập hoàn toàn. Thủ đô Naypyidaw và cố đô Yangon cũng chịu thiệt hại đáng kể.

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính khoảng 800.000 người ở Myanmar có thể đã nằm trong vùng rung chấn dữ dội nhất, và con số thương vong dự báo sẽ tiếp tục tăng trong những ngày tới.

Đường đứt gãy Sagaing đã hứng nhiều trận động đất trong những năm gần đây, trong đó có trận động đất 6,8 độ richter vào cuối năm 2012, khiến 26 người thiệt mạng và hàng chục người bị thương.

Tuy nhiên, theo GS Bill McGuire, chuyên gia về động đất tại Đại học UCL (Mỹ), trận động đất ngày 28-3 có thể là trận lớn nhất xảy ra trên đất liền Myanmar trong 75 năm qua.

Ông Roger Musson, nhà nghiên cứu danh dự tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh, nói với Reuters rằng độ nông sâu của tâm chấn động đất là yếu tố khiến thiệt hại trầm trọng hơn.

Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, tâm chấn của trận động đất nằm ở độ sâu chỉ 10 km.

“Đây là trận động đất rất nguy hiểm vì xảy ra ở độ sâu nông, khiến sóng chấn động không bị suy giảm nhiều khi di chuyển từ điểm phát sinh lên bề mặt. Các tòa nhà phải hứng trọn lực rung lắc mạnh nhất” - ông McGuire giải thích.

Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh rằng không nên chỉ tập trung vào vị trí tâm chấn, vì “sóng địa chấn không chỉ tỏa ra từ một điểm duy nhất mà lan rộng từ toàn bộ đường đứt gãy”.

Đồng quan điểm, TS Ian Watkinson, thuộc Khoa Khoa học Trái Đất tại Đại học Royal Holloway (Anh), cho rằng động đất nông có thể gây ra thiệt hại nghiêm trọng, do “năng lượng địa chấn không bị tiêu hao nhiều trước khi chạm tới mặt đất”.

 Công trình bị sập ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 28-3 do rung chấn từ động đất Myanmar. Ảnh: AFP

Công trình bị sập ở thủ đô Bangkok (Thái Lan) ngày 28-3 do rung chấn từ động đất Myanmar. Ảnh: AFP

Thương vong, thiệt hại có thể lớn đến mức nào?

Chương trình Nguy cơ Động đất của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ ước tính số người thiệt mạng có thể dao động từ 10.000 đến 100.000 người, trong khi thiệt hại kinh tế có thể lên tới 70% GDP của Myanmar.

Chuyên gia Roger Musson cho biết những dự báo này dựa trên dữ liệu từ các trận động đất trong quá khứ, cũng như quy mô, vị trí và mức độ sẵn sàng ứng phó của Myanmar.

Việc các trận động đất lớn hiếm khi xảy ra ở vùng Sagaing khiến hạ tầng ở đây không được thiết kế để chịu đựng động đất mạnh. Điều này có thể khiến mức độ thiệt hại trở nên nghiêm trọng hơn.

Trong khi một số khu vực dọc theo đường đứt gãy địa chấn, như bang California và Nhật, có quy chuẩn xây dựng giúp chống chịu động đất, thì cơ sở hạ tầng tại khu vực chịu ảnh hưởng trong trận động đất ở Myanmar lại kém chuẩn bị hơn.

Chuyên gia Watkinson nhận định Myanmar đã trải qua quá trình “đô thị hóa nhanh chóng”, với “sự bùng nổ của các tòa nhà cao tầng làm từ bê tông cốt thép”.

Ông cảnh báo trận động đất này có thể gây mức độ tàn phá tương tự như trận động đất 7,8 độ richter tại miền nam Thổ Nhĩ Kỳ năm 2023, khi nhiều công trình sụp đổ do xây dựng không được kiểm soát trong nhiều năm.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/dong-dat-myanmar-thuong-vong-thiet-hai-co-the-lon-den-muc-nao-post841458.html
Zalo